Pages - Menu

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

NHẬN DIỆN NGỤY TUYÊN TRUYỀN VÀ NHỮNG KẺ CHƠI LÁ BÀI HAI MẶT

  

Trước nay, trong chính giới và học giả phương Tây, nhiều người vẫn “rao giảng” về một thứ truyền thông đại chúng, biểu hiện tập trung nhất ở báo chí, là tự do, khách quan tuyệt đối, phi chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh tư tưởng. Với xảo biện rằng, báo chí thuần túy là phương tiện giao tiếp, họ “lập lờ đánh lận con đen” tuyệt đối hóa chức năng thông tin, song hành với phủ nhận chức năng tư tưởng và bóp méo khái niệm tuyên truyền của báo chí.

Những xảo biện đó không che giấu được sự thật là, báo chí thuộc thể chế chính trị nào cũng đều mang bản chất chính trị - xã hội. Trong bất kỳ xã hội có giai cấp và còn sự khác biệt về lợi ích, báo chí với tư cách là công cụ đấu tranh giai cấp, luôn thuộc về một giai cấp nhất định, thường là giai cấp thống trị xã hội - giai cấp này sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực để giành và giữ quyền lực chính trị, đồng thời tuyên truyền hệ tư tưởng, chủ thuyết chính trị của mình để chính thống hóa và duy trì nó ở vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Báo chí thuộc giai cấp, nhóm xã hội nào thì bảo vệ cho quyền, lợi ích của giai cấp, nhóm xã hội đó. 

Chức năng thông tin là chức năng cơ bản, nguyên thủy và khởi nguồn của báo chí. Tuy nhiên, đặt chức năng thông tin lên hàng đầu không đồng nghĩa với tuyệt đối hóa nó và cho rằng, thông tin sự kiện là khách quan tuyệt đối, là thông tin sự kiện bản thể nguyên dạng, ngoài ra không vì bất cứ mục đích nào khác. Báo chí thông tin chân thực, khách quan, song được tái tạo và soi chiếu qua lăng kính chủ quan của nhà báo, bao giờ cũng mang tính khuynh hướng rõ nét - do địa vị xã hội và lợi ích của tổ chức xã hội hay lực lượng chính trị mà nhà báo đại diện phát ngôn chi phối. Tính khuynh hướng chính trị của báo chí là nguyên tắc phổ biến, tồn tại khách quan, ngoài ý muốn chủ quan, không thể chối bỏ. Do đó, không thể và không bao giờ có thứ báo chí đứng ngoài, đứng trên chính trị hay không can dự vào đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng, ở bất kỳ một nền báo chí nào, như sự rêu rao của nhiều học giả hay giới chức phương Tây.

Trong thực tiễn, thông tin (information) và tuyên truyền (propaganda) là hai mặt của một vấn đề. Không ai thông tin mà không nhằm mục đích nào đó, tức là tuyên truyền; ngược lại, nếu chỉ nhấn mạnh, tuyệt đối hóa tuyên truyền mà không đẩy mạnh thông tin những sự kiện, vấn đề cụ thể, sinh động từ cuộc sống thì trở thành tuyên truyền suông, thiếu thuyết phục và hiệu quả. Như vậy, tuyên truyền là sự biểu hiện tập trung tính mục đích của báo chí, trước hết là mục đích chính trị. Tuyên truyền mang tính phổ quát ở mọi nền báo chí và là công việc được thực hiện bởi bất kỳ đảng phái chính trị hay chính phủ ở thể chế chính trị nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù thừa nhận hay không thừa nhận. Tuyên truyền mang nghĩa tốt hay xấu không do nội hàm khái niệm, mà hoàn toàn do mục đích của chủ thể sử dụng nó. 

Nền báo chí của giai cấp vô sản mang bản chất cách mạng, công khai tuyên bố và thực hành chức năng tư tưởng, bên cạnh chức năng thông tin. Với chức năng này, theo quan điểm của Đảng ta, báo chí cách mạng Việt Nam vừa là diễn đàn của đông đảo nhân dân, vừa là công cụ, phương tiện quan trọng để tuyên truyền hệ tư tưởng của Đảng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo, nền tảng tư tưởng trong đời sống tinh thần của xã hội. Báo chí tuyên truyền để tạo dựng niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng ta; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vì sự phát triển bền vững của đất nước và chấn hưng dân tộc; tự nguyện phục tùng, vì lợi ích chính đáng của đông đảo nhân dân lao động. Công tác tuyên truyền luôn đứng về phía tiến bộ, ủng hộ những nhân tố tích cực, làm cho các giá trị nhân văn, nhân bản lan tỏa trong xã hội, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu trong xã hội, trong Đảng, nhất là với “giặc nội xâm” tham ô, tham nhũng; đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... 

Khi thực hành nhiệm vụ tuyên truyền, nền báo chí nước ta đặt lên hàng đầu tính chân thực, tính khách quan. Như V.I. Lênin khẳng định, tuyên truyền là đem chân lý đến cho người nghe. Và, đông đảo quần chúng nhân dân tin tưởng, đi theo những người cộng sản không phải vì những người cộng sản khéo nói, mà chính bởi người cộng sản nói đúng sự thật. V.I. Lênin đặc biệt nhấn mạnh tính thực tiễn, tính khách quan, xác thực của hoạt động tuyên truyền, đặc biệt phát hiện và lấy những sáng tạo của quần chúng nhân dân để thuyết phục nhân dân. 

Trong khi đó, nhiều học giả và chính giới phương Tây vẫn thích chơi “lá bài hai mặt”. Một mặt, họ phê phán và đánh đồng tuyên truyền với sự giả dối, tha hóa, là sự “nhồi sọ thông tin”, cùng luận điệu tráo trở “chỉ có cộng sản mới sử dụng tuyên truyền” (?!); mặt khác, chính họ lại tung ra thứ ngụy tuyên truyền đó - tức tuyên truyền những luận điệu giả trá, lừa phỉnh để phục vụ cho các mưu đồ, thủ đoạn chính trị của mình. 

Sống giữa trung tâm của thế giới phương Tây và nằm lòng những thủ thuật của nền chính trị tư bản, Giáo sư nổi tiếng tại Viện Công nghệ Ma-xơ-chu-xét (MIT) của Mỹ, Nô-am Chôm-xki (Noam Chomsky), người được tờ New York Times gọi là “nhà trí thức quan trọng nhất hiện đang còn sống”, trong các cuốn “Tham vọng bá quyền”và “Nhận diện quyền lực” (đã được dịch ra tiếng Việt), cho rằng, truyền thông đại chúng phương Tây bị thiên kiến nặng nề và luôn đứng về phía các thiết chế quyền lực đương thời. Ròng rã hơn một thế kỷ vừa qua, “tuyên truyền” trở thành một “kỹ nghệ có tổ chức” ở nhiều nước phương Tây. Giáo sư N. Chôm-xki cho biết, ngay từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Anh đã tổ chức cơ quan cấp bộ đầu tiên điều phối công việc tuyên truyền là Bộ Thông tin; tiếp đó, cơ quan tuyên truyền đầu tiên của Chính phủ Mỹ là Ủy ban Thông tin công cộng cũng được thành lập... Nhiều cơ quan kiểu này có nhiệm vụ “kiểm soát đầu óc của dân chúng”, lừa phỉnh công luận để “chế tạo ra tâm trạng đồng tình” và sẵn sàng bán rẻ, chà đạp lên lợi ích của đông đảo người dân để bảo vệ lợi ích cho một nhóm nhỏ các nhà tư bản. Việc ngụy tuyên truyền trên được hà hơi, tiếp sức bởi “các thế lực tài phiệt tư nhân - tức là các hệ thống công ty - đóng vai trò kiểm soát dư luận và thái độ của quần chúng. Những công ty này không nhận lệnh của chính phủ nhưng liên hệ chặt chẽ với chính phủ”[1]

Hiện nay, dù rằng về danh nghĩa, tại nhiều nước phương Tây, báo chí không thuộc chính phủ hay các đảng phái chính trị, song trên thực tế, giai cấp tư sản tiếp tục tìm mọi cách chi phối hoạt động báo chí, chủ yếu bằng quyền lực chính trị và sức mạnh của đồng tiền, sử dụng báo chí hiện đại như bộ máy trung gian để củng cố địa vị cầm quyền của giai cấp tư sản và là “cỗ máy” dọn đường dư luận cho việc thực hiện những âm mưu chính trị, điển hình như việc một số tập đoàn truyền thông phương Tây sẵn sàng “đổi trắng thay đen” bịa đặt thông tin hay thông tin không hề được kiểm chứng về tình hình một số nước tại Trung Đông, trong suốt vài thập niên trở lại đây, đi ngược lại nguyên tắc tối thiểu về tính chân thực, khách quan của báo chí, tạo cớ để một số cường quốc bất chấp luật pháp quốc tế trắng trợn tấn công những nước có chủ quyền, bản chất là phục vụ cho dã tâm bá quyền và âm mưu “đổi máu lấy dầu” nhằm thu những món hời khổng lồ từ việc kiểm soát nguồn dầu mỏ ở Trung Đông và buôn bán vũ khí, của giới chính trị chóp bu và tài phiệt kếch sù phương Tây...

Nhà nghiên cứu truyền thông hàng đầu của Mỹ là Rô-be Mac Che-xnây (Robert W. McChesney) phải thốt lên rằng: “Báo chí của chúng ta (Mỹ - tác giả) đang trở thành thiên đường cho những kẻ lừa dối, ở đó, giá của sự xuyên tạc, bóp méo đã xuống quá thấp”[2]

Cùng với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống như báo chí..., các phương tiện truyền thông mới (New media), trong đó có các phương tiện truyền thông xã hội (Social media), hiện cũng được chính giới phương Tây triệt để lợi dụng để củng cố quyền lực chính trị và thúc đẩy đấu tranh ý thức hệ, trong kỷ nguyên số. Bước chuyển đầy toan tính này càng cho thấy, các phương tiện truyền thông xã hội không thuần túy là vật trung gian công nghệ và giao tiếp cá nhân chỉ mang bản chất vật lý kỹ thuật và bản chất xã hội (kết nối xã hội) như phát ngôn ru ngủ công luận của chủ các hãng công nghệ hàng đầu thế giới và nhiều chính trị gia phương Tây, mà ngày càng hội đủ và bộc lộ rõ bản chất thông tin, bản chất kinh tế... và nhất là bản chất chính trị.

“Cơn ác mộng” về chính trị tại các nước ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông trong các năm 2010 - 2011 là điển hình cho việc các phương tiện truyền thông xã hội trở thành công cụ chính trị đắc lực ra sao, khi dưới sự hậu thuẫn của một số nước phương Tây, lần đầu tiên, các nhóm xã hội đối lập thuộc nhiều thành phần xã hội, chính trị khác nhau và các thành viên của tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” phối hợp hoạt động, tập hợp hàng triệu người ủng hộ thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại di động để tiến hành biểu tình, mượn danh nghĩa chống tham nhũng và sự đàn áp dân chủ, để lật đổ các chính phủ đương nhiệm. Mới đây, vụ việc Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, bị cáo buộc làm lộ lọt thông tin cá nhân, để Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu chính trị, tiếp cận trái phép và “đầu độc thông tin chính trị” tới 87 triệu người dùng, mục đích tác động làm thay đổi kết quả cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng cho thấy sự tham gia những thương vụ chính trị hết sức tinh vi của các tập đoàn truyền thông xã hội, một cách chủ động hay bị dắt dây bởi các thế lực chính trị, đi ngược lại hoàn toàn tuyên bố về tính khách quan tuyệt đối và bảo mật thông tin của Facebook, vốn luôn khẳng định mình đơn thuần chỉ là hãng công nghệ thuần túy (?!). 

Những minh chứng trên chỉ là số ít trong rất nhiều thủ đoạn chính trị mà chính giới phương Tây đã sử dụng để điều khiển, chi phối, khống chế hệ thống báo chí truyền thống và các phương tiện truyền thông xã hội, một cách vừa tinh vi, vừa trắng trợn, không chỉ ở quy mô một quốc gia, mà còn trên quy mô toàn cầu; không chỉ tự ra tay, mà còn “tá đao sát nhân”, o bế và dung túng các thế lực tay sai để can thiệp thô bạo vào an ninh và công việc nội bộ của nước khác, nhất là các quốc gia có sự khác biệt về ý thức hệ./.

NTP-H8



[1] Noam Chomsky: Tham vọng bá quyền, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2006, tr. 35

[2] Nichols - J. & McChesney - R. W., Tragedy & Farce: How the American Media Sell Wars, Spin Election, and Destroy Democracy, the New Press, New York, 2005, p.12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét