Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống toàn diện và phong phú bao quát hầu hết các khía cạnh của đời sống đạo đức xã hội. Bài viết này chỉ đề cập đến những quan điểm cơ bản nhất trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có liên quan đến giáo dục đạo đức đang diễn ra hiện nay.
1. Đạo đức là
cái gốc của người cách mạng
Chủ tịch Hồ
Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho
cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có
nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo.
Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng
không lãnh đạo được nhân dân”. Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám , Đảng ta
trở thành đảng cầm quyền, người cán bộ, đảng viên thành người có chức, có
quyền. Quyền lực là một nhân tố dễ làm tha hóa, biến chất con người. Sớm tiên
lượng vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh của người có
chức, có quyền và đặt lên hàng đầu việc giáo dục, rèn luyện đạo đức. Người nhắc
nhở: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ
tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân. Đến
khi lộ ra, bị phạt thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được
hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ LIÊM làm đầu”.
Theo tư tưởng
Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội (CNXH) chưa phải ở mức sống vật
chất cao mà trước hết là ở giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất cao đẹp của
những người cộng sản. Hồ Chí Minh thường nêu tấm gương đạo đức của V.I. Lê-nin
để nói về ảnh hưởng lớn lao của đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy cách
mạng đối với các dân tộc châu á, đã khiến cho trái tim họ hướng về lãnh tụ cách
mạng tháng Mười Nga không gì ngăn cản nổi. Ngày nay, nếu cán bộ, đảng viên
chúng ta để mất đi những giá trị đó, chẳng những sẽ làm mất đi sức hấp dẫn của
CNXH mà còn là nguy cơ đối với Đảng và chế độ, như Nghị quyết Đại hội X của
Đảng ta đã cảnh báo.
2. Đạo đức
cách mạng và chính trị cách mạng phải luôn luôn thống nhất với nhau
Đạo đức cách
mạng, theo Hồ Chí Minh, là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách
mạng... Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên
mình, gương mẫu trong mọi việc”. Như vậy, đạo đức cách mạng là để phục vụ sự
nghiệp chính trị cao cả: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con
người. Sự nghiệp chính trị đó mang giá trị đạo đức cao cả. Do đó, chính trị và đạo
đức dưới chế độ ta luôn luôn thống nhất với nhau. Đạo đức để phục vụ sự nghiệp
chính trị, người hoạt động chính trị phải có đạo đức.
Nhờ kiên trì
giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đại bộ phận
cán bộ, đảng viên, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã nêu
cao tinh thần tận tụy, trách nhiệm và đạo đức trong sạch của người cách mạng,
xứng đáng là “công bộc”của dân, góp phần làm cho uy tín chính trị và uy tín đạo
đức của Chính phủ Cụ Hồ thêm toả sáng. Một nền chính trị liêm khiết đã làm cho
chính quyền cách mạng trở nên mạnh mẽ và sáng suốt, vượt qua được tình thế
“ngàn cân treo sợi tóc”, giữ vững thành quả cách mạng.
Hiện nay, sự
thống nhất giữa chính trị và đạo đức trong xã hội ta đang có nguy cơ bị phá vỡ;
nghĩa là đang có mâu thuẫn giữa tư tưởng đạo đức cách mạng, giữa mục tiêu chính
trị cuối cùng với hoạt động chính trị thực tiễn của một bộ phận cán bộ, đảng
viên. Số người này đã lợi dụng chức quyền để trục lợi, làm ô danh Đảng, làm mất
niềm tin của nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN. Những hành vi quan
liêu, tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết,... của họ không còn dừng lại ở phạm
vi đạo đức cá nhân mà đã trở thành những vấn đề chính trị - xã hội nghiêm
trọng, có quan hệ đến an nguy của chế độ.
3. Đạo đức
cách mạng đòi hỏi sự thống nhất giữa động cơ và hiệu quả, giữa nói và làm, giữa
đạo đức và tài năng
Đạo đức Hồ
Chí Minh không phải là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức
trong hành động. Đã là hành động, nhất là hành động cách mạng, phải chú trọng
đến hiệu quả. Nếu làm việc gì cũng không có hiệu quả thì không thể coi là một
người có đạo đức. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Phải lấy kết quả
thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí
cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông,
thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.
Thống nhất giữa động cơ và hiệu quả đòi hỏi phải thống nhất giữa nói và làm,
tức là phải chống bệnh nói suông, chỉ nói mà không làm, hoặc nói hay làm dở,
nói một đằng làm một nẻo,... Hiện nay, khi việc “thương mại hóa” tình người và
các quan hệ xã hội đang có chiều hướng gia tăng, ta cần phải hết sức cảnh giác
với căn bệnh “nói không đi đôi với làm”. Trên thương trường có lối quảng cáo
“một tấc đến trời”; nơi công sở cũng có một số người luôn sống với hai nhân
cách. Trong hội họp, họ thường nói rất hay về nhân ái, liêm chính, lương
tâm,... nhưng trong thực tế hành động thì làm ngược lại. Có một số ít vị “thủ
trưởng”- như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán - “chỉ biết nói là nói,
nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực
cũng không làm được”2; nghĩa là chỉ quen chỉ thị, đề xuất, nói rồi quên, nói
cao giọng mà không tính đến các điều kiện thực tế, đến khả năng thực thi của
chính mình. Hình như họ nói cốt để cho người khác làm, còn chính mình lại không
quyết tâm theo đuổi, chỉ đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó. Thành ra,
có nhiều chủ trương không đi vào cuộc sống, không đem lại chuyển biến đáng kể
trong thực tế, làm giảm niềm tin của dân, gây ra những hoài nghi không đáng có.
Ở Hồ Chí
Minh, hiệu quả hành động gắn liền với tài năng. Nói chuyện với thanh niên,
Người nói: “... thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như
một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng
những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu
có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì
cho loài người”. Như vậy, trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đức và tài thống
nhất làm một, phẩm chất và năng lực là một, trong đó đức là gốc của tài, tài là
sự thể hiện của đức trong hiệu quả hành động. Ta hiểu, vì sao Hồ Chí Minh vừa
rất coi trọng đạo đức lại vừa rất nhấn mạnh tài năng. Người thấy rõ, không có
tài thì cách mạng không thể thắng lợi được.Vì vậy, Người rất quý trọng nhân
tài, có chính sách thu phục và trọng dụng nhân tài. Bài học tập hợp, tin dùng
trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi ta vừa giành được chính quyền vẫn
đang có ý nghĩa thời sự nóng hổi, đòi hỏi chúng ta cần vận dụng tốt để sao cho
các nhân tài ở trong Đảng hay ngoài Đảng, ở trong nước hay còn ở ngoài nước đều
được tập hợp, trọng dụng, chung sức, chung lòng xây dựng Việt Nam dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
4. Đạo đức
cách mạng thống nhất với đạo đức đời thường
Ở Hồ Chí Minh
không có sự phân biệt giữa đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường. Người dùng
khái niệm đạo đức cách mạng để phân biệt đạo đức mới trong thời kỳ đấu tranh
cách mạng với đạo đức cũ chịu ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp thống trị, chứ
không phải coi đó là hai cấp độ đạo đức khác nhau, áp dụng cho hai loại người
khác nhau. Hoàn cảnh đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh đòi hỏi ở người
cách mạng phải có sự tu dưỡng đạo đức sâu sắc hơn, một bản lĩnh đạo đức kiên
cường, để: “không tham giàu sang, không ngại gian khổ, không sợ uy
quyền”.
Trong “ba
không” ấy, thực tế cũng cho thấy nhiều khi người chiến sĩ cách mạng có thể dễ
dàng vượt qua được uy vũ của kẻ thù, vượt qua được cực khổ, bần hàn, nhưng lại
khó vượt qua được thử thách của vật chất, danh vị, tiền tài, gái đẹp,... Là một
nhà cách mạng từng trải, rất lịch lãm về nhân tình thế sự, Hồ Chí Minh thấu
hiểu được chỗ mạnh, chỗ yếu của con người. Trên trang đầu cuốn Đường kách mệnh,
bàn về tư cách của người cách mạng, Hồ Chí Minh đâu có nói về những điều to
tát, chữ nghĩa cao siêu. Người chỉ bắt đầu bằng những yêu cầu rất giản dị, gần
gũi của đời thường: “Tự mình phải: Cần kiệm,... Không hiếu danh, không kiêu
ngạo. Nói thì phải làm,... ít lòng tham muốn về vật chất”. Tiếp theo, trong bài
Người cách mạng mẫu mực, viết năm 1926, Người lại đưa ra 12 điều, trong đó nhắc
nhở người cách mạng phải “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc, vì chúng là
cội nguồn sinh ra đố kỵ và hận thù và là nguyên nhân của những hành động
chỉ điểm, phản bội làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng”2.
Cũng như các
trường phái đạo đức học tiến bộ trong lịch sử, khi bàn về hạnh phúc và hưởng
thụ, Hồ Chí Minh thường vẫn dành vị trí ưu tiên cho những giá trị đạo đức -
tinh thần so với các giá trị vật chất. Người đã nhiều lần nói rõ cái hữu hạn
của sinh hoạt vật chất so với cái vô hạn của giá trị tinh thần: “Ai chẳng muốn
no cơm, ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người là hết, còn tiếng tăm xấu
hay tốt còn truyền đến ngàn đời sau”3. Người kiên trì nhắc nhở chúng ta: đã là
người cách mạng phải sẵn sàng chịu đựng những thiệt thòi về vật chất để theo
đuổi những giá trị tinh thần cao quý như liêm khiết, công bằng, chính trực,...
để xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu của Đảng.
Tiếc thay,
hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã không
theo được lời nhắc nhở đó. Họ đã bị chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa cơ
hội thực dụng, lối sống buông thả, chạy theo các dục vọng vật chất thấp hèn,...
chi phối. Họ đã vì đồng tiền mà bước qua pháp luật, đánh mất phẩm giá, mất luôn
cả sinh mệnh chính trị, cả sự nghiệp đã theo đuổi một đời người!
5. Giáo dục
đạo đức phải gắn liền với thực hành đạo đức
Chủ tịch Hồ
Chí Minh nói: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra.
Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn
có một số chưa bỏ hết những thói xấu: tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa,...”. Do đó,
Đảng phải tiến hành giáo dục đạo đức cách mạng cho họ. Người thường xuyên nhắc
nhở và chính Người đã kiên trì, liên tục thực hiện công việc quan trọng này;
đặc biệt, ở những thời kỳ có tính bước ngoặt: cách mạng thắng lợi hay chuyển
giai đoạn, từ chiến tranh sang hòa bình, từ nông thôn vào thành thị,... Người
cũng đề ra những yêu cầu đạo đức trong mỗi lĩnh vực hoạt động của con người:
học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu; trong các mối quan hệ chủ yếu: đối với mình,
đối với người, đối với việc, từ gia đình đến xã hội, từ Tổ quốc, nhân dân đến
nhân loại.
Ở Hồ
Chí Minh luôn luôn có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và
thực hành đạo đức. Bởi lẽ, đạo đức vừa là một hình thái ý thức, vừa là một hình
thái hoạt động, nó là sự thống nhất có mâu thuẫn giữa hai mặt đó, tức là giữa ý
thức đạo đức và thực tiễn đạo đức, giữa nhận thức và hành động. Vì vậy, vai trò
của giáo dục đạo đức là vô cùng quan trọng. Đó là quá trình nội tâm hóa những
quy phạm đạo đức của xã hội thành hành động tự giác của mỗi cá nhân. Bộ mặt đạo
đức xã hội như thế nào, xét đến cùng, được quyết định bởi việc giáo dục đạo đức
của xã hội ấy làm có hiệu quả hay không.
Muốn đạt hiệu
quả, giáo dục đạo đức không thể chỉ dừng lại ở bồi dưỡng ý thức đạo đức đơn
thuần, ở thuyết giảng đạo đức suông. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở rằng,
giáo dục thanh niên không phải là nói cho họ nghe những bài diễn văn êm dịu hay
là những phép tắc đạo đức. Người đòi hỏi giáo dục đạo đức phải đi liền với tổ
chức hành động, trong quá trình hành động lặp đi lặp lại, hành vi đạo đức sẽ
thành thói quen, rồi tiến dần thành phẩm chất, thành niềm tin đạo đức của cá
nhân.
Trong giáo
dục đạo đức, việc nêu gương sáng của người lãnh đạo có vai trò cực kỳ quan
trọng, bởi quần chúng sẽ soi vào đó mong tìm thấy lý tưởng chính trị, lý tưởng
đạo đức của Đảng và chế độ ta, để học tập và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh
nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn
nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. “Tự mình phải chính
trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính
là vô lý”.
Những tư
tưởng lớn trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức và giáo dục đạo đức cần
được chúng ta tiếp tục nghiên cứu và quán triệt sâu sắc hơn nữa trong việc “Học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đang diễn ra hiện
nay. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo đúng tinh thần Hồ Chí Minh,
không phải chỉ để giải quyết vấn đề nhận thức mà cái chính là phải tổ chức hành
động. Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm mới và cách làm mới, việc học tập
và làm theo sẽ đạt được kết quả mong đợi: đẩy lùi được tiêu cực, hình thành
được nền nếp tu dưỡng, rèn luyện và giáo dục đạo đức ở trong Đảng và ngoài xã
hội, từng bước làm cho xã hội ta tiến tới là một xã hội đạo đức và văn minh./.
NXC-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét