Pages - Menu

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 21 tháng 03 năm 1961

“Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô”

Lời nói trên, Bác Hồ nói trong buổi gặp gỡ đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ngày 21 tháng 3 năm 1961, trong hoàn cảnh miền Bắc nước ta đang bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cải tạo chủ nghĩa xã hội và củng cố quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt; đồng thời, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh giữ gìn trật tự an ninh bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần thiết thực vào thực hiện sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác mong muốn và nhắc nhở cán bộ dù ở cấp nào, ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân, tất cả cán bộ phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân; phải hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân; thực hiện theo đúng chính sách của Đảng; đồng thời, tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô. Do đó mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện chung chung. Trong mọi công việc đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ.

Hiện nay tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch đang ra sức lôi kéo, thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã làm thay đổi nấc thang giá trị đạo đức cách mạng. Song giá trị lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô”, được Đảng ta quán triệt, thực hiện nghiêm túc và phát huy mạnh mẽ trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành và cả trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vây, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ phải luôn coi trọng việc khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức chuyên môn, trách nhiệm với công việc là vấn đề quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ngày 21/3/1925, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nông dân Trung Quốc”. Đây là một chủ đề được nhà cách mạng Việt Nam rất quan tâm vì nó liên quan đến một lực lượng khổng lồ của nước Trung Hoa rộng lớn, nhưng đó cũng là một vấn đề rất sát với mục tiêu vận động cách mạng ở Việt Nam.

Ngày 21/3/1947, trong “Lời cảm ơn đồng bào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Khắp mọi nơi, các đoàn thể, các bộ đội, các hội tôn giáo, các cháu thiếu nhi, đều có gửi thư hứa với tôi:

- Kiên quyết ủng hộ trường kỳ kháng chiến,

- Ra sức thực hành tăng gia sản xuất,

- Hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư,

- Cố gắng phát triển bình dân học vụ.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa với đồng bào rằng Chính phủ quyết làm trọn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân, và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

Nhằm tăng cường cho Mặt trận Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh bổ nhiệm Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Tổng Tư lệnh, ông Trần Văn Trà giữ chức Phó Tư lệnh và ông Phạm Ngọc Thuần làm Chính trị ủy viên Bộ Tư lệnh Nam bộ.

Tháng 3/1953, tại Việt Bắc, trong Hội nghị cán bộ phụ nữ về vấn đề phát động quần chúng nông dân, trong nhiều vấn đề được trình bày, Bác nêu rõ thái độ đối với giai cấp địa chủ: “Phải hiểu rằng phong kiến cũng là một bước tiến tất nhiên của xã hội. Xã hội từ chỗ ăn lông ở lỗ, tiến đến xã hội nô lệ, tiến đến chế độ phong kiến, tiến đến xã hội tư bản, rồi tiến đến xã hội chủ nghĩa. Nếu gia đình là địa chủ cũng không có gì đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là khi nhân dân đã tiến bộ, xã hội đã tiến bộ, mà mình cứ khư khư giữ lấy tư tưởng địa chủ, chỉ biết lợi ích riêng của mình, không biết đến quyền lợi dân tộc, quyền lợi xã hội.

Ăngghen dù là con nhà tư bản ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta. Ở nước ta có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy”.

Ngày 21/3/1962, cũng trong một phiên họp Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương về công nghiệp, Bác phát biểu: “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, nhưng 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được”. Bác cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi giao cho ai phải giao trách nhiệm cho rõ ràng, ai làm được thì khen nhưng thấy ai làm sai thì lại không có thái độ rõ ràng. Làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 Huân chương, Huy chương mà không thấy phạt một ai), ý tôi là ta còn nhu nhược đối với vấn đề này”./.

LQT-H8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét