Pages - Menu

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO - ĐIỂM SÁNG TRONG BẢO ĐẢM NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

 

Xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là biểu hiện sinh động về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành tựu trong thực hiện chủ trương này thời gian qua là điểm sáng về bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam, không ai có thể phủ nhận.

Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn lợi dụng và coi vấn đề “nhân quyền” là một trong những mục tiêu chủ yếu để chống phá cách mạng Việt Nam. Nhân quyền có nội dung rộng, nhưng với đất nước có gần 100 triệu dân, còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, thiên tai, thì việc bảo đảm quyền tuyệt đối của con người là quyền được sống trong hòa bình và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân, được thế giới ghi nhận và đánh giá là quốc gia đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo1 là thành tựu lớn của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân ta.

Bảo đảm quyền con người, nhất là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân không những đã được hiến định tại Điều 34, Điều 59 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, mà thực tiễn kết quả thực hiện Hiến pháp về xóa đói giảm nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2020, nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức nổi bật. Kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Hộ nghèo từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 05 năm giảm bình quân 1,43%/năm (chỉ tiêu: giảm 01% - 1,5%/năm); hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 04%/năm (chỉ tiêu: giảm 03% - 04%/năm); hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,4%/năm (chỉ tiêu: giảm 04%/năm). Có được kết quả đó là do Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương (35%), vốn huy động xã hội hóa hỗ trợ an sinh xã hội và giảm nghèo của các địa phương (41%), vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (24%).

Không chỉ giảm về số lượng mà chất lượng giảm nghèo được Việt Nam ngày càng chú trọng nâng lên, thông qua áp dụng chuẩn nghèo đa chiều (không chỉ thiếu hụt hoặc không được thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người về vật chất mà còn đáp ứng nhu cầu về tinh thần). Việt Nam đã 08 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Đồng thời, là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là một trong những quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.  Trên thực tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người sinh sống trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được nâng cao. Cả nước hiện có hơn 13 nghìn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội vươn lên thoát nghèo, ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến nay, cả nước có 32 huyện, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã thoát khỏi tình trạng này; 125 xã và 1.298 thôn hoàn thành Chương trình 135; 24.000 công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư. Điều đó bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, con người ở nơi đây ngày càng được phát triển toàn diện. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, người nghèo, người yếu thế luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm. Trong 09 tháng đầu năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 2.570 tỉ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” trên 619 tỉ đồng, an sinh xã hội trên 1.951 tỉ đồng; thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 13.250 nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ người nghèo các địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội, phát triển sản xuất và giúp các cháu học sinh phương tiện để học tập trực tuyến; hàng triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh, được tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, v.v. Thành quả đó được nhân dân cả nước ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những thành công nổi bật, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

Cùng với sự phát triển của xã hội, chất lượng bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam không ngừng được nâng lên thông qua áp dụng chuẩn nghèo mới. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 với các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016 – 2020, không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn.

Để bảo đảm quyền con người, Việt Nam không chỉ áp dụng chuẩn nghèo mới mà còn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, góp phần giải quyết các vấn đề nghèo đói có trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có mục tiêu, thời hạn rõ ràng. Song song với hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên, Việt Nam phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (từ năm 1998) tập trung hỗ trợ có mục tiêu cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và người nghèo. Ngày 28/7/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chương trình tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng “lõi nghèo”, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nghèo, đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm tốt, hỗ trợ đối tượng yếu thế không rơi vào tình trạng nghèo đói.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam cũng đồng thời tập trung đẩy mạnh giải quyết một số thách thức. Đó là, (1). Tiếp tục giải quyết các vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 chưa thực hiện xong. Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn do là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo cao. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường việc làm, v.v. (2). Giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia, như: Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tại thời điểm tháng 01/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu; trong đó, hộ nghèo là 10,83%, hộ cận nghèo là 5,77%. Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; trong đó, có các mục tiêu: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho mọi người; đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.

Để bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” với tổng thể các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo. Đổi mới nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với các loại thị trường, như: lao động, hàng hóa, v.v. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện đồng bộ nội dung, giải pháp trên, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta sẽ có kết quả tốt hơn nữa, là minh chứng cho thấy nhân quyền ở Việt Nam luôn được thực thi hiệu quả; bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ, sai trái của các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

 

(1)  Năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015), được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Và, tại Hội nghị cấp cao thế giới xem xét tiến trình thực hiện các Mục tiêu MDGs vào năm 2015, Việt Nam và Ghana được Liên hợp quốc đánh giá là những “ngôi sao sáng” trong số các nước đạt tiến bộ lớn trên lộ trình thực hiện các MDGs./.

NCB-H4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét