"Cái quý
nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao
cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ
thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể
nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp
nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp
lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng
nhiên cắt đứt cuộc đời".
Ðó là đoạn văn miêu tả tâm trạng của Pavel
trong nghĩa địa quê hương, nơi những bạn bè bị quân thù treo cổ, khi anh vừa
thoát khỏi cái chết do bệnh thương hàn ở công trường Bayarka.
Ðoạn văn tiêu biểu cho nhân sinh quan cộng sản ấy
đã được nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới thuộc lòng và lấy làm châm ngôn sống.
Lý tưởng cao
đẹp nhất - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người, không chỉ bó hẹp trong một
giai đoạn lịch sử đấu tranh giành chính quyền, không chỉ ở phạm vi một quốc gia
nào, mà càng ngày, chúng ta càng thấy rõ sự nghiệp ấy chỉ mới bắt đầu. Nó không
chỉ là một sự lựa chọn của một cá nhân, một giai cấp mà là sự nghiệp thống nhất
của nhân dân toàn thế giới. Sau cuộc đấu tranh chống áp bức là cuộc đấu tranh
chống đói nghèo bệnh tật, chống sự kỳ thị, khủng bố..., cuộc đấu tranh để hoàn
thiện bản thân và dân tộc. Chỉ khi đó từ "giải phóng" mới có một ý
nghĩa thật sự.
Vì vậy, "Thép đã tôi thế đấy" không
chỉ là khúc tráng ca về thế hệ đầu tiên của thanh niên Xô-viết, những con người
đã được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh như Pavel, Sergey, Valia, Rita,
Pankratov, Okuniev... mà là những vấn đề của hôm nay và của tương lai.
Sau khi Liên
Xô sụp đổ, những giá trị lớn của văn học Xô-viết bị xem xét lại. Người ta không
dám công khai đả kích vào "Thép đã tôi thế đấy" nhưng cũng có người
cho rằng, đó là một thứ văn nghệ tuyên truyền, văn nghệ của một thời đã qua, ít
có giá trị văn hóa...
N.Ostrovsky là một chiến sĩ, có học vấn không
cao, cả đời ông chỉ viết được hai cuốn sách ("Ra đời trong bão táp"
cũng đã được dịch ra tiếng Việt) nhưng không phải vì thế mà giá trị văn hóa của
tác phẩm lại không cao.
Trước đây,
nhà văn Ilia Erenbua đã từng coi "Thép đã tôi thế đấy" là Thánh kinh
mới của thanh niên Xô-viết. Nó là cuốn sách gối đầu giường của nữ anh hùng Liên
Xô Zoya, của Lý Tự Trọng, người thanh niên cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ngay
trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuốn sách đã được nhà
báo Thép Mới (báo Nhân Dân) và Huy Vân dịch ra tiếng Việt, xuất bản năm 1954 và
từ đó đến nay đã làm say mê hàng triệu trái tim tuổi trẻ, là nguồn sức mạnh to
lớn cổ vũ thanh niên.
Hiện nay, ở nước Nga sau cải tổ một tờ báo lớn
viết: "Nokolai Ostrovsky và hình tượng của nhà văn là Pavel Corchaghin đã
và đang là biểu tượng lớn của một nền văn minh vĩ đại".
Vào dịp này,
hai cuốn tiểu thuyết "Ra đời trong bão táp" và "Thép đã tôi thế
đấy" của nhà văn lại được tái bản tại Việt Nam. Một cậu bé lớp 9 đã thức
suốt đêm để đọc một mạch 700 trang "Thép đã tôi thế đấy" vì không dứt
được. Sức sống của tác phẩm không hề giảm sút ...
Cho đến nay, "Thép đã tôi thế đấy" vẫn
là một trong những tác phẩm thành công nhất khắc họa chân dung người thanh niên
cộng sản.
Pavel
Corchaghin-ghin từ con nhà "mụ nấu bếp", nghịch ngợm, đầy tính tự
phát, trong con mắt của con bé quý tộc hàng xóm là "du côn", đã trở
thành một anh hùng trong nội chiến, anh hùng trong lao động, và thể hiện rõ là
chân dung một con người thuộc về văn hóa tương lai. Cách mạng không chỉ tôi luyện
chí anh hùng mà còn có khả năng hoàn thiện và mở rộng những tính cách, những khả
năng tốt đẹp của con người. Cái nhìn của tư sản mới kỳ thị. Cái nhìn của vô sản
mới thật sự cầu thị và bao dung. Pavel mê tít sách ở nhà Tonya, nhìn mẹ Tonya
trong mối thiện cảm, dành nửa tháng lương để may áo xa-tanh mới và húi tóc, biết
làm ngoại giao, giữ thể diện quốc gia khi gặp lại con bé nhà Lesinsky... là một
khả năng cách mạng, khả năng tự cải biến mình nhưng không bao giờ xa rời nguyên
tắc, xa rời lý tưởng sống cao đẹp. Ðoạn đối thoại với Tonya khi gặp lại Pavel,
một bên sực nức mùi son phấn, giàu có, một bên là anh xúc tuyết (để làm đường sắt
chở củi cứu thành phố khỏi cái rét mùa đông) là đoạn bộc lộ sự tự tin của một tầm
cao văn hóa: "Tonya khó khăn lắm mới nhận ra cái người mặc rách rưới này
là Pavel đứng ngay đó, trước mặt Tonya, mình khoác manh áo rách bươm, chân xỏ
đôi ủng kỳ quái, cổ buộc cái khăn mặt cáu bẩn, mặt đã lâu không rửa. Chỉ độc có
đôi mắt là vẫn như xưa, đôi mắt ánh lên một ngọn lửa không gì dập tắt được: đôi
mắt Pavel... Tonya ngại ngùng không dám đưa tay ra bắt. Vasili, chồng chị, sẽ
nghĩ thế nào, nếu chị bắt tay Pavel? Ðời Pavel đã xuống dốc đến thế thì mình
cũng ngượng với mình thật ...
- Chào Pavlusa. Nói thật với anh, tôi không ngờ
thấy anh như thế này. Hóa ra chính quyền Xô-viết không có việc gì khác tốt hơn
đáng giao cho anh hay sao mà lại để anh đi xúc đất như vậy? Tôi cứ tưởng đã từ
lâu anh làm chính ủy hay là giữ một chức vụ gì đại khái như vậy rồi kia đấy"...
Suy nghĩ của
Tonya có thể coi là một suy nghĩ bình thường vì Pavel có công trạng, đã từng cứu
sống cán bộ cấp trên. Nhưng Pavel đi làm cách mạng để hiến dâng chứ không phải
đi kiếm lợi lộc, chức vụ. Nếu như vậy, chỉ là từ thân phận hèn kém này sang
thân phận hèn kém khác dù có được sự "bọc đường" dễ chịu. Ðây là tấm
gương soi cho những ai theo cách mạng chỉ nhằm kiếm lợi lộc mà Lenin đã hết sức
đả đảo. Giải phóng nhân loại, giải phóng cá nhân, trước hết là sự tiến lên về
tư tưởng, nhân cách. Tầm cao và ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm được toát lên từ
hình tượng Pavel chính là ở chỗ đó. Sức cuốn hút, sự tất thắng của con người và
CNCS cũng chính là ở chỗ đó.
Chừng nào con người còn những khát vọng cao cả,
chừng đó, "Thép đã tôi thế đấy" vẫn còn là cuốn sách hấp dẫn, thôi
thúc tiến lên.
ĐTT-KBS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét