Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối
cảnh hiện nay gắn liền với cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch
phủ nhận những giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kịp thời vạch trần những
âm mưu, thủ đoạn, cách thức... mà các thế lực thù địch sử dụng chống phá cách mạng
nước ta. Trên cơ sở đó, tìm tòi, đề xuất những phương thức, cách thức phù hợp,
hiệu quả để đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự phối
hợp của các tổ chức, cơ quan chức năng trong đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu hiện
nay. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ
chốt phải nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; nhận diện rõ các quan điểm sai trái, thù địch để có các
chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng; nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác đấu tranh, khắc phục khâu yếu, mặt yếu; không để xảy ra bất ngờ, lúng
túng, bị động.
Hai là, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải chỉ có bộ
phận thường trực mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các ban ngành Trung
ương, của cấp ủy, chính quyền địa phương và của toàn dân. Như vậy, mới tạo được
sức mạnh tổng thể nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với những quan điểm sai trái,
thù địch. Thường xuyên duy trì, thực hiện tốt chế độ giao ban phản ánh tình
hình, trao đổi thông tin, thống nhất biện pháp phối hợp đấu tranh đối với các
quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn mọi âm mưu và hành động móc nối, tập hợp
lực lượng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ; quản lý
và đấu tranh đối với các phần tử cơ hội, bất mãn kích động, chống đối, chia rẽ
nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, cần có các phương thức, hình thức đa dạng, hiệu quả trong cuộc đấu
tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện đấu tranh chống các
quan điểm sai trái, thù địch về tư tưởng, không phải thực hiện theo kiểu mệnh lệnh,
hành chính, chủ quan, duy ý chí, áp đặt mà là quá trình phân tích, đấu tranh có
lý lẽ, có cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan thuyết phục. Nội dung và hình
thức thông tin đấu tranh cần đa dạng, phù hợp với trình độ, tâm lý, nguyện vọng,
nhu cầu, lợi ích thụ hưởng thông tin của từng đối tượng cụ thể. Trên cơ sở ấy mới
có thể quy tụ được lòng người, thống nhất được tư tưởng và hành động của cán bộ,
đảng viên và nhân dân nhằm loại bỏ, phủ định cái sai trái, khẳng định cái đúng,
chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của
Đảng ta.
Bốn là, sử dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ và pháp lý để xử lý kịp
thời, kiên quyết và có hiệu quả đối với các tổ chức và cá nhân cung cấp thông
tin, dịch vụ truyền thông có nội dung xấu, độc hại, sai trái, xuyên tạc, phủ nhận
giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
vu khống, xuyên tạc, bôi đen lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Kịp thời cung
cấp những thông tin chính thống từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
nhằm đi trước định hướng dư luận xã hội, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng
viên và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng phải trở thành những
chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, thù địch.
Thực tế đã chứng minh, cho dù các thế lực thù địch có trăm phương, nghìn kế để
chống phá mà chúng ta biết dựa vào dân, biết chủ động thông tin, biết định hướng
dư luận xã hội một cách khách quan, kịp thời, minh bạch thì chúng cũng nhận lấy
thất bại. Cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ cho cán bộ, đảng
viên và người dân chính là chúng ta đang xây dựng một hệ miễn dịch cho mỗi người
dân, cho toàn xã hội có sức đề kháng với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc của
các thế lực thù địch, phản động.
Năm là, hệ thống thông tin đại chúng có vai trò quan trọng hàng đầu
trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai
trái, thù địch trong tình hình hiện nay. Vì vậy, cần coi trọng việc đảm bảo
thông tin khách quan, chân thực, đảm bảo tính tư tưởng, tính chiến đấu của hệ
thống thông tin đại chúng. Mỗi cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ,
phóng viên, biên tập viên vừa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan ngôn
luận vừa không ngừng nâng cao trách nhiệm
chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của
mình. Cần tăng cường đưa những thông tin tốt, tích cực, những tấm gương người tốt
việc tốt, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho giá trị, mục tiêu mà Đảng
ta, Nhân dân ta lựa chọn. Phải có cơ chế để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của
Nhân dân, đặc biệt đối với những thông tin liên quan đến vấn đề hoạch định và
thực thi chính sách, nhất là về quy hoạch phát triển, về đất đai, về dân tộc,
tôn giáo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Thực hiện nghiêm túc quy
hoạch báo chí đã được cấp có thẩm quyền của Đảng, Chính phủ quyết định./.
PVĐ-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét