Những năm gần
đây, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa
bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta với tính chất
ngày càng gay gắt, quyết liệt. Trong đó, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn
hóa là “mũi đột phá”. Chúng triệt để lợi dụng sự phát triển của internet, mạng
xã hội nhằm tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, bịa
đặt, thật giả lẫn lộn, hòng gây nhiễu loạn thông tin; gieo rắc tư tưởng hoài
nghi, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ
trang, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, v.v.
Nhằm xuyên tạc
nền tảng tư tưởng của Đảng, họ cố tình lớn tiếng cho rằng: chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh đã “lỗi thời”, nên cần phải thay đổi bằng hệ tư tưởng dân
chủ tư sản cho “phù hợp với xu thế phát triển của thời đại”. Đồng thời, ra sức
tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa tư bản, tự ngộ nhận rằng chủ nghĩa tư bản đã
thay đổi bản chất, không còn là xã hội áp bức, bóc lột, v.v. Thông qua đó, làm
cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động, hoài nghi về
vai trò lãnh đạo của Đảng, thành tựu công cuộc đổi mới đất nước cũng như mục
tiêu, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Bên cạnh đó,
chúng ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhất
là khi Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh xử lý các vụ án tham nhũng về kinh tế, cho rằng
đó là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ”, “trả thù cá nhân”, vì “lợi ích
nhóm”, v.v. Ngoài ra, chúng còn bới móc, thổi phồng, xuyên tạc những sai lầm,
khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý nhà nước để vu khống, bôi nhọ, hạ
thấp uy tín, vai trò của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp. Lợi dụng việc các
cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ, điều tra, xét xử những người có hành vi chống
phá Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch, phần tử bất mãn chính trị đã vu cáo,
lu loa rằng, Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo.
Nguy hiểm hơn, chúng còn cắt ghép, dàn dựng, lấy những thông tin ở nước ngoài
gán ghép cho sự kiện trong nước. Hoặc, trước những sự việc, hiện tượng diễn ra
mặc dù chưa có kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng, nhưng các đối tượng đã
quy chụp, kết luận, hướng lái theo ý chủ quan của chúng.
Về phương tiện,
chúng thường lợi dụng các đài phát thanh, truyền hình ở nước ngoài có chương
trình phát bằng tiếng Việt, như: BBC, VOA, RFA, RFI,… lập ra hàng trăm báo, tạp
chí cùng hàng nghìn trang web phản động để đăng tải tin, bài, video clip; xuất
bản các ấn phẩm có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam. Sử dụng
internet, mạng xã hội, nhất là tính năng livestream để phát, truyền hình trực
tiếp âm thanh, hình ảnh nhằm lôi kéo, thu hút người theo dõi, tin theo. Thậm
chí, các thế lực thù địch còn lợi dụng những người nhẹ dạ, cả tin hoặc vì lợi
ích kinh tế đứng ra “làm chim mồi”, đóng vai “nhân chứng” chứng minh “độ tin cậy”
của thông tin xuyên tạc. Chúng sử dụng công nghệ sửa chữa, chèn đường dẫn đăng
tải nội dung, thông tin giả mạo, xuyên tạc; chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh
trên website của các cơ quan nhà nước, đưa hình ảnh, nội dung xấu độc hoặc thay
đổi nội dung thông tin chính thống hòng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng,
Nhà nước. Chủ thể tiến hành, chủ đạo vẫn là Việt Tân cùng một số tổ chức phản động
lưu vong ở nước ngoài và một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Ngoài ra, một
số người dân do nhận thức lệch lạc, không hiểu đúng bản chất vấn đề hoặc vì động
cơ vụ lợi, mục đích cá nhân, tham gia câu like, câu view, thu hút số lượng lớn
người theo dõi để bán hàng online, v.v.
Đấu tranh bảo
vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu
dài của cả hệ thống chính trị, toàn dân nhằm bảo vệ tính cách mạng, khoa học của
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã dày
công xây dựng. Thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh,
ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch còn có những
hạn chế, bất cập. Cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức nhận
thức chưa đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này nên chưa quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng mức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là,
mất cảnh giác trong nhận diện, đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong đấu tranh, ngăn chặn thông
tin nhiễu loạn còn mang tính hình thức, thụ động. Công tác tuyên truyền phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi chưa đa dạng, phong phú; nội
dung thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao. Việc thực hiện chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có địa phương còn sơ hở, thiếu
sót; tình trạng cán bộ cấp cơ sở quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch với
người dân vẫn còn. Công tác giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ở một số nơi
còn chậm, kéo dài, để khiếu nại vượt cấp, gây bức xúc trong nhân dân, v.v. Đây
chính là “miếng mồi ngon”, “mảnh đất màu mỡ” mà các thế lực thù địch, phản động
lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc gây nhiễu loạn thông tin.
Để khắc phục
những hạn chế, thiếu sót, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn
chặn hoạt động tuyên truyền gây nhiễu loạn thông tin, trước hết, phải đặt nhiệm
vụ này dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Nhà nước, phát
huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chuyên trách,
chuyên sâu. Triển khai đồng bộ các mặt công tác từ nắm tình hình, phát hiện,
phòng ngừa đến các biện pháp đấu tranh. Thường xuyên tranh thủ sự đồng lòng, ủng
hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kể cả cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài một cách thực chất, hiệu quả. Tăng cường công tác nắm tình
hình tư tưởng, dư luận xã hội, chủ động xử lý kịp thời những vấn đề mới nảy
sinh; những bức xúc, nổi cộm ngay tại cơ sở, nhất là ở những địa phương phức tạp
về an ninh chính trị; không để phát sinh “điểm nóng”. Chủ động nghiên cứu, dự
báo các phương thức hoạt động tuyên truyền xuyên tạc gây nhiễu loạn thông tin của
các thế lực thù địch, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp
thời.
Tiếp tục đổi
mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu và hiệu quả của công
tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; xây dựng
văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên
truyền đối nội và đối ngoại làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài
hiểu đúng những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền, lợi
ích chính đáng của nhân dân, nhất là kết quả đạt được trong phòng, chống dịch
Covid-19 hiện nay. Gắn kết chặt chẽ cuộc đấu tranh bảo vệ hệ tư tưởng xã hội với
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; nêu
cao vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người
đứng đầu. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu,
tính chủ động, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tuyên truyền, tư tưởng,
lý luận; gắn kết chặt chẽ giữa “xây và chống”. Tăng cường tuyên truyền, nâng
cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân về âm mưu, thủ đoạn, bản
chất của hoạt động gây nhiễu loạn thông tin; thấy rõ tác hại của các thông tin
phản động, xuyên tạc. Từ đó, thúc đẩy mọi người tự giác, tích cực tham gia
phòng ngừa, đấu tranh, có khả năng nhận diện, tự “miễn dịch” trước các thông
tin xấu độc, nguy hại. Hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tiếp cận thông tin chính thống,
kịp thời đấu tranh phê phán, phản bác những thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc.
Đẩy mạnh phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội gắn
với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm
no, hạnh phúc; không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc
tế. Đây là minh chứng sinh động nhất, thuyết phục nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, quan tâm giải quyết
thỏa đáng quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Chú ý giải quyết kịp thời, dứt
điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, các vụ đình công, lãn công,…
ngay từ cơ sở, không để kẻ địch lợi dụng chống phá.
Cùng với đó,
chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bóc
gỡ kịp thời các trang mạng, blog phản động đăng tải các tin, bài, video clip có
nội dung xấu độc, xuyên tạc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; lan tỏa thông tin tích cực để định hướng dư luận
xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực thông
tin, truyền thông, quản lý internet, mạng xã hội. Nghiên cứu, rà soát xác định
những quan hệ xã hội nảy sinh trên không gian mạng chưa được pháp luật điều chỉnh
để cơ quan chức năng xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật phòng ngừa, đấu
tranh, ngăn chặn thông tin xuyên tạc, nhiễu loạn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
thành quả của công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
LNK-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét