Pages - Menu

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT CỦA QUÂN ĐỘI HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

  

Tư tưởng về kỷ luật quân đội của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Người về quân đội nhân dân, thể hiện sâu sắc trong các bài nói, bài viết, trong thực tiễn tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật quân đội có ý nghĩa to lớn đối trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn mới. Tư tưởng về kỷ luận quân đội của Hồ Chí Minh thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:

Một là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ luật là sức mạnh của quân đội, buông lỏng kỷ luật là làm suy yếu quân đội

Quân đội là một tổ chức quân sự và kỷ luật là sức mạnh của tổ chức quân sự này. Bất cứ quân đội nào thì vấn đề kỷ luật đều quan trọng, đó là sức mạnh. Kỷ luật là hệ thống những nguyên tắc, quy định, điều lệnh, điều lệ của Nhà nước, của quân đội, đảm bảo cho các hoạt động của quân đội được thống nhất và hiệu quả. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”1. Kỷ luật trong quân đội được thể hiện ở ý thức và hành động của toàn thể quân nhân trong thực hiện mọi nhiệm vụ, ở mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi.

Hồ Chí Minh cho rằng, khi kỷ luật đã thấm vào nhận thức, tình cảm của mọi quân nhân, hướng dẫn hành động của họ, nó trở thành sức mạnh vật chất, thì làm cho sức mạnh chiến đấu của quân đội được tăng lên gấp bội. Không thể có quân đội bách chiến bách thắng, nếu như kỷ luật của quân đội đó bị buông lỏng, binh lính chấp hành mệnh lệnh chiến đấu không nghiêm. Theo Người, một đội quân ô hợp, thiếu tổ chức chặt chẽ, thiếu kỷ luật thì không thể có sức mạnh, dù nó có được trang bị những vũ khí tối tân hiện đại. Sự sa sút và lỏng lẻo về kỷ luật đồng nghĩa với sự suy yếu của quân đội. Kỷ luật là thuộc tính của quân đội, thế nhưng kỷ luật của các quân đội thì lại không hoàn toàn giống nhau.

Hai là, kỷ luật của quân đội ta là kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đòi hỏi phải được duy trì thực sự nghiêm minh.

Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh, quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân, vì vậy, kỷ luật phải tự giác, nghiêm minh... Điều đó khác hoàn toàn về bản chất so với kỷ luật quân phiệt của quân đội tư sản, đế quốc. Sự khác nhau đó do bản chất của giai cấp và nhà nước tổ chức ra quân đội quy định. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề kỷ luật đối với sức mạnh chiến đấu của quân đội, trong quá trình huấn luyện, giáo dục, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ, chăm lo tăng cường kỷ luật quân đội. Người chỉ rõ: “Kỷ luật phải nghiêm minh. Trong kỷ luật phải chú ý hai điểm:

-   Thưởng

-    Phạt”2

Người cho rằng, quân đội không thể có kỷ luật tự giác, nghiêm minh nếu như trong quá trình duy trì kỷ luật không thực hiện tốt vấn đề khen thưởng và xử phạt. Thưởng, phạt là yêu cầu cơ bản trong thực hiện kỷ luật, đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu qủa thực tế của kỷ luật. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: có công, có thành tích, có nhiều tiến bộ trong chiến đấu, công tác cũng như trong lao động sản xuất thì phải được khen thưởng xứng đáng; vi phạm kỷ luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội và của đơn vị thì phải kỷ luật thích đáng. Sự công minh và nghiêm túc khen thưởng và kỷ luật bao giờ cũng là động lực tích cực cho mọi quân nhân phấn đấu và rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ. Thưởng, phạt không công minh, không thỏa đáng thì có tác động ngược lại, chẳng những làm suy giảm, nguội lạnh tinh thần phấn đấu của bộ đội mà còn không đúng với bản chất của kỷ luật trong quân đội cách mạng, quân đội của giai cấp công nhân. Hô hào tăng cường kỷ luật mà không làm tốt vấn đề thưởng, phạt thì sự tăng cường ấy không đạt hiệu quả, chỉ mang tính chất “hình thức”. Vì vậy, “hai điểm chú ý” trên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải được mọi cấp trong quân đội và toàn thể cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc. Cán bộ càng ở vị trí công tác cao, trách nhiệm càng nặng nề, thì càng đòi hỏi phải chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội, phải thực sự là tấm gương mẫu mực về chấp hành kỷ luật; đồng thời càng phải thực hiện nghiêm túc “hai điểm chú ý” trên.

Ba là, trong xây dựng quân đội phải quan tâm thường xuyên đến tăng cường kỷ luật, xây dựng ý thức kỷ luật tự giác cho cán bộ, chiến sĩ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường kỷ luật là yêu cầu cơ bản của việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội. Do sự khác nhau về bản chất kỷ luật của quân đội tư sản và quân đội vô sản, nên nội dung và phương pháp tăng cường kỷ luật của hai loại hình quân đội ấy cũng khác nhau. Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ có thể trên cơ sở chính trị tinh thần cao và kỷ luật tự giác, nghiêm minh, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta mới có thể chịu đựng được những khó khăn, ác liệt của chiến tranh, mới có thể nâng cao hiệu quả sử dụng trang bị vũ khí trong quá trình chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Người thường xuyên căn dặn bộ đội ta phải giữ nghiêm kỷ luật, đặc biệt là trong lúc cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, nhiệm vụ mới. Sự phát triển của nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới không những đòi hỏi phải tăng cường kỷ luật, mà còn cần phải có những nội dung và yêu cầu mới về kỷ luật đối với bộ đội, đó là một tất yếu khách quan. Sự chậm trễ, không kịp thời tăng cường kỷ luật trong hoàn cảnh mới có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội cách mạng. Tháng 10.1954, khi các đơn vị quân đội ta vào thành phố Hà Nội, Người căn dặn: “Nay chúng ta về thành thị, các chú phải làm kiểu mẫu đúng đắn để tranh lấy thắng lợi trong hòa bình...

-   Chớ tự kiêu tự mãn.

-   Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện.

-   Chớ để lộ bí mật.

-   Chớ xa xỉ tham ô lãng phí.

-   Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân.

-   Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh.

-   Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng.

-    Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

-   Phải làm đúng 10 điều kỷ luật.

-   Phải luôn cảnh giác và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng”3

Trong rèn luyện kỷ luật cho quân đội, Hồ Chí Minh rất lưu ý đến vấn đề chấp hành mệnh lệnh. Tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh là yêu cầu có tính chất đặc thù đối với tổ chức quân sự, tính chất kỷ luật “sắt”, nghiêm minh của quân đội biểu hiện tập trung ở chỗ đó. Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ quân đội ta: “Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành. Trung Quốc có câu: “Quân lệnh như sơn” nghĩa  là  cấp  trên đã ra thì vô luận thế nào cũng phải làm”4. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên đã trở thành một lời thề danh dự và luôn được thể hiện cụ thể trong mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng và trưởng thành, trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Bốn là, tăng cường kỷ luật còn nhằm xây dựng con người trong quân đội, hình thành những phẩm chất của người quân nhân cách mạng.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề kỷ luật còn hướng đến xây dựng con người trong quân đội, xây dựng những phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng. Đây là sự thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường kỷ luật quân đội, giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho bộ đội.

Dù có dũng cảm trong chiến đấu và có nhiều thành tích trong chiến đấu chống xâm lược, nhưng trong thời bình mà có những biểu hiện công thần, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật quân đội, kỷ luật trong quan hệ với nhân dân... thì quân đội ta cũng không thể có được và nuôi dưỡng được sự ngưỡng mộ, yêu mến và lòng tin tưởng của nhân dân. Hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” in đậm trong lòng nhân dân được tạo dựng không chỉ bởi từ những chiến công huy hoàng của quân đội ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; mà còn bởi một phần rất quan trọng từ sự chấp hành kỷ luật một cách tự giác và nghiêm minh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta trong quá trình xây dựng và trưởng thành.

Năm là, tăng cường kỷ luật phải gắn liền với phát huy dân chủ, phê phán những thói hư tật xấu, những biểu hiện vi phạm kỷ luật.

Đối với quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tăng cường kỷ luật không đồng nghĩa với việc bóp nghẹt, vi phạm dân chủ mà là gắn với việc mở rộng dân chủ, phát huy tinh thần dân chủ của cán bộ, chiến sĩ. Theo Người, mở rộng dân chủ, phát huy dân chủ không đồng nghĩa với tình trạng vô kỷ luật, vô tổ chức mà là để nhằm củng cố kỷ luật được tốt hơn, càng tăng cường kỷ luật hơn. Người phân tích: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã có quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”5. Mối quan hệ giữa kỷ luật và dân chủ, giữa tăng cường kỷ luật và phát huy dân chủ được Hồ Chí Minh đặt ra và phân tích sâu sắc làm cơ sở cho quá trình tăng cường kỷ luật và phát huy dân chủ trong quân đội ta trong tất cả các giai đoạn xây dựng và trưởng thành.

Trong khi tăng cường giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho quân đội, Hồ Chí Minh phê phán rất mạnh mẽ những thói hư tật xấu, những biểu hiện vi phạm kỷ luật dễ xảy ra ở những cán bộ, chiến sĩ có thành tích trong chiến đấu. Người nêu rõ: “Có một số cán bộ, chiến sĩ có óc công thần, cho ta đây có thành tích, lâu năm, cho ta là trời, sa xuống cái hố cá nhân chủ nghĩa, suy bì đãi ngộ, quên rằng mọi cán bộ, mọi chiến sĩ quân đội nhân dân phải hết lòng phục vụ, không nên một nửa thì phục vụ, một nửa thì suy bì ghen tỵ”6.

Giáo dục, rèn luyện và tăng cường kỷ luật cho quân đội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi phải thực hiện tốt và kết hợp chặt chẽ các biện pháp “xây” và “chống”. “Xây” và “chống” quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau đều nhằm mục đích làm cho kỷ luật của quân đội ta được thực hiện thật nghiêm minh và với tinh thần tự giác cao; đồng thời góp phần xây dựng con người quân nhân cách mạng, hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Những nội dung trên là những vấn đề rất cơ bản thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật của quân đội cách mạng, quân đội của dân, do dân và vì dân. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đặt ra một cách gắt gao phải xây dựng quân đội ta thực sự vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong điều kiện mới đòi hỏi sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân và sự nỗ lực rất cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đội. Trong điều kiện đó càng cần phải tăng cường kỷ luật, càng cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kỷ luật quân đội làm cơ sở giáo dục, rèn luyện kỷ luật để xây dựng quân đội ta vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó; làm cho quân đội ta thực sự là quân đội của dân, do dân và vì dân, xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước.

                                                                                                  HAT- H1

                       

1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 6. tr.560.

2Sđd, Tập 6, tr.560

3 Sđd, Tập 7, tr.358-359

4 Sđd, Tập 6, tr.108

5 Sđd, Tập 6, tr.108.

6 Sđd, Tập 8, tr.429.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét