Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ văn
hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với
phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục
đích của cuộc sống loài người.
Khái
niệm văn hóa có nội hàm phong phú và ngoại diên rất rộng, vì vậy có rất nhiều định
nghĩa khác nhau về văn hóa. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa được
hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp.
Theo nghĩa rộng, Hồ Chí
Minh nêu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người
sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời
đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người.
Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng
như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ,
chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những
công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn
bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi
phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm
thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Định nghĩa về văn hóa của Hồ Chí
Minh đã khắc phục được những quan niệm phiến diện về văn hóa trong lịch sử và
hiện tại.
Theo nghĩa hẹp, Người viết:
“Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải
coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn
hóa là một kiến trúc thượng tầng”.
Theo nghĩa rất hẹp, văn hóa
đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Hồ Chí Minh yêu cầu
mọi người phải đi học “văn hóa”, xóa mù chữ,…
Theo Hồ Chí Minh, nền văn hóa
dân tộc phải được xây dựng trên năm điểm lớn sau đây:
1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc
lập tự cường.
2- Xây dựng luân lý: biết hy
sinh mình, làm lợi cho quần chúng.
3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp
liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.
4- Xây dựng chính trị: dân quyền.
5- Xây dựng kinh tế”.
Muốn xây dựng nền văn hóa dân tộc
theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải xây dựng trên tất cả các mặt kinh tế, chính
trị, xã hội, đạo đức, tâm lý con người.
Hồ Chí Minh khẳng định, con người
là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo
Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều
thế cả”.
Con người vừa là mục tiêu, vừa
là động lực của cách mạng. Con người là mục tiêu của cách mạng, nên mọi chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của
con người, có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và
lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân.
Không phải mọi con người đều trở
thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có
trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống
lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam… Chính trị, văn hóa, tinh
thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có
thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Trồng
người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Con người
phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa nằm trong chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược
giáo dục - đào tạo theo nghĩa hẹp…
Trên con đường tiến lên chủ
nghĩa xã hội, “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Điều
này cần được hiểu là ngay từ đầu phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người có những
phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, lôi
cuốn xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, phải không ngừng hoàn thiện, nâng
cao; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, gia đình và của chính bản thân mỗi người.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về con
người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một
là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và
phương Đông). Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng
xã hội chủ nghĩa; có đao đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ
(bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên…); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có
lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. Chiến lược “trồng người” là một trọng tâm, một
bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện chiến lược “trồng
người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng
bậc nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi
sáng cho thanh niên. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên. Nội
dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo
đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu.
“Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”,
“việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”./.
NCB-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét