Pages - Menu

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

TĂNG CƯỜNG BẢN CHẤT GIAI CẤP CÔNG NHÂN CHO QUÂN ĐỘI - VẤN ĐỀ THEN CHÔT TRONG XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

 

Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, gắn bó hữu cơ với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đòi hỏi phải thường xuyên chăm lo xây dựng Quân đội, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Vấn đề then chốt trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc. Đó là mục tiêu lý tưởng chiến đấu, hệ tư tưởng Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chủ đạo trong đời sống tinh thần Quân đội. Do đó việc tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho Quân đội là vấn đề rất quan trọng, vừa mang tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn hiện nay.

Khẳng định vấn đề trên xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn cơ bản sau:

Một là, xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh và quan điểm của Đảng ta về bản chất quân đội. Theo Ph.Ăngghen: “Quân đội là tập đoàn người vũ trang có tổ chức, do nhà nước xây dựng nên và dùng vào cuộc chiến tranh tấn công hay phòng ngự”[1]. Quân đội là một hiện tượng chính trị - xã hội, là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định nhằm mục đích phục vụ lợi ích của một giai cấp, nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng nó. Chính vì vậy, bản chất giai cấp quân đội là bản chất giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra nó. Quân đội tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên cơ sở đường lối, quan điểm của giai cấp nhà nước mình. Vì vậy, mục tiêu chiến đấu của quân đội bao giờ cũng vì lợi ích giai cấp, nhà nước tổ chức ra nó. Trong lịch sử chưa có một quân đội nào của chung toàn xã hội, chiến đấu vì lợi ích chung của mọi giai cấp. Chính vì vậy, V.I.Lênin viết: “Giai cấp vô sản muốn là giai cấp thống trị, thì nó phải tỏ rõ điều đó bằng tổ chức quân sự của mình”[2].

Tiếp thu học thuyết Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Hai là, từ thực tiễn việc tổ chức và xây dựng quân đội trên thế giới là minh chững rõ nét khẳng định bản chất giai cấp của quân đội. Quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc, không có quân đội phi giai cấp, siêu giai cấp, quân đội trung lập và càng không có quân đội chung chung. Quân đội mang bản chất của giai cấp tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện và sử dụng nó. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội là phục vụ cho mục tiêu, lý tưởng của giai cấp đã tổ chức ra nó. V.I.Lênin đã khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản…”[3]. Lịch sử hình thành và phát triển của quân đội trên thế giới và Quân đội nhân dân Việt Nam là minh chứng rõ nét cho nhận định trên./.

NTC-H4



[1] Ph.Ăngghen, Tuyển tập luận văn quân sự, Quyển IV, Nxb QĐND, H. 1986, tr.9

[2] V.I.Lênin, Bàn về bảo vệ tổ quốc, Nxb QĐND, H. 1975

[3] V.I. Lênin, Toàn tập, Tập 12, NXB Tiến bộ, Matxcơva 1979, tr.136

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét