C. Mác, Hồ Chí Minh là những vĩ
nhân, những nhà sáng lập ra một giá trị văn hóa đặc sắc không chỉ góp phần làm
biến đổi diện mạo của cả một dân tộc, mà có ảnh hưởng đến cả một thời đại. Khái
niệm văn hóa có nội hàm rất rộng. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn để nói về một
khía cạnh của văn hóa là đoàn kết, một dòng chủ lưu trong tư tưởng của hai vĩ
nhân này.
Lâu nay người ta đã có sự hiểu lầm
cho rằng, học thuyết của C. Mác chỉ là học thuyết nói nhiều đến mâu thuẫn và đấu
tranh giai cấp, coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất của sự biến đổi lịch
sử. Sinh thời, năm 1947, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã phê phán sự hiểu biết không thấu đáo về học thuyết đấu tranh giai cấp của C.
Mác, nên mắc vào bệnh giáo điều, bắt chước như sau: “Nghe người ta nói giai cấp
đấu tranh mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước
mình như thế nào để làm cho đúng”(1).
C. Mác và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều
nêu cao khẩu hiệu đoàn kết, coi đoàn kết là bản chất của con người và là động lực
chủ yếu trong sự phát triển của xã hội loài người. Chính nhờ biết kết đoàn mà
con người mới có đủ trí khôn và sức mạnh để sáng tạo ra lịch sử của chính mình.
Một xã hội văn minh được xây lên bởi kết đoàn, trong đó sự phát triển tự do của
mỗi người là điều kiện cho sự phát triển của tất cả mọi người, đó cũng chính là
lý tưởng cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đảng viên cộng sản chân
chính ở nước ta tin theo.
Đoàn kết là một phạm trù cốt lõi của
khoa học về con người. C. Mác đã từng nói “bản thân khoa học về con người là một
sản phẩm của việc con người biểu hiện bản thân mình một cách thực tiễn”(2). Do
vậy, nhìn nhận vấn đề đoàn kết trong đảng cộng sản và thái độ kết đoàn của đảng
viên đối với nhau trong tổ chức đảng, đoàn kết với nhân dân, dân tộc trong một
quốc gia và quan hệ quốc tế chính là nhìn nhận việc đảng cộng sản “biểu hiện bản
thân mình” ra trong cuộc sống hằng ngày, trong các hoạt động thực tiễn. Đảng là
ai? Đảng là sự hợp thành của những đảng viên, của những tổ chức đảng. Thông qua
những đảng viên cụ thể, những chi bộ, đảng bộ cụ thể, người ta thấy được bức
tranh chung về diện mạo của sự biểu hiện bản thân Đảng trong quan hệ với cộng đồng.
Người đảng viên cộng sản nói riêng
và người dân nói chung, tất cả mọi người đều hành động vì hai lẽ: Thứ nhất, xét
về mặt cá nhân, hành động là để mưu sinh, để tồn tại và nâng cao không ngừng đời
sống vật chất và tinh thần của chính bản thân mình. Thứ hai, xét về mặt xã hội,
hành động là sự “phản kháng của con người chống lại cuộc sống mất nhân tính”(3)
để kiến tạo một xã hội dân chủ, tự do, con người biết yêu thương nhau, tôn trọng
nhau. Cả hai lẽ đó đều mang tính người, tính cộng đồng, đều tất yếu phải có sự
chung sức, chung lòng. Ngay cả cuộc sống mưu sinh của mỗi người cũng không thể
tách khỏi đồng loại, tức là không thể tách khỏi nhu cầu và ước vọng chung của cộng
đồng. Như vậy, con người luôn luôn thể hiện những giá trị đích thực của mình
trước hoàn cảnh trong đời sống thực tiễn. Chính sự gắn bó với cộng đồng và sự
thể hiện được những giá trị chung của cộng đồng sẽ tạo cho con người sức mạnh
và nhân giá trị của mình lên nhiều lần.
Đảng cộng sản với tư cách là đội
ngũ của những người tiên tiến nhất và ưu tú nhất của nhân dân lao động, của dân
tộc thì càng phải thể hiện rõ tính “vượt trội”, tính tiên phong, điển hình của
sự đoàn kết. Chỉ có như vậy, tổ chức đảng mới trở thành một khối thống nhất, mới
dành được sự tin yêu và tín nhiệm của tất cả mọi người. Muốn vậy, tổ chức đảng phải
là hiện hữu của một tổ chức gắn bó với nhau một cách trung thực, chung thủy, có
tình nghĩa. Tình là những giá trị nhân văn, đạo đức, được tạo ra trong quan hệ
kinh tế - xã hội, trong hoạt động thực tiễn. Nghĩa là lý tưởng phấn đấu cho một
mục đích trong sáng vì lợi ích chung của cộng đồng.
Có tình, có nghĩa, con người mới
biết yêu thương nhau và tín nhiệm nhau. C. Mác đã chỉ rõ:“Nếu anh giả định con
người với tính cách là con người và quan hệ của con người với thế giới với tính
cách là quan hệ có tính người, thì anh chỉ có thể đổi tình yêu lấy tình yêu,
tín nhiệm lấy tín nhiệm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, những ai tự giác
đứng vào hàng ngũ cách mạng, mang danh là chiến sĩ tiên phong vì lý tưởng cao đẹp
là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc thì trước hết và trên hết phải luôn biết sống
với đồng chí và đồng bào, đồng loại sao cho có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao
nhiêu sách, nói bao nhiêu điều tốt đẹp mà sống với đồng chí, đồng bào không có
tình, có nghĩa thì cũng chỉ là kẻ ba hoa, sáo mép và giả dối.
Đảng viên, cán bộ, cấp trên và cấp
dưới chỉ có thể đoàn kết thống nhất khi thực lòng tin yêu vào lý tưởng, (điều
đó gọi là tình đồng chí), và chỉ có thể đoàn kết với nhân dân và chiếm được sự
tin yêu của nhân dân khi toàn tâm, toàn ý phụng sự, trung thành với lợi ích của
nhân dân, đất nước mình. Đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở lợi ích chung
và cần được đắp bồi từ người có chức quyền cao nhất đến mọi đảng viên và người
dân. Mọi người đều phải sống sao cho có tình, có nghĩa, cùng nhau phấn đấu cho
mục tiêu “dân giàu nước mạnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Tình yêu và lòng tin không thể đến
từ một phía. Đảng viên và tổ chức đảng phải thông qua những hoạt động thực tiễn,
động cơ, mục đích và thái độ sống của chính mình mà chiếm được trái tim và khối
óc của quần chúng, nghĩa là mỗi một người cộng sản phải tạo ra được một ảnh hưởng
tốt đối với những người xung quanh. Chính C. Mác đã chỉ rõ: “Nếu anh muốn ảnh
hưởng tới những người khác thì anh phải là một người có một tác dụng thực sự
thúc đẩy và kích thích những người khác. Mỗi quan hệ của anh đối với con người
và đối với giới tự nhiên phải là một biểu hiện của đời sống cá nhân hiện thực của
anh”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rất sớm rằng, quyền uy của Đảng
không thể chỉ dựa vào chức quyền làm cứu cánh để áp đặt. Đảng không thể đòi,
không thể cưỡng bức nhân dân và tổ chức của nhân dân “thừa nhận quyền lãnh đạo
của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân
thực nhất”(6).
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào nửa
đầu thế kỷ XX, đứng ở trung tâm của vũ đài chính trị, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, trải qua những biến thiên của lịch sử, vượt biết bao thác ghềnh,
gian nguy, hiểm trở, có lúc vấp váp và sai lầm nhưng qua những cuộc đấu tranh
giải phóng, giành và giữ chính quyền, Đảng đã “trở thành hình thức tổ chức cao
nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của
dân tộc”(7).
Hiện nay, trong điều kiện phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc
tế, bên cạnh những mặt tích cực, đã nảy sinh không ít mặt tiêu cực. Đảng Cộng sản
Việt Nam đã khẳng định quyết tâm khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp
đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn, ngăn chặn tình trạng coi đồng tiền là
sức mạnh vạn năng, thành “viên đạn bọc đường” “bắn đổ” không ít chiến sĩ đã từng
dũng cảm đi tiên phong trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Chủ
nghĩa cá nhân đặt lợi ích của cá nhân cao hơn tất cả, đã làm cho bản chất con
người bị tha hóa và tất nhiên nó sẽ làm cho tổ chức chính trị, xã hội bị chia rẽ,
quan hệ cộng đồng mang tính người suy giảm hoặc mất đi và hệ quả là dẫn tới sự
suy vong của chế độ. Do đó, đồng tiền ở khía cạnh này, theo C. Mác chính là
năng lực đã bị tha hóa của nhân loại, bởi vì “tiền biến trung thành phản, yêu
thành ghét, ghét thành yêu, đức hạnh thành thói xấu, thói xấu thành đức hạnh, tớ
thành chủ, chủ thành tớ, ngu thành khôn, khôn thành ngu...”(8). Sự sùng bái đồng
tiền tạo ra phe phái, cánh hẩu, lợi ích nhóm…, nó phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất
của tổ chức chính trị, của Nhà nước và xã hội. Sùng bái tiền bạc ắt sẽ dẫn đến
sự si mê quyền lực. Nếu mắc vào, điều đó sẽ làm tha hóa quyền lực chính trị của
Đảng vốn lấy thanh liêm, đạo đức và trí tuệ làm sức mạnh, lấy phục vụ hạnh
phúc, tự do của nhân dân làm mục đích lý tưởng; sẽ biến chủ nghĩa tập thể thành
chủ nghĩa cá nhân, biến chủ nghĩa nhân đạo đích thực thành chủ nghĩa vị kỷ, vô
nhân tính. Nó phá vỡ cơ sở của sự đoàn kết nhất trí, do đó, tổ chức không còn sức
mạnh, sẽ như “đũa mỗi chiếc một nơi”.
Trong xã hội loài người, bất cứ ở
đâu, ở thời điểm nào, nếu còn có sự sùng bái đồng tiền thì ắt dẫn tới sự lạm dụng,
lợi dụng quyền lực, tạo ra một sức ép nặng nề đối với mọi mặt của đời sống xã hội,
gây ra sự bất mãn phổ biến trong xã hội, làm cho con người trở nên thấp hèn, nhỏ
nhen, ti tiện. Sự khác biệt của chế độ xã hội mới, của Nhà nước do đảng cộng sản
cầm quyền so với các kiểu nhà nước cũ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát ở
một điểm cốt lõi nhất: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó
phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào
sung sướng”(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đoàn kết chính là sức mạnh
tạo nên thành công:“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,/ Thành công, thành công,
đại thành công”. Chính sự khác biệt ấy đã cho thấy tầm cỡ nhân loại của nhà văn
hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh trong quan hệ máu thịt với nhân dân Việt Nam để làm
nên chiến thắng ở thế kỷ XX.
Đoàn kết là bản chất mang tính Người,
là biểu hiện bản chất của một đảng cách mạng chân chính. Nếu ở C. Mác là: “Vô sản
tất cả các nước, đoàn kết lại!”, thì ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Lao động tất cả
các nước, đoàn kết lại!”.
Rõ ràng từ C. Mác đến Hồ Chí Minh,
đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế là sợi chỉ đỏ xuyên
suốt một dòng chảy văn hóa của nhân loại. Để kỷ niệm và nhớ ơn các vĩ nhân một
cách thiết thực nhất trong tình hình hiện nay, toàn Đảng, từ Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến từng đảng viên cần ghi nhớ và thật tâm
làm theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước hết nói về Đảng
- Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục
vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và
lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ
quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần
phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng
rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng
cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí
thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi
đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm
liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng
đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.Trước hết,
cần khắc phục cho có hiệu quả rõ rệt những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối
sống, cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén
cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh,
không muốn người khác hơn mình trong nội bộ Đảng và trong hệ thống các cơ quan
quyền lực của Nhà nước./.
NCB-H4
---------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.272.
(2), (3), (4), (5), (8), (9) Mac -
Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t.1, tr.130, tr. 44, tr.136,
tr.136, tr.135, tr.49.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.
3, tr.139.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd
t.7, tr.517.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét