Quan sát các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng
thấy nhiều biểu hiện của sự lệch lạc tiếng Việt trong cách nói và cách viết, từ
việc làm biến dạng vỏ từ ngữ hay cố tình viết sai chính tả, chẳng hạn: buồn
viết thành bùn, luôn thành lun, rồi viết thành rùi, nhé viết thành nhóe, nhá
thành ná, xinh thành xưn/xuynh/xynh, mình thành mềnh, yêu thành iu, thế thành
thía,… làm sao thành nàm thao, như này thành dư lày, rồi thành dồi, sợ thành
xợ, cô giáo thành kô záo, giá cả thành zá cả, trai đẹp thành zai đẹp, đẹp trai
thành đập chai…
Một số bạn trẻ còn tạo ra lối viết tắt từ đơn
giản đến phức tạp như: chồng thành ck, vợ thành vk, trước thành trc, được thành
dc, với thành vs, ha ha thành kk… Ðể tránh sự kiểm soát của phụ huynh, nhiều
bạn trẻ còn tự quy ước với nhau để tạo ra cách viết chỉ hai người hoặc người
trong nhóm mới hiểu được. Những lối ví von kiểu mới được nhiều người ưa dùng
thoạt nhìn có dáng dấp như thành ngữ, tục ngữ nhưng thực chất đều là những đơn
vị mới được giới trẻ cấu tạo và sử dụng như ngôn từ hằng ngày của họ: Buồn như
con chuồn chuồn, phê như con tê tê, ác như con tê giác, chán như con gián… Ða
số đơn vị ngôn từ như thế chỉ liên kết về mặt hiệp vần cho vui tai chứ không có
liên hệ về mặt ngữ nghĩa như các câu thành ngữ, tục ngữ cổ truyền, mẫu mực.
Cùng với việc làm méo mó, biến dạng tiếng Việt,
hiện tượng chêm xen tiếng Anh vào câu chuyện hằng ngày hoặc trên các kênh giao
tiếp của giới trẻ ngày càng trở nên dày đặc, các từ ngữ tiếng Anh được sử dụng
với tần số cao. Trong nhiều trường hợp, điều này tạo ra trở ngại khi người lớn
tuổi muốn giao tiếp hoặc muốn đọc thông tin từ phía người trẻ. Nhiều đơn vị từ
ngữ nay đã trở thành cửa miệng của giới trẻ như: check in, bill, deadline,
online, off, live, show, sale, menu, lập team… Rồi là nói tắt, viết tắt với tiếng
Anh như BWF, one for night…
Tình trạng cách nói, cách viết tiếng Việt lệch
chuẩn xuất hiện tràn lan và có xu hướng ngày càng tăng trong thời gian qua đang
gây nhức nhối, phản cảm, lo lắng với nhiều người, đặc biệt là những người quan
tâm tới việc giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có ngôn ngữ. Thực
ra, không phải đến hôm nay chúng ta mới phải lên tiếng về các vấn đề liên quan
tiếng Việt. Ngay từ năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từng phát động phong trào
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Khi ấy, một hội thảo trang trọng được tổ
chức đã quy tụ sự tham gia của rất nhiều trí thức nổi tiếng với hàng trăm báo
cáo, tham luận đều xoay quanh vấn đề làm sao để nói và viết tiếng Việt ngày
càng trở nên hay hơn, đúng hơn, chính xác và hấp dẫn hơn. Ðiều ấy cũng đồng
nghĩa với việc tiếng Việt cần đạt được sự chuẩn hóa trên các phương tiện thông
tin đại chúng, trong các văn bản có tính pháp quy, trong các tác phẩm được xuất
bản, in ấn trên lãnh thổ Việt Nam.
Khi internet như đã trở thành yếu tố không thể
thiếu trong cuộc sống hiện đại, chúng ta buộc phải chấp nhận một môi trường
hoạt động mới của tiếng Việt, đó là môi trường mạng cùng sự ra đời của
"ngôn ngữ mạng". Về cơ bản, tiếng Việt thể hiện qua "ngôn ngữ
mạng" vẫn nằm trong cơ chế chung của các quy tắc đã được cộng đồng thừa
nhận về từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp. Nhưng sự quá đà của một bộ phận người sử
dụng internet, nhất là giới trẻ khiến không ít người lo ngại về việc tiếng Việt
mất đi vẻ đẹp chuẩn chỉ, sự trong sáng tự nhiên. Hơn thế nữa, khi trẻ em tiếp
xúc với mạng internet ngày càng sớm thì ảnh hưởng của cách nói, cách viết lệch
chuẩn như thế vào các tâm hồn ngây thơ, trong sáng là điều khá rõ ràng, ai cũng
cảm nhận được. Nhiều phụ huynh không khỏi giật mình khi thấy con em họ mới học
lớp 1, lớp 2 đã thuộc rất nhanh những câu rap ngắt nhịp với nội dung khá thô
tục và suồng sã, đang bị nhiều người lên án như: "Em đừng la/liếm anh, Anh
bỏ hồng/trần vì em, Không bao/giờ bế con…".
Bên cạnh đó, lối nói tắt, viết tắt, cố tình
viết sai chính tả hầu như chỉ có cơ hội tồn tại trên môi trường mạng, bởi khi
thực hiện bài vở trên lớp, học sinh, sinh viên vẫn phải viết theo những chuẩn
mực đã được tiếp thu từ môi trường giáo dục chính thống. Cũng cần bình tĩnh để
nhìn nhận rằng, xét cho cùng, việc giới trẻ sử dụng tiếng Việt với nhiều lệch
chuẩn chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong dòng chảy bất tận của tiếng Việt. Không
vì một vài cá nhân hoặc một nhóm người mà tiếng Việt lại dễ dàng thay đổi diện mạo
nghìn đời của nó. Chỉ cái hay, cái đẹp, cái hợp lý và tiện dụng mới là những
thứ có cơ hội ở lại lâu dài và bền vững cùng cộng đồng. Tuy nhiên, để giảm bớt
những tác động tiêu cực đến thói quen sử dụng ngôn ngữ, góp phần định hướng một
cách tốt nhất cho các thế hệ con em chúng ta khi nói và viết tiếng Việt, bên
cạnh sự chung tay của cả xã hội, rất cần đến sự vào cuộc tích cực của các nhà
khoa học, đội ngũ giáo viên, các cơ quan hữu quan, các đơn vị có trách nhiệm
trong việc bảo vệ, xây dựng giá trị, chuẩn mực văn hóa cho cộng đồng.
Thực tế, việc sử dụng ngôn ngữ trên mạng đã và
đang có sự kiểm soát khá hiệu quả từ phía người quản lý, điều hành. Những phát
ngôn, hình ảnh thiếu chuẩn mực đều bị nhắc nhở, thậm chí chủ nhân của phát
ngôn, hình ảnh xấu phải chịu xử phạt với những mức độ khác nhau. Ðiều này là
cần thiết và cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng
Việt. Bên cạnh đó, những cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng, nhất là
người nổi tiếng, cần nâng cao trách nhiệm và ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ
hằng ngày của mình trên các trang cá nhân, từ đó hỗ trợ và đem đến những tác
động tích cực với xã hội nói chung, với sự phát triển của trẻ em nói riêng. Và
sự nỗ lực của mỗi người sẽ tạo ra động lực để toàn xã hội thêm yêu tiếng Việt
như một tình cảm tự nhiên, nhân bản, còn mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam./.
PTC-BC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét