Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã
kết thúc thắng lợi bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ
Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975; thực hiện chọn vẹn lời căn dặn thiêng liêng
của Bác Hồ kính yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, “Bắc - Nam sum họp
xuân nào vui hơn”. Thắng lợi đó là kết quả hợp lực của nhiều yếu tố, trong đó
sự hội tụ và toả sáng của văn hoá quân sự Việt Nam nở rộ, phát triển đến độ thăng
hoa rực rỡ, trở thành sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn để quân và dân ta
vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, giải phóng cho bằng được miền
Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã
hội.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là pho
tượng bằng vàng ghi đậm những chiến công hiển hách, chói ngời trong đấu tranh
chống giặc ngoại xâm, không khuất phục, run sợ trước kẻ thù. Càng đối mặt với hiểm nguy lại càng
toả sáng bản lĩnh, ý chí và sức mạnh con người Việt Nam, đó chính là văn hoá
quân sự - giá trị ổn định, bền vững không bao giờ vơi cạn của dòng chảy mênh
mông bất tận văn hoá Việt Nam. Như chúng ta đều biết, sau khi cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện
Biên Phủ ngày 7/5/1954, buộc thực dân Pháp ký hiệp định Giơ ne vơ, công nhận
độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hai miền Nam -
Bắc thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào năm 1956,
trái với mong muốn, khát vọng được đòn tụ gặp nhau của nhân dân hai miền, thực
dân Pháp đã bội ước, cấu kết với đế quốc Mỹ dựng lên chính phủ tay sai Ngô Đình
Diệm phản động, tàn ác phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử, đưa máy chém khắp
miền Nam để tiêu diệt những chiến sỹ cộng sản, những người đấu tranh cho hoà
bình, công lý và giết những người dân vô tội. Hành động và tội ác của chúng
khiến “trời không dung, đất không tha” gây nên sự phẫn nộ, căm uất đến tột cùng
của đồng bào miền Nam; hoàn cảnh lịch sử đó đã tôi luyện ý chí cách mạng kiên
trung với Đảng, Bác Hồ, niềm tin lạc quan, yêu đời vào sự thắng lợi của cách
mạng của quân và dân miền Nam.
Văn hoá quân sự trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975
chính là sự biểu hiện tập trung cao độ của lòng yêu nước, của khát vọng thống
nhất non sông đất nước “miền nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt
Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Đó chính là dòng chủ lưu xuyên suốt, hệ quy chiếu để tập hợp, đoàn kết các
thành phần, lực lượng không phân biệt đảng phái, tôn giáo, già, trẻ, gái, trai
trong mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để đánh bại âm mưu, thủ
đoạn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn, giải
phóng hoàn toàn miền Nam. Trong cuộc đụng độ với đế quốc Mỹ xâm lược, một cường
quốc số 1 về kinh tế, quân sự, vũ khí
trang bị kỹ thuật vào loại hiện đại bậc nhất thế giới, có một số nước khuyên
chúng ta không nên đối đầu với Mỹ, để cho Mỹ có mặt ở miền Nam, thậm trí có
người còn nản lòng, nhụt ý chí, không vững vàng về bản lĩnh…
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh, một dân tộc có bề dày kinh nghiệm trong đấu tranh chống giặc
ngoại xâm đã không hề nao núng, hoảng sợ điều đó; quân và dân miềm Nam đã huy
động và phát huy đầy đủ truyền thống, khí phách của ông cha, của văn hoá quân
sự đã làm nên chiến thắng của dân tộc, đó là truyền thống “lấy ít địch nhiều”,
“lấy yếu thắng mạnh”, “trăm họ là binh, toàn dân đánh giặc”, “giặc đến nhà đàn
bà cũng đánh”, “bám lấy thắt lưng địch mà đánh”, “còn một cái lai quần cũng
đánh”… Cùng với đó là tinh thần, khí thế ra trận vào chiến trường miền Nam
chiến đấu nườm nượp như chảy hội của nhân dân ta “Hỡi miền Bắc đó nặng đôi
vai, Gánh cả non sông vượt dặm dài, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi
phới dậy tương lai”, “Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước.
Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”, “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù
buộc ta ôm cây súng”… đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, thôi thúc mỗi người
hành động với một ý chí quyết tâm cao nhất “đế quốc Mỹ xâm lược nhất định sẽ
thua, nhân dân ta nhất định sẽ thắng”. Đó chính là khát vọng, ước mơ cháy bỏng
của toàn thể dân tộc Việt Nam và cũng là sự toả sáng của văn hoá quân sự Việt
Nam từ truyền thống đến hiện đại, từ mất độc lập, tự do đến giành lấy quyền
sống, quyền bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc cho con người, từ thân phận nô lệ, một
cổ hai tròng trở thành người làm chủ xã hội, quyết định tương lai vận mệnh
cuộc sống của mình.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch
Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh cho cách đánh thông minh, linh hoạt, sáng
tạo, nghi binh, lừa địch của quân và dân miền Nam. Ngay sau khi bước vào mùa
khô năm 1974 Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam đã đề ra kế hoạch giải
phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nhấn mạnh “cả năm 1975 là
thời cơ” và “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng
miền Nam trong năm 1975”, để bớt thiệt hại về người và của. Tình hình chiến
trường cách mạng đã diễn ra theo đúng như kế hoạch của Đảng ta đã đề ra; lúc
này đế quốc Mỹ đã bị thất bại thảm hại trên các chiến
trường, các chiến lược chiến tranh của chúng đều bị phá sản, đặc biệt sau thất
bại ở chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đưa B52 ra Hà Nội đánh phá, đưa
miền Bắc Việt Nam quay về thời kỳ đồ đá để xoay chuyển tình thế trên bàn đàm
phán Pari. Lúc này mọi nỗ lực cố gắng cuối cùng của chúng đều không thể cứu
vãn được nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng quân và dân miền Bắc đã làm nên trận “Điện
Biên phủ trên không” hạ gục B52 con át chủ bài của đế quốc Mỹ, tin chiến thắng của nhân dân Hà
Nội đã lan truyền khắp cả nước và thế giới, tạo thành làn sóng đấu tranh ủng
hộ nhân dân Việt Nam vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt, tiếp thêm sức mạnh về vật
chất, tinh thần cho quân và dân miền Nam tiến công vào sào huyệt của nguỵ quân,
nguỵ quyền Sài Gòn, thành luỹ cuối cùng của tập đoàn phản động, hại dân, hại
nước, làm tay sai cho địch, phản bội lại đất nước. Ngày 14/3/1975, Bộ Chính
trị, Trung ương cục giải phóng miền Nam Việt Nam đã chọn Buôn Ma Thuật làm điểm
tiến công đầu tiên mở màn cho đại thắng mùa Xuân năm 1975. Được sự chuẩn bị từ
trước về mọi mặt, quân và dân miền Nam đã chủ động đánh địch từ mọi hướng
làm cho chúng vô cùng hoảng sợ, tháo
chạy tán loạn để thoát thân, mọi cố gắng của địch đều bị ta ngăn chặn không
thể thực hiện được. Trên đà thắng lợi đó, quân và dân miền Nam liên tiếp mở
những cuộc phản kích vào quân địch làm cho chúng không trở tay kịp, đặc biệt
vào đầu tháng 4 năm 1975 tất cả 5 cánh quân của ta từ các hướng đã tiến vào Sài
Gòn, tạo thành gọng kìm áp sát quân địch. Với phương châm “Thần tốc, thần tốc
hơn nữa. Táo báo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt
trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng” ngày 26/4, bắt đầu
Chiến dịch. Ngày 30/4, quân Giải phóng ồ ạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. 11 giờ
30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng
vô điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng. Những ngày đầu tháng
5/1975, ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, quân dân ta đã đồng loạt tấn công và nổi
dậy, tiêu diệt và làm tan rã nốt lực lượng còn lại của chế độ ngụy quyền,
giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ
Chí Minh lịch sử đã chứng minh cho giá trị, sức sống trường tồn bất biến của
văn hoá quân sự Việt Nam, lòng yêu nước nồng nàn và chân lý “không có gì quý
hơn độc lập tự do” của toàn thể dân tộc Việt Nam được hiện thực hoá vào chiến
đấu, trở thành sức mạnh tổng lực áp đảo mọi vũ khí trang bị tối tân hiện đại
của quân địch. Đó chính là sức sống mãnh liệt phi thường của quân và dân miền
Nam ở mọi tình huống, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, ngay cả đối mặt với cái
chết vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu hướng về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính
yêu với niềm tin sắc son vào thắng lợi của cách mạng. Không thấm thía, hiểu
được những hy sinh, mất mát đau thương vô cùng to lớn của quân và dân hai miền
Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ không thể lý giải được
vì sao nhân dân ta lại đánh thắng được một đế quốc hùng mạnh về quân sự bậc
nhất thế giới, câu trả lời ở đây đó chính là bề giày giá trị văn hoá Việt Nam,
văn hoá quân sự Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Mắc Namara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong hồi ký “Nhìn lại quá khứ: tấn
thảm kịch và những bài học về Việt Nam” đã nêu ra 11 nguyên nhân khiến Mỹ thất
bại, trong đó có việc Mỹ đã “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc
đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó” và
điều đó theo ông ta chính là sự “phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng
ta (tức là Mỹ) về lịch sử văn hóa, chính trị” của nhân dân Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn là minh chứng cho sự
hoà quyện thống nhất của ý Đảng, lòng dân và cũng là sự kế thừa, tiếp nối bài
học lịch sử mà ông cha ta đã vận dụng bảo vệ vững chắc bờ cõi đất nước. Đó là
tư tưởng “vua tôi đồng lòng, cả nước góp sức, anh em hoà nước sống chén rượu
ngọt ngào”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “nước phải lấy dân làm gốc”, “toàn
dân đánh giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ tiên phong trên các mặt trận”…
đã hoà làm một, trở thành nguồn cội bồi đắp nên ý chí quyết tâm cho toàn dân
đánh giặc và cũng là giá trị cao đẹp của văn hoá quân sự Việt Nam, luôn thẩm
thấu, lan toả vào mỗi suy nghĩ, hành động của con người Việt Nam, kết thành làn
sóng vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt, nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước ra
ngoài biển khơi.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau hơn 35 năm
đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các mặt, lĩnh vực
khác nhau của đời sống xã hội; phát huy giá trị văn hoá quân sự trong Đại
thắng mùa Xuân năm 1975, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Phát huy
hệ giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam để khơi dậy ý
chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, cấp uỷ tổ
chức đảng các cấp ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác
tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, nhất là thắng lợi vĩ đại,
mang tầm vóc giá trị thời đại. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là đỉnh cao giá trị
văn hoá quân sự Việt Nam, kết tinh trí tuệ, bản lĩnh, ý chí con người Việt Nam,
là bản anh hùng ca bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại
Hồ Chí Minh, là lời hứa sắc son trước anh linh của Bác Hồ kính yêu “đến ngày
thắng giặc Mỹ xâm lược ta sẽ xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to
đẹp hơn”. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần làm nổi bật sự hy sinh, cống
hiến vô bờ bến của lớp lớp thế hệ người con ưu tú của dân tộc cho các tầng lớp
nhân dân, nhất là thanh niên; đẩy mạnh tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu về
truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng,
giá trị văn hoá quân sự Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân; thường xuyên giữ
vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi khu vực, địa bàn, tạo
điều kiện thuận lợi cho người dân phát huy quyền làm chủ của mình; thực hiện
đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”;
củng cố, giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; xây dựng
thế trận lòng dân vững chắc, tạo thành vành đai xung quanh không để bị động,
bất ngờ trong mọi tình huống; phát huy cao độ lòng yêu nước, truyền thống dựng
nước, giữ nước tốt đẹp của ông cha; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ
động tiến công làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của
các thế lực phản động trong và ngoài nước; huy động toàn dân tham gia xây dựng
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ dĩ vãng, song những
nhân tố gây mất ổn định vẫn còn tiềm ẩn và xuất hiện nếu như chúng ta lơ là,
ngủ quên trên vòng nguyệt quế, xay xưa với những thắng lợi của mình. Đại
thắng mùa Xuân năm 1975 sẽ mãi đi vào lịch sử dân tộc ta như một biểu tượng
sáng ngời của ý chí, khát vọng giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của
nhân dân, của văn hoá quân sự Việt Nam. Hơn bao giờ hết, mỗi chúng ta cần phải
có trách nhiệm giữ gìn thành quả cách mạng đã đạt được, không để bất kỳ một ai,
có động cơ không trong sáng làm phương hại đến độc lập chủ quyền thống nhất
toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Giá trị của văn hoá quân sự Việt Nam mà đại
thắng mùa Xuân năm 1975 là đại diện chứng minh cho tính nhân văn, nhân nghĩa
của con người Việt Nam mãi là của quý của đất nước, của bảo vật quốc gia để
chúng ta xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp, văn minh, hạnh phúc,
sánh vai cường quốc, năm châu.
N.T.H - K3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét