Với sự phát triển mạnh mẽ của internet tốc độ cao, điện toán công suất
mạnh và cảm biến có kích thước ngày càng nhỏ với giá ngày càng rẻ, cuộc cách mạng
số được khởi nguồn trong cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, đang đạt đến giai đoạn
đỉnh điểm để tạo được sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thế giới thực và không
gian số với hàng chục tỷ vật thể và hàng tỷ người được kết nối với nhau thông
qua Internet kết nối vạn vật (IoT) để tạo ra dữ liệu lớn làm cơ sở cho sự phát
triển nhanh chóng của các công nghệ phá vỡ
giúp tạo ra những thay đổi lớn trong mọi mặt của thế giới đương đại.
Trong thời đại ngày nay, mọi hoạt động diễn ra trong thế giới thực được sự hỗ
trợ ngày càng mạnh mẽ bởi các hoạt động trên không gian số, giúp thế giới trở
nên ngày một hiệu quả và thông minh hơn. Những đột phá công nghệ trong cách mạng
công nghiệp lần thứ Tư đang làm thay đổi những nền tảng phát triển kinh tế và xã
hội như sở hữu, qui mô sản xuất, các khâu trung gian, tầm quan trọng tương đối
của các loai nguồn lực.
Trong lĩnh vực kinh tế, sự thay đổi đáng kể về tầm quan trọng của các
nguồn lực đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới có lợi cho các nền kinh tế ‘thâm
dụng” công nghệ gắn với cuộc cách mạng số (cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần
thứ Tư), và làm giảm vị thế của các nền kinh tế ‘thâm dụng” tài nguyên khoáng sản
hay ‘thâm dụng” lao động. Do vậy các quốc gia thuộc hai nhóm sau phải tái cơ cấu
nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để không bị bỏ lại phía sau
trong cuộc chạy đua toàn cầu.
Chiến lược phát triển kinh tế biển mới nhấn mạnh yêu cầu “cần quan tâm
chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô
nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ,
phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam”. (1)
Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có bước phát triển rõ rệt về tư duy phát
triển với chiến lược biển của Việt Nam trong hơn 20 năm trước đó. Chỉ có dựa
vào khoa học, công nghệ, tri thức để gia tăng những giá trị của tiềm năng, lợi
thế từ biển mới có thể mang lại bước chuyển đổi cơ bản trong phát triển kinh tế
biển.
Việt Nam đang tiến những bước vững chắc trong làm chủ công nghiệp hóa dầu,
hay các sản phẩm từ dầu như hạt nhựa, phân bón…
Đó còn là hệ thống cảng cửa ngõ Cái Mép ở phía nam, Lạch Huyện ở phía bắc
đang dần định hình như là các cảng trung chuyển quốc tế, đưa Việt Nam ngày càng
gần hơn với mục tiêu chiến lược cường quốc biển. Sự hình thành quy mô chuỗi dịch
vụ, từ cảng biển, vận tải biển, vận tải bộ, dịch vụ logistics… của các doanh
nghiệp đã làm như Tập đoàn Tân Cảng Sài Gòn, hay sự tham gia ngày càng sâu vào
chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp như Samsung, LG, VinFast, Viettel…
Cùng với hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam
đang ngày một tăng, được hỗ trợ bởi hệ thống logistics hoàn chỉnh, không khó để
nhận ra mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ dựa hẳn vào mô hình liên kết tuần hoàn đang
dần định hình này.
“Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia
sẻ và cập nhật. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần,
quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Có biện
pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn,
xói lở bờ biển. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển;
tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Phấn đấu đến
nám 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phô' ven biển bằng 65 - 70% GDP cả
nưốc. Các đảo có ngưòi dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ,
nhất là điện, nưóc ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục”. (2)
Hiện nay, các địa phương có biển đã xây dựng kế hoạch hành động triển
khai Nghị quyết số 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt
Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; ban hành kế hoạch hành động và tổ chức
thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa; từng bước thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
để đảm bảo không gian cho cộng đồng; quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư hệ thống
hạ tầng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với chuỗi đô thị ven
biển để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và hướng biển với mức đóng góp trên
60% GDP cả nước.
Trên thực tế, nhận thức chung về phát triển bền vững đất nước dựa vào
tiềm năng biển, đảo còn chưa sâu sắc, chưa đầy đủ. Cùng với đó, nhận thức về
vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương
ven biển và người dân chưa đầy đủ, quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chưa tương xứng với
tiềm năng; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý,
chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Mặt khác, việc đầu
tư xây dựng các khu kinh tế ven biển còn tràn lan, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Vẫn còn nặng tư duy khai thác tự phát, chưa thực sự coi biển là ngôi nhà chung,
do vậy sống nhờ biển hơn là dựa vào biển mà giàu lên, khai thác chưa thực sự gắn
liền với bảo tồn, phát triển.
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo
còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng thấp,
kém bền vững. Các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ bé, chưa
hình thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn… Hiện nay, hầu như tỉnh nào ở
ven biển cũng quy hoạch cảng biển, nhưng không đủ kinh phí xây dựng, nên nhiều
công trình dang dở; một số địa phương xây dựng cảng nhưng không thể khai thác,
sử dụng, vì tính toán không hợp lý, gây lãng phí, kém hiệu quả.
Do đó, cần “đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong đánh bắt, nuôi
trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong
quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm
đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải
nhựa đại dương.” (3)./.
PVĐ_H4
(1)
Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22 tháng 10 năm 2018, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2021, tr. 231.
(3) Đảng Cộng sản việt Nam, Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2021, tr. 109.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét