Báo chí cách mạng là tiếng
nói của Đảng, của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, là diễn đàn rộng
rãi của nhân dân. Trong suốt 96 năm đồng hành và phục vụ sự nghiệp cách mạng
của Đảng, của dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp quan
trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa.
Với phương châm lấy
“xây” để “chống”, báo chí cách mạng Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia
truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vai trò của báo chí
trong tuyên truyền, phổ biến đưa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống được thể hiện rõ
nét. Báo chí là lực lượng chủ công tuyên truyền làm nổi bật, khẳng định những
thành tựu của cách mạng; tính ưu việt của chế độ; sự đúng đắn của con đường
xây dựng Xã hội Chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn. Báo chí
đắm mình vào phong trào hành động cách mạng của toàn dân, tuyên truyền sâu
rộng những tấm gương người tốt-việc tốt; nghĩa cử cao đẹp; điển hình tiêu
biểu; cách làm sáng tạo... góp phần xây dựng chế độ, nền văn hóa và con người
mới. Qua đó, báo chí gián tiếp góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống “diễn biến
hòa bình”.
Báo chí cách mạng tham
gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
lên án những hành vi coi thường kỷ cương, phép nước; bài trừ tệ nạn xã hội...
Qua đó, báo chí không những góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”, mà còn góp phần củng cố niềm tin, giữ vững ổn định chính trị, trật tự,
an toàn xã hội.
Trong đấu tranh phòng, chống
“diễn biến hòa bình”, một mặt báo chí cách mạng tập trung tuyên truyền để
cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá
ngày càng thâm hiểm, tinh vi của các thế lực thù địch, từ đó nâng cao bản
lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tránh mắc mưu và tích cực
tham gia đấu tranh góp phần làm thất bại những luận điệu, chiêu trò chống
phá của các thế lực thù địch.
Mặt khác, báo chí cách mạng
đi trước, đón đầu khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả trong các chủ
trương, nghị quyết của Đảng, ngăn chặn từ xa những luận điệu xuyên tạc.
Thông qua các chuyên trang, chuyên mục báo chí đăng tải nhiều bài viết,
chương trình phát sóng mang nội dung chuyên biệt góp phần đấu tranh, phản
bác mạnh mẽ và làm thất bại các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, âm
mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đặc biệt bằng sự
tương tác đa chiều với bạn đọc, báo chí cách mạng tạo diễn đàn huy động, tập
hợp tiếng nói của đông đảo quần chúng tham gia đấu tranh phản bác những quan
điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch góp phần định hướng dư luận,
xây dựng niềm tin trong nhân dân.
Mỗi năm, báo chí cách mạng
thực hiện hàng chục nghìn tác phẩm đăng tải, phát sóng trên các chuyên mục
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống diễn biến hòa
bình”. Hầu hết tác phẩm được thực hiện công phu, lập luận chặt chẽ, có luận
cứ, luận điểm sắc bén bảo vệ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê
nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự đúng đắn, sáng tạo trong quan điểm, đường lối,
chủ trương của Đảng; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái góp phần
đáng kể vào cuộc đấu tranh ngăn chặn sự phá hoại về tư tưởng nhằm thực hiện
“diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.
Đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống
“diễn biến hòa bình” là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp. Các thế lực thù địch thường
lợi dụng những sơ hở, sai sót của báo chí cách mạng để xuyên tạc, chống phá Đảng
và Nhà nước ta, do đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải luôn đề cao tính thận
trọng. Nói vấn đề gì, viết vấn đề gì; nói, viết vào thời điểm nào; ai viết, ai
nói; viết, nói như thế nào... luôn là những yếu tố mà báo chí phải cân nhắc.
Trong đấu tranh, báo chí
cách mạng phải tăng cường khả năng “bút chiến”, độ sắc sảo, sức thuyết phục,
kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn; tránh tình trạng “nói lấy được”;
nặng về lý luận; “bắn chỉ thiên” chung chung... Trước mỗi luận điểm, vấn đề,
các nhà báo cần cố gắng tìm tòi, khai thác để có thông tin chứng minh, làm rõ
vấn đề một cách thuyết phục. Sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ
quan nghiên cứu, nhất là nghiên cứu chiến lược cần chặt chẽ, hiệu quả
hơn. Những nhận định đánh giá, dự báo tình hình, phát hiện sớm những âm
mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch do các cơ quan nghiên cứu
cung cấp giúp báo chí rất nhiều trên mặt trận này.
Đấu tranh phản bác những
quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; phòng, chống “diễn biến hòa bình”;
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp,
đòi hỏi chúng ta phải chủ động, quyết liệt, kiên trì và bền bỉ. Trong cuộc
chiến này, các nhà báo và từng cơ quan báo chí không thể hoạt động tự thân,
đơn thương độc mã. Chỉ có phát huy sức mạnh tổng hợp của cả “binh chủng”
báo chí, truyền thông; của các tổ chức, các lực lượng; các cấp, các ngành,
chúng ta mới đủ khả năng đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt
động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; phòng ngừa, đẩy lui những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
NMĐ-H8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét