Pages - Menu

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

CẢNH GIÁC VỚI VIỆC LỢI DỤNG CHIẾN SỰ GIỮA NGA VÀ UKRAINE ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM

  

Trên trang Bureau CTM Media – Âu Châu, Thảo Ngọc đã đăng bài “Cần dạy cho người Nga bài học về đường lối ngoại giao cây tre?”. Toàn bộ nội dung bài viết cho thấy những vấn đề mà Thảo Ngọc đưa ra chính là sự lợi dụng các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian qua để xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, hướng lái dư luận hiểu sai về quan điểm đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc, độc đáo và mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Bởi vì.

Thứ nhất, Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Thực hiện đường lối ngoại giao cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945; với những nội dung cơ bản bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và được Người phát triển lên tầm cao mới; đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, Việt Nam luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại.

Ngày 14/12/2021, trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát và nhận định: “Chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là trường phái riêng”. Tổng Bí thư đã ví ngoại giao Việt Nam là “ngoại giao cây tre”. Nội hàm của trường phái “ngoại giao cây tre” Việt Nam mà Tổng Bí thư nói đến là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt. Linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”. Không như những gì mà Thảo Ngọc xuyên tạc cho rằng, đường lối đối ngoại của Việt Nam là “gió chiều nào nghiêng theo chiều đó”.

Thứ hai, trong thực hiện đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Nội dung mà Thảo Ngọc viết: “Tuy rằng về chính thức, Việt Nam không đứng về phe nào. Nhưng lại cho báo chí và bọn bò đỏ … thường xuyên bênh vực Nga và vu khống cho tổng thống Zelensky, người được người dân Ukraine bầu lên, là … tân phát xít, cần phải tiêu diệt”, đó là những luận điệu vu khống và bịa đặt. Thực tiễn cho thấy, trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ. Việt Nam đã thực sự là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong các mối quan hệ, Việt Nam đều thể hiện sự chân thành, bảo đảm sự hài hòa lợi ích của các bên.

Vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phát biểu tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây là minh chứng rõ ràng, thể hiện rõ lập trường, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực hiện đường lối ngoại giao cũng như nhìn nhận và đánh giá về vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine. Vì vậy, những luận điệu lợi dụng tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine thời gian qua của Thảo Ngọc để vu khống và chống phá đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam cần được lên án mạnh mẽ và kiên quyết loại bỏ./.

                                                                                                                 NNĐ-KBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét