Tinh thần
trách nhiệm là một giá trị văn hóa, được gọi là văn hóa trách nhiệm hay văn hóa
bổn phận. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính
phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng
đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm
cho thành công”.
Nêu cao tinh
thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng
xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Trách nhiệm đó
được thể hiện trong mọi hoạt động của Người: trong học tập, lao động, nghiên cứu
lý luận, hoạt động thực tiễn, cùng Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến
hành Cách mạng Tháng Tám thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất nước
có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển...
Đảng và Chính
phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy.
Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, thấu hiểu hoàn cảnh thiết thực của
đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải
thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu và ủng hộ chính
sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính
sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ.
Để thực hiện
chính sách, làm tròn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích,
tuyên truyền, cổ động mà còn phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ
chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân
dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoanh
nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình là gương mẫu
cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối
với Đảng, Chính phủ và đối với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, mọi suy
nghĩ và hành động của cán bộ công chức phải đi đúng đường lối quần chúng. Đi
đúng đường lối quần chúng là một nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh về đạo đức
công vụ. Người khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi
đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”.
Theo Chủ tịch
Hồ Chí Minh, trong thực hiện công việc người cán bộ, phải tích cực, tự giác thực
hiện nhiệm vụ được giao, ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương
vị, vị trí công tác, “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo và
đặc biệt phải có khát vọng vươn lên để có kết quả cao nhất. Nói đến khát vọng
là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực,
trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực
hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử
thách… là động lực để cho mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện khát
vọng, mà cụ thể ở thời điểm này khát vọng của dân tộc Việt Nam là đưa đất nước
đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường
dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ
xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn
hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,
có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và
công nghệ, nhất là những thành tựu của của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững
đất nước”.
Trong thời
gian tới, để góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên
nhằm thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường, xin đề xuất một
số giải pháp sau:
Một là, tiếp
tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với hoàn thiện
chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ
quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách
nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế, quy định cụ thể, rõ
ràng và ràng buộc trách nhiệm của cá nhân trong hệ thống chính trị, hệ thống
công quyền.
Hai là, mỗi
cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thực sự tiên phong,
gương mẫu về tinh thần trách nhiệm trước công việc và nhân dân theo phương châm
“nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động; cán bộ cấp trên
nêu gương cho cán bộ cấp dưới; đảng viên nêu gương cho quần chúng noi theo.
Ba là, từng
cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính chủ động, sáng tạo trước công việc được
giao. Khi thực hiện nhiệm vụ, công việc cần có chương trình, kế hoạch, tránh để
chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc, cấp trên hoặc lãnh đạo phải nhắc nhở hoặc nhân
dân phải phàn nàn, chê trách, góp ý phê bình về ý thức và tinh thần trách nhiệm.
Trong thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng quy trình, thủ tục, đồng thời linh hoạt,
sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành công việc với hiệu quả cao
nhất.
Bốn là, nâng
cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức phải gắn với trao đổi, tự phê
bình và phê bình, đóng góp ý kiến xây dựng cho cán bộ, đảng viên. Kịp thời khen
thưởng, biểu dương những việc làm tốt và uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm, có
biện pháp phù hợp để cán bộ, đảng viên nhận thức được sai sót, hạn chế của
mình, từ đó phấn đấu sửa chữa. Nghiêm túc đấu tranh chống bệnh tranh công, đổ lỗi
cho khách quan hoặc đổ trách nhiệm cho người khác; những biểu hiện né tránh,
bao biện hoặc kiểm điểm, phê bình một cách hình thức, chiếu lệ, qua loa.
Hiện nay,
nhưng những lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Tinh thần trách nhiệm vẫn
còn nguyên giá trị để Đảng và Nhà nước Việt Nam “Khơi dậy tinh thần và ý chí,
quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường
tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” nhằm đưa đất nước
cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm
nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc./.
LNK-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét