Pages - Menu

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

CẦN CẢNH GIÁC CAO TRƯỚC ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG CÁC VỤ ÁN ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

  

Thời gian qua, khi các vụ án xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, đang được các cơ quan chức năng tích cực mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật thì các thế lực thù địch, phản động lại triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.

Một số trang mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn lợi dụng các vụ án tung ra những luận điệu bôi xấu chế độ. Nhiều bài viết vu cáo Việt Nam chống tham nhũng bằng cách hô hào khẩu hiệu, đổ lỗi việc để xảy ra những vụ án như vậy là do chế độ, Đảng, Nhà nước. RFA viết rằng, “Vụ Việt Á, mọi việc trở nên tồi tệ”. Chúng còn hạ thấp vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của các cơ quan tiến hành tố tụng hay vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, các phần tử cơ hội chính trị đã xuyên tạc bản chất vụ việc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. RFA cho rằng, việc bắt bà Phương Hằng theo Điều 331 là “không hợp lý”. Việt Tân thì vu cáo “Công an sử dụng Điều 331 để khởi tố bà Phương Hằng là sai trái”; “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”. Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, về tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại điều 211 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng tán phát ngay thông tin “ngân sách cạn kiệt nên mới bắt giữ ông Quyết nhằm tịch thu tài sản nuôi bộ máy”; “ông Quyết là mắt xích trọng yếu, sân sau của một phe cánh đang thất thế nên bị thanh trừng”. Họ còn cho rằng, ông Quyết bị xử lý 2 lần cho một hành vi phạm tội, bị “Bộ Công an ép tới đường cùng”… Các đối tượng tung ra nhiều bài viết xuyên tạc liên quan đến vụ Công ty Việt Á. Chúng cho rằng một thứ trưởng của Bộ Công an được nhận chức mới là do có công trong vụ Việt Á; rằng “vụ Việt Á được thâu về Ban chỉ đạo Trung ương quản lý, tức là tạm thời đưa về đó để dàn xếp, hoạch định lại việc sắp xếp ghế cho hài hoà”, từ đó chúng xuyên tạc về công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước. 

Với những thông tin sai lệch, suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hòng bóp méo chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Từ đó gây tâm lý hoài nghi, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.

Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với phương châm “Sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, không dung túng. Các vụ án liên quan đến tham nhũng đều do sự tha hóa quyền lực và lòng tham của cá nhân. Do đó, không thể đổ lỗi là do chế độ, Đảng, Nhà nước ta. Theo đánh giá mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không vì chống dịch mà chùng xuống. Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của các vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Cần thấy rằng, trong quá trình xây dựng, phát triển, cùng những thành tựu, kết quả đạt được thì ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào cũng còn những tồn tại, khuyết điểm. Để sự phát triển được vững mạnh, củng cố niềm tin trong nhân dân, Đảng ta luôn xác định phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, cùng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, kết luận số 21-KLTW ngày 25/10/2021 của BCHTW Đảng (Khoá XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chỉ rõ: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật; trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”.

Đối với lực lượng vũ trang, việc xử lý những cá nhân sai phạm cả về mặt kỷ luật hành chính và xử lý hình sự như vừa qua là thể hiện việc thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, XIII của Đảng cũng như thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Việc xử lý kỷ luật cũng như điều tra, truy tố, xét xử hình sự đối với các cá nhân sai phạm thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, theo nguyên tắc “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ. Cơ quan bảo vệ pháp luật càng phải chấp hành nghiêm pháp luật. Điều này thể hiện tinh thần của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay “xử một vài người để cứu muôn người”. Ở đây là xử lý người phạm pháp, vừa là việc áp dụng theo đúng quy định pháp luật, vừa là biện pháp để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, vì sự ổn định và phát triển, làm trong sạch lực lượng.

Điều quan trọng là từ những vụ việc đã xảy ra, chúng ta cần có quan điểm thấu đáo, từ đó đúc rút bài học cho chính mình, cho đồng chí, đồng đội. Với mỗi vụ án, vụ việc xảy ra là sự thức tỉnh, là bài học để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong luực lượng vũ trang tiếp tục phấn đấu rèn luyện, tuân thủ pháp luật, tận hiến công tác; khẳng định niềm tin vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm sai phạm, chấp nhận những tổn thất nhất định để giữ vững kỷ cương, phép nước, vì lợi ích chung. Đồng thời, phải nhìn nhận theo tinh thần xây dựng, một cách nhìn toàn diện vì công cuộc, sự nghiệp chung. Ở đây là sai phạm của cá nhân, trong một vụ án cụ thể, do đó phải nhìn nhận trong phạm vi vụ án và với chính cá nhân, hành vi đó. Không vì sai phạm của một cá nhân, một vụ việc mà đánh đồng, suy diễn ra vấn đề chung của lực lượng. Việc suy diễn, quy kết từ vụ việc cụ thể của các cá nhân thành vấn đề của ngành, của lực lượng rồi tìm cách bôi nhọ, miệt thị, thậm chí phủ nhận sạch trơn vai trò, vị trí, thành quả của lực lượng CAND và QĐND rõ ràng mang động cơ xấu, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá lực lượng vũ trang. Với tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như âm mưu của kẻ địch lợi dụng các vụ án để chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải luôn nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không để bị lôi kéo, kích động./.

 

NTP-H8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét