Pages - Menu

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua hơn 92 năm đấu tranh và thắng lợi. Thắng lợi lớn nhất là Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được độc lập, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những nguyên nhân của thắng lợi là Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nhận thức và thực hiện đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là Đảng phải có lý luận cách mạng. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh của Hồ Chí Minh (khi đó mang tên là Nguyễn Ái Quốc) xuất bản năm 1927 có đoạn chỉ rõ: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam". Hồ Chí Minh còn nêu ra phương pháp học tập đúng và hành động đúng với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá 1 tại Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 7-9-1957, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý luận cách mạng luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động và phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi". Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930 khẳng định: "Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc". Các Đại hội Đảng đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng. Để phù hợp với sự phát triển của lý luận và của thực tiễn, từ Đại hội lần thứ bảy, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Các Đại hội Đảng đều coi việc tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng Đảng. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh". Trong bài viết của mình với tiêu đề: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin… Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống".

Thứ hai, Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là Đảng có đường lối cách mạng đúng đắn. Ngay khi thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã soạn thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng... trong đó "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Trên cơ sở đó, Luận cương chính trị tháng 10-1930 đã khẳng định: "Cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa". Các Đại hội Đảng đều thể hiện xuyên suốt đường lối 2 giai đoạn của cách mạng Việt Nam mà thực chất là sự thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, do điều kiện lịch sử mỗi thời kỳ cách mạng nên mỗi Đại hội có những chủ đề khác nhau. Đến Đại hội XIII chủ đề của Đại hội là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Thứ Ba, Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân. Sách lược vắn tắt do Hồ Chí Minh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng "chủ trương thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết rộng rãi của toàn dân tộc chống đế quốc". Theo tinh thần đó, Luận cương Chính trị năm 1930 khẳng định Đảng phải: "mật thiết liên lạc với quần chúng... phải thu phục được đông đảo quần chúng lao động". Các Đại hội Đảng đều coi việc liên hệ mật thiết với quần chúng là nhiệm vụ có tính chiến lược. Từ thực tiễn, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã nêu lên những bài học quan trọng mà bài học đầu tiên là: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 cũng khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước". Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa". Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm trong đó có bài học: "Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ tư, Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là Đảng luôn luôn chăm lo xây dựng Đảng. Điều lệ tóm tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo năm 1930 khẳng định: "Đảng Cộng sản là tổ chức cao nhất của giai cấp vô sản, gồm những người giác ngộ nhất, kiên quyết tranh đấu nhất của giai cấp vô sản… Nguyên tắc tổ chức của Đảng theo dân chủ tập trung". Theo tinh thần đó, Chương trình hành động của Đảng ban hành tháng 6-1932 đã đề ra những nhiệm vụ về tổ chức và lãnh đạo của Đảng phải được xây dựng "bí mật có kỷ luật nghiêm nhất, cứng như sắt, vững như đồng". Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp vào tháng 6-1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) đã đề ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển Đảng với nội dung: Phát triển cơ sở Đảng tại các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ, tại các thành thị; kết nạp thêm đảng viên ưu tú trong hàng ngũ giai cấp công nhân; đẩy mạnh việc phê và tự phê trong Đảng. Các Đại hội tiếp theo của Đảng đều coi xây dựng Đảng là một bộ phận hợp thành đường lối của Đảng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng... xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Thứ năm, Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải là Đảng có tinh thần đoàn kết quốc tế. Chương trình tóm tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo xác định những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng trong đó có nhiệm vụ: "Đoàn kết với vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, nhất là vô sản Pháp". Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng đã xác định: "Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới". Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 1-11- 1930 Đảng đã ra Lời kêu gọi quần chúng "ủng hộ nước Nga Xô viết, chống lại âm mưu của chủ nghĩa đế quốc đang bao vây lật đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Báo chí công khai của Đảng như các tờ Tin tức, Dân, Dân chúng và báo chí tiến bộ hàng ngày cổ vũ phong trào ủng hộ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật ở nhiều địa phương trong cả nước trong dịp kỷ niệm như 7-7 (ngày phát xít Nhật gây hấn xâm lược Trung Quốc), ngày 11-2 (kỷ niệm Công xã Quảng Châu) bằng nhiều hình thức. Ở Nam Bộ, báo Dân chúng năm 1938 quyên góp được 399,83 đồng (khoảng 400 triệu VNĐ). Ở Bắc Bộ các đoàn thể quần chúng tổ chức chợ phiên ở Hà Nội từ ngày 1 đến ngày 4-12-1938, quyên góp được 785 đồng (khoảng gần 800 triệu VNĐ) giúp đỡ nhân dân Trung Quốc. Ở Trung Bộ, các đoàn thể tổ chức mít - tinh, diễn thuyết, đá bóng, diễn kịch, bán sách báo, hàng hóa... để quyên góp tiền bạc gửi giúp nhân dân Trung Quốc… Các Đại hội Đảng đều coi đoàn kết quốc tế là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Một trong 4 bài học được Đại hội lần thứ VI của Đảng tổng kết là "phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam: "Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển".

Thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định rằng, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua không tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ chứng minh sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh (bao gồm hệ thống các quan điểm toàn diện và khoa học về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam ) mà còn khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh mà mục đích của tư tưởng đó là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"./.

NVT-H4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét