Trong các văn kiện của Đảng, văn
bản pháp luật của Nhà nước ta đều khẳng định nhất quán chính sách quốc phòng Việt
Nam mang tính chất chính nghĩa, hòa bình và tự vệ. Mọi luận điệu xuyên tạc, đi
ngược lại lợi ích, nguyện vọng chính đáng của đất nước, nhân dân Việt Nam đều
phải bị lên án, bác bỏ.
Điều 4, Luật Quốc phòng chỉ rõ:
“… không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên
kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt
Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc
tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc
tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp
vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”1. Sách trắng Quốc phòng
Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định: “Chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang
tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi
tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế,…”2.
Trên thực tế, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng đắn chính sách quốc phòng đã đề
ra với đường lối quốc phòng, quân sự độc lập, tự chủ, xây dựng nền quốc phòng
toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững
chắc, tạo sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, tích cực thực hiện cam
kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp
phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Như vậy, cả lý
luận và thực tiễn đều khẳng định nhất quán quan điểm, chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về chính sách quốc phòng phù
hợp với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, có tính nhân văn sâu sắc; được
công khai, minh bạch nhằm tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin của các quốc
gia với Việt Nam.
Song, với dã tâm thâm độc, âm
mưu nham hiểm, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị không
từ thủ đoạn nào để chống phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Họ sử dụng
nhiều hình thức, phương tiện, như: viết tin, bài, bình luận; quay, cắt ghép,
phát tán các video clip trên YouTube và livestream trên các trang mạng xã hội;
núp bóng dưới chiêu trò cái gọi là “Người yêu nước”, “Chiến sĩ đấu tranh cho
dân chủ, nhân quyền”, phản biện “Sách trắng Quốc phòng”,… để suy diễn, bịa đặt,
xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Chúng cho rằng, chính sách quốc phòng
Việt Nam đã lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp; chủ trương “không sử dụng vũ lực
hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ dùng vũ
lực trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “ tự cô lập mình”, tước
đi cơ hội hợp tác với các nước lớn trong bảo vệ Tổ quốc, không phù hợp với tình
hình thực tế, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Họ lợi dụng
các điểm mới trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 để đưa ra bình luận, quy
chụp thiếu căn cứ về nguyên tắc “bốn không”; đưa ra tư vấn, góp ý, kiến nghị Việt
Nam thiết lập, tham gia liên minh quân sự. Vậy chúng ta cần hiểu rõ và lên án mạnh
mẽ những hành động của các thế lực phản động.
Một là, đẩy mạnh hoạt động
tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết, tính khoa học của chính sách quốc phòng Việt
Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh làm thất bại âm
mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chính sách quốc phòng Việt Nam là trách nhiệm
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành,
cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức, phương
pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đất nước và bối cảnh quốc tế nhằm
nâng cao nhận thức, hiểu biết, cách tiếp cận đúng cho nhân dân, kiều bào ta ở
nước ngoài, cộng đồng quốc tế về chính sách quốc phòng Việt Nam. Luận giải, làm
rõ cơ sở khoa học, nội dung cơ bản, khẳng định chính sách quốc phòng Việt Nam
mang tính chất chính nghĩa, hòa bình và tự vệ được xây dựng trên nền tảng sức mạnh
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam luôn “Thực hiện nhất quán đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng
hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc
trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc
tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Thông qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc
lòng tin của các quốc gia về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Đồng thời, tích cực, chủ động tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, định
hướng dư luận, phân biệt rõ đúng sai, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sức
đề kháng, tự miễn dịch trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác quốc phòng trong
tình hình mới. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc được Đảng ta xác định
trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011; Nghị
quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến
lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó chỉ rõ ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng luôn lãnh đạo tuyệt đối,
trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đề cao cảnh
giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đòi đa nguyên, đa đảng,
“phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Nhà nước thể chế hóa đường
lối, chủ trương của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp, pháp luật,
tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cần
xác định rõ cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, cán bộ chuyên
trách quốc phòng ở các bộ, ngành; trách nhiệm phối hợp của từng cấp, ngành, địa
phương trong các hoạt động liên quan đến quốc phòng.
Ba là, xây dựng Quân đội
nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng
yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sức mạnh bảo vệ Tổ
quốc không phải xuất phát từ việc tham gia các liên minh quân sự mà chính là từ
sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực,
tự cường; kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng,
Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an
nhân dân là nòng cốt”4. Vì vậy, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng
lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là tất yếu
khách quan. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như
kinh nghiệm quốc tế cho thấy: phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ
khi nước chưa nguy; phải chuẩn bị đồng bộ về mọi mặt, ngay từ thời bình, sẵn
sàng đánh thắng các hình thái chiến tranh xâm lược. Xây dựng Quân đội vững mạnh
về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xứng đáng là lực lượng
chính trị, lực lượng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng,
Nhà nước và Nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Trước mắt,
đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều chỉnh tổ chức Quân đội theo hướng “tinh,
gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.
Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống
phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch, phần tử
cơ hội chính trị là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, góp phần
xây dựng, củng cố niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế
đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HKT-KBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét