Pages - Menu

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

KHÔNG PHẢI “SỰ CHUYÊN QUYỀN” MÀ LÀ THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ – nguyên tắc cơ bản nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng, để Đảng luôn là một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động, chứ đó không phải là một hình thức “tập quyền”, “độc đoán bảo thủ”, “sự chuyên quyền của nhóm quyền lực trong Đảng”, kìm hãm tư duy sáng tạo, làm mất dân chủ… như những người nhân danh dân chủ, ngáo dân chủ xuyên tạc, nhằm đòi xóa bỏ nguyên tắc này và chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam.

MỘT LÀ, Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc một Đảng Mácxít Lêninnit chân chính

Tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng Cộng sản; đồng thời chi phối các nguyên tắc khác để xây dựng Đảng thành một tổ chức thống nhất, chặt chẽ, kỷ luật; bảo đảm để Đảng luôn thống nhất trong tư tưởng và hành động. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản; trong đó, thiểu số phục tùng đa số (nội dung cốt lõi, đặc trưng nhất của dân chủ trong Đảng), cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; các tổ chức đảng trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trên thực tế, xuất phát từ bản chất giai cấp công nhân của Đảng; từ yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử của Đảng; từ kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế, suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định và kiên trì thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ – coi đó là nguyên tắc số một, bất di bất dịch.

Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, Đảng “luôn luôn nắm vững lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời kết hợp với phân công phụ trách. Đảng chống mọi hiện tượng phân tán, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, tự do vô kỷ luật cũng như chống mọi hiện tượng tập trung quan liêu, sự vụ, gia trưởng, độc đoán, coi thường tập thể, coi thường cấp dưới”[1] để thống nhất trong tư tưởng và hành động; để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Theo đó, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đều thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời, luôn có cơ chế để nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện nghiêm trên tinh thần “thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp uỷ. Tạo mọi điều kiện cần thiết để mỗi cấp uỷ viên có thể tham gia đầy đủ vào việc bàn bạc, quyết định các chủ trương; định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng người”[2], nhằm “tránh lối cá nhân độc đoán chuyên quyền” hoặc “tránh lối ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm” mà không dám quyết đoán khi cần phải ra quyết định. Đồng thời, việc phát triển và mở rộng dân chủ trong Đảng luôn đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng. Thực tế, dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định.

Suốt hơn 9 thập niên xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một khối thống nhất trong ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ đầy đủ và kỷ luật chặt chẽ trong sinh hoạt Đảng. Trong mọi hoạt động, nguyên tắc tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó, “tập thể lãnh đạo không phủ nhận trách nhiệm cá nhân, trái lại phải trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân. Mọi cá nhân trên cương vị của mình phải chủ động đóng góp ý kiến với tập thể để tập thể có được quyết định chính xác, và dám chịu trách nhiệm trong việc chấp hành các nghị quyết của tập thể, dám tự phê bình và thành khẩn nhận khuyết điểm của mình trong việc chấp hành các nghị quyết ấy”[3].

HAI LÀ, thực hiện tập trung dân chủ là biểu hiện tính tiền phong, chiến đấu của Đảng

Trên thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn là mục tiêu công kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội, xét lại và những người nhân danh dân chủ, mượn danh dân chủ để xuyên tạc, bôi nhọ hòng phá hoại các Đảng Cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Việc xuyên tạc bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ; cho rằng trong thực hiện tập trung dân chủ, thì tập trung là mục đích, còn dân chủ chỉ là phương tiện, nên dân chủ chỉ là hình thức, là bánh vẽ, dân chủ nửa vời…chính là một trong những chiêu trò thâm độc của những người nhân danh dân chủ để đòi Đảng phải xóa bỏ nguyên tắc căn bản này; từ đó, thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, dẫn đến đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam.

Lịch sử cách mạng thế giới cho thấy, nguyên tắc tập trung dân chủ không phải lúc nào và ở bất cứ nơi nào cũng được thực hiện một cách nghiêm túc. Thực tế, nguyên tắc này bị vô hiệu hóa trong quá trình tiến hành cải cách, cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu những thập niên trước. Việc từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là bài học xương máu, là sai lầm nghiêm trọng làm cho các Đảng này tan rã, mất vai trò lãnh đạo xã hội mà Đảng Cộng sản Liên Xô là một minh chứng đau lòng. Được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc một Đảng Mácxít Lêninnit chân chính và rút kinh nghiệm sâu sắc bài học đó, Đảng Cộng sản Việt Nam nghiêm ngặt thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động; gắn mở rộng dân chủ với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Trong toàn Đảng, mọi cấp uỷ đều thực hiện sự lãnh đạo tập thể đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân. Mọi cấp uỷ viên đều có quyền và có trách nhiệm phát biểu ý kiến, tranh luận thẳng thắn, tham gia các quyết định của cấp uỷ; phòng và chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân, hoặc nể nang hay né tránh. Trong tổ chức và hoạt động của mọi cấp ủy từ Trung ương đến địa phương, bất cứ người đứng đầu nào cũng không được lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân/nhóm lợi ích và “bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ra ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác quyết định của tập thể. Cấp dưới, dù cho người đứng đầu là ủy viên Trung ương, cũng không thể tự cho mình quyền không thi hành hoặc làm trái chỉ thị của cấp trên. Tăng cường sự lãnh đạo tập thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ”[4]. Sức mạnh tổ chức to lớn của Đảng là ở sự thực hiện đầy đủ nguyên tắc này, vì thế, mọi cán bộ, đảng viên đều phải nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

Trong toàn Đảng, những vấn đề cơ bản, quan trọng (chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác cán bộ, công tác nhân sự…) đều phải được dân chủ thảo luận trong tập thể cấp ủy/lãnh đạo cơ quan/tổ chức đảng từ cao đến thấp theo phạm vi, quyền hạn được xác định. Quyết định của cấp ủy được quyết định theo đa số và ý kiến thiểu số vẫn được bảo lưu để trình cấp trên xem xét, nhưng khi nghị quyết đã ban hành, thì mọi đảng viên đều phải nói và làm theo nghị quyết. Vì vậy, mọi hiện tượng, biểu hiện “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, “nói một đàng nhưng làm một nẻo”, “nói trong hội nghị khác nhưng phản ánh lên cấp trên khác”; lợi dụng tập trung dân chủ vì mục đích không chính đáng… đều là những hạn chế cần phải khắc phục trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; đều là trái với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Bởi rằng, những hạn chế này vừa không khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm lại vừa tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân; đồng thời, cũng dễ tạo cơ hội cho các phần tử phản động xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng.

Vì thế, có thể khẳng định chắc chắn rằng: Nghiêm ngặt thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động; đảm bảo lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Vì thế, nguyên tắc tập trung dân chủ chắc chắn không phải là sự chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ như các thế lực thù địch xuyên tạc, thêu dệt. Và cũng vì thế, bất cứ sự buông lỏng nào trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ cũng sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, tạo ra phe phái, lực lượng đối lập với Đảng, phá hoại sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng, làm suy yếu năng lực và sức chiến đáu của Đảng!

PVP-H4

 

 [1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.781

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.629

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.839

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr.470

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét