Pages - Menu

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG BỘ ĐỘI CỤ HỒ TRONG THỜI ĐẠI MỚI

 

Văn học, nghệ thuật (VHNT) là tấm gương phản chiếu cuộc sống. VHNT cách mạng Việt Nam có thể coi là cuốn đại nhật ký bằng nghệ thuật về nhân dân anh hùng, về Quân đội nhân dân anh hùng.

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ bình dị mà kiên cường, hiền lành mà dũng cảm, khiêm nhường mà tài giỏi, không sợ hy sinh gian khổ, với lý tưởng cao cả “Không có gì quý hơn độc lập tự do”... đã trở thành nguồn sống cho VHNT cách mạng. VHNT cách mạng lớn lên từ sức sống ấy lại trở thành nguồn cổ vũ to lớn, góp phần làm nên những kỳ tích của cách mạng Việt Nam. Ai đã từng hành quân gian khổ mới hiểu sức mạnh tinh thần là như thế nào.

Để có thể bước tiếp, cùng với ý chí chính là tinh thần, chính là sự thôi thúc của VHNT, trong đó có giai điệu Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục). Nhiều chiến sĩ trên đường ra trận, trong ba lô vẫn có cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy (Nikolai A.Ostrovsky) như là bùa hộ mệnh vậy.

Đọc nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chúng ta có thể hình dung sức mạnh của VHNT có ý nghĩa như thế nào với người lính trên chiến trường xưa. Vậy ngày nay, anh Bộ đội Cụ Hồ có còn cần sức mạnh từ VHNT? Và, cuộc sống học tập, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của Bộ đội Cụ Hồ ngày nay có là nguồn cảm hứng cho VHNT phát triển? Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh giải phóng. Có thể nói, VHNT thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước đã rất thành công trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Đó là những con người xuất sắc nhất, đẹp nhất: “Hoan hô anh Giải phóng quân. Kính chào anh, con người đẹp nhất. Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất. Sống hiên ngang, bất khuất trên đời” (Bài ca xuân 68, Tố Hữu).

Những con người đẹp nhất ấy là những con người bình dị, “người lính trường chinh áo mỏng manh”, những con người từ những làng quê nghèo: “Quê hương anh nước mặn, đồng chua. Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Hình ảnh người đồng chí, người lính chân thật không một nét tô vẽ: “Áo anh rách vai. Quần tôi có vài mảnh vá... Chân không giày... Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”... Đôi tri kỷ cùng lý tưởng giải phóng quê hương, đất nước, bởi thế họ mới “Đứng bên nhau chờ giặc tới” rất tự tin, thanh thản, đẹp, tự nhiên nhưng cũng hết sức lãng mạn: “Đầu súng trăng treo” (Đồng chí, Chính Hữu).

Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sống trong lòng dân được ví như cá với nước đã luôn xuất hiện trong VHNT. Hình ảnh gần gũi, thân thương và hết sức sống động của anh Bộ đội Cụ Hồ rất dễ gặp trong các tác phẩm VHNT từ thơ ca, hội họa, âm nhạc.

Dù khắc họa cách này hay cách khác, anh Bộ đội Cụ Hồ cũng hiện lên trong các tác phẩm VHNT hết sức chân thực, đó là hình ảnh đại diện cho một thế hệ Việt Nam anh hùng, bất khuất, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân.

Thông qua những hình ảnh sống động của các tác phẩm nghệ thuật, người ta hình dung được hình tượng tuyệt vời, hình tượng hiên ngang của người có chính nghĩa đại diện cho một dân tộc anh hùng, đại diện cho chân lý, đại diện cho lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình...

Người chiến sĩ giải phóng quân hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất được Lê Anh Xuân khắc họa “Đứng lặng im như bức thành đồng” và đã “Để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Đúng như vậy! Hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ “tạc vào thế kỷ XX" là hình tượng bất diệt sẽ sống mãi cùng lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới!

Loài người tiến bộ sẽ ngày càng nhận thức rõ hình tượng tuyệt vời của anh Bộ đội Cụ Hồ thế kỷ XX là người chiến sĩ của hòa bình tự do và công lý! Từ hình ảnh cụ thể người chiến sĩ hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất, Lê Anh Xuân đã xây dựng hình tượng dáng đứng Việt Nam, để từ dáng đứng ấy “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Điều đó khẳng định nghệ thuật có khả năng khái quát kỳ diệu, hình tượng nghệ thuật có đường đi riêng của nó, được xây dựng từ cái thực, cái cụ thể thành một cái chung, một cái khái quát mạnh mẽ hơn, đẹp hơn và thực hơn cả cái thực đơn lẻ. Vấn đề là làm thế nào để chớp được những khoảnh khắc hiếm có của những nhân vật đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt.

Có ý kiến cho rằng, trong chiến đấu trực diện với kẻ thù xâm lược mới có những khoảnh khắc như vậy! Và trong khoảnh khắc ấy, hoàn cảnh ấy, trái tim người viết mới dâng tràn cảm xúc để sáng tạo nghệ thuật. Quả thực, hình tượng nghệ thuật tự hình thành từ hiện thực khách quan, chứ không thể “xây đắp, tô vẽ”, nhưng hiện thực khách quan cũng không tự trở thành hình tượng nghệ thuật nếu thiếu sự sáng tạo của người sáng tác. Vai trò của các nhà văn, các nhà sáng tạo nghệ thuật là hết sức quan trọng. Họ là thợ săn tài năng có thể “săn bắt” hiện thực khách quan.

Với nhà văn, nhà thơ, nhà sáng tạo nghệ thuật thì nó không chỉ có thế. Người họa sĩ nhìn thấy cái ánh sáng hết sức tinh tế của trăng trong tác phẩm cô gái tắm dưới trăng. Nhà thơ còn có thể hẹn hò cùng trăng: “Việc quân đang bận xin chờ hôm sau” khi “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”! (Hồ Chí Minh). Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ muốn trở thành hình tượng trong VHNT thì chủ thể sáng tạo thuộc về các nhà văn, các nhà sáng tạo nghệ thuật... Còn với bộ đội thời nay, hoạt động sáng tạo trong luyện tập SSCĐ và chiến đấu, chính là hoạt động tạo nên cái hiện thực khách quan sinh động làm tiền đề để xây dựng hình tượng nghệ thuật về anh Bộ đội Cụ Hồ thời hiện đại. Đôi điều suy nghĩ. Từ những phân tích trên chúng tôi cho rằng, để xây dựng hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ thời hiện đại trong tác phẩm VHNT, cần quan tâm đến hai thành phần quan trọng sau:

Thứ nhất, là người sáng tạo VHNT. Đó là những nhà văn, nhà hội họa, nhạc sĩ, đạo diễn, nghệ sĩ... những chủ thể sáng tạo VHNT. Không có họ không có VHNT, không có VHNT thì không có hình tượng nghệ thuật về anh Bộ đội Cụ Hồ!

Với vai trò chủ thể ấy, đội ngũ này cần được quan tâm đặc biệt. Về đào tạo, đành rằng lĩnh vực sáng tạo VHNT không đơn thuần học trong sách vở mà thành được, nhưng không học, không có tri thức, không có sự hiểu biết sâu rộng không thể thành công lớn trong sáng tạo VHNT.

Lĩnh vực sáng tạo cần người có năng lực trời phú, người có “thiên bẩm” đặc biệt được trân trọng, nhưng không vì thế mà đề cao một cách lệch lạc về yếu tố này. Không được đào tạo khó có thể thành công lớn. Nhìn đội ngũ các nhà văn, các nhà hội họa, các nhạc sĩ, đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi một thời, phần lớn họ được đào tạo tại Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Trung Quốc, Cuba...

Hiện công tác đào tạo trong nước cũng đã được chú trọng, các hội cũng mở nhiều trại sáng tác có kết quả tốt... Tuy nhiên, đào tạo tại nước ngoài trong điều kiện mở cửa hội nhập là hết sức cần thiết. Nhà nước nên có chính sách cụ thể về việc này. Cùng với việc đào tạo tại các trường, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, cần tạo môi trường thực tiễn sinh động cho sáng tạo VHNT. Bài học sinh động của những văn nghệ sĩ áo lính ra chiến trường vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay. Nếu không hành quân trên dãy Trường Sơn thì Phạm Tiến Duật khó có Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây hay Tiểu đội xe không kính; Hữu Thỉnh không là lính xe tăng khó có Năm anh em trên một chiếc xe tăng.

Nên chăng có những chiến sĩ cầm bút nơi biên cương, nơi hải đảo bình yên nhưng cũng đầy thách thức hiểm nguy. Nếu có thể có người cầm bút theo các chiến sĩ Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình với những hoạt động mới mẻ khẳng định tầm vóc anh Bộ đội Cụ Hồ thời đại mới. Chỉ có đẫm mình trong thực tiễn sinh động mới có những cảm xúc thực và những thăng hoa nghệ thuật đặc sắc. Thợ săn phải vào rừng. Đánh bắt cá lớn phải ra khơi xa. Điều giản đơn ấy chắc không ai phủ nhận!

Thứ hai là anh Bộ đội Cụ Hồ. Cần nhận diện anh Bộ đội Cụ Hồ thời nay như thế nào? Cái gốc anh bộ đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu có lẽ không có nhiều thay đổi. Nhưng nhân dân Việt Nam ngày nay cũng đã có nhiều điều khác xưa, ít nhất không nghèo như xưa, không có cảnh “Áo anh rách vai. Quần tôi có vài mảnh vá”.

Người mẹ Hà Bắc thương anh bộ đội cũng không phải vá tấm áo cho các anh! Nhưng tình quân dân về bản chất vẫn hết sức sâu nặng, gắn bó, tình đồng chí, đồng đội vẫn "Như năm ngón tay trên một bàn tay”, vấn đề là hoàn cảnh và sự biểu cảm đã khác. Người sáng tạo không thể lặp lại hình ảnh cũ. Nhiều người cho rằng ngày nay, trong hòa bình khó có được những hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ như trong chiến tranh.

Đúng là thế! Nhưng giả sử có cái gì đó giống thế mà sao chép lại cũng không thành nghệ thuật. Nghệ thuật tối kỵ sự nhàm chán, sao chép hời hợt.

Có lẽ phải nhìn nhận anh Bộ đội Cụ Hồ ở tầm kích mới, tư duy mới, nhiệm vụ và vị thế mới. Anh Bộ đội Cụ Hồ hôm nay với nhiệm vụ lớn lao là giữ gìn hòa bình cho đất nước, đồng thời tham gia gìn giữ hòa bình thế giới. Nhiệm vụ giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ cả vùng trời, vùng biển và đất liền trong hoàn cảnh ngày nay cũng hết sức phức tạp.

Không chỉ cần làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại mà còn đủ hiểu biết và sự kiên nhẫn, khôn ngoan để không bị kích động rơi vào bẫy kẻ thù, đồng thời lại đủ nhanh nhẹn, sáng tạo kiên quyết giữ vững chủ quyền đất nước.

Xem vậy, anh Bộ đội Cụ Hồ thời nay phải học tập, rèn luyện phẩm chất, ý chí và năng lực tác chiến đặc biệt cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, nhu cầu chính đáng về đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người cũng có những tác động không nhỏ đến tâm tư và hình ảnh người lính. Quả thật, để xây dựng hình tượng nghệ thuật Bộ đội Cụ Hồ cho xứng tầm trong thời nay thật không dễ. Có thể phải trông chờ những người cầm bút tình nguyện sống rèn luyện SSCĐ và chiến đấu như người lính thực thụ để hiểu sâu sắc hơn về người lính Cụ Hồ hôm nay./.

NTH-H4

                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét