Các thông tin xấu độc nhằm vào quân đội trên internet và mạng
xã hội được thể hiện dưới dạng chữ viết và hình ảnh. Trong đó đáng chú ý, các
thông tin được các đối tượng “lựa chọn, tạo dựng” là những thông tin, hình ảnh
về quân nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, như: hình ảnh chiến sĩ cũ bắt nạt chiến
sĩ mới; cán bộ, sĩ quan uống rượu, bia say; bộ đội xô xát với nhân dân; quân
nhân vi phạm luật giao thông… Trong số đó, có không ít vụ việc, thông tin đã
cũ, đã được xử lý nhưng lại được “làm mới” và tô vẽ, nhào nặn, bóp méo, nhằm
bôi nhọ, xuyên tạc hình ảnh và phẩm chất truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Nguy hiểm hơn, các thông tin bịa đặt, xuyên tạc đó được chúng tán phát vào các
thời điểm khá “nhạy cảm” như: trước mùa tuyển quân, giao nhận quân, hoặc trước
các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của quân đội,… để tạo sự chú ý của
dư luận. Cùng với tính chất lan truyền nhanh, rộng của internet và mạng xã hội,
nhất là với người sử dụng còn thiếu kiến thức, không phân biệt được thông tin tốt
– xấu, làm cho các thông tin xuyên tạc, bịa đặt đó càng được phát tán rộng khắp.
Điều này đã gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, gieo rắc sự hoài nghi,
hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối
với quân đội; ảnh hưởng đến quan hệ đoàn kết quân dân; đến ý thức, trách nhiệm
của người dân nói chung, của thanh niên nói riêng trong thực hiện nghĩa vụ xây
dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là thủ đoạn rất nguy hiểm mà các
thế lực thù địch sử dụng nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi
chính trị hóa” quân đội.
Để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất những thông tin xấu
độc nói chung, thông tin xấu độc nhằm vào quân đội nói riêng hiện nay, đòi hỏi
sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương,
của mỗi cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị
trong quân đội cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị,
quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo
vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân đội, nhất là Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày
15-7- 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và
thông tin trên mạng; Thông tư số 110/2014/TT-BQP ngày 22-6-2014 của Bộ Quốc
phòng ban hành Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet trong Quân
đội nhân dân Việt Nam. Qua đó, góp phần ngăn chặn, hạn chế các thông tin xấu độc
nhằm vào quân đội trên internet và các mạng xã hội.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục,
làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tác hại của các thông tin xấu độc nhằm
vào quân đội và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng internet và
mạng xã hội để tán phát các thông tin xấu độc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
và bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa
Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà
nước, chức năng, nhiệm vụ quân đội; làm cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng
về tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
sự lựa chọn con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Bác Hồ và nhân dân
ta là phù hợp với quy luật lịch sử và thực tiễn Việt Nam. Trên cơ sở đó, mỗi
cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, giữ vững bản chất giai
cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; xác định tốt nhiệm vụ,
chức trách, không dao động trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt.
Xây dựng cho bộ đội về văn hóa sử dụng internet và mạng xã hội
phục vụ có hiệu quả cho công việc; không để bị lôi cuốn vào việc truy cập, bình
luận, tán phát và chia sẻ các thông tin xấu độc. Chấp hành nghiêm túc, đầy đủ
các quy định của quân đội trong việc tạo lập và sử dụng các thông tin, hình ảnh
với tư cách quân nhân trong các giao dịch trên internet và các trang mạng xã hội.
Không để lộ, lọt các thông tin, hình ảnh liên quan đến hoạt động của đơn vị và
cá nhân để các thế lực thù địch có thể lợi dụng, xuyên tạc.
Ba là, làm tốt công tác quản lý kỷ luật, xây dựng nền nếp
chính quy, môi trường văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị. Thực hiện có nền nếp
chế độ kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm kỷ luật, không để
tồn đọng kéo dài. Giải quyết có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với quân
nhân và chính sách hậu phương quân đội, không để các phần tử xấu lợi dụng xuyên
tạc, kích động. Chủ động phát hiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức
năng, tiến hành các biện pháp xử lý hiệu quả thông tin xấu độc nhằm vào quân đội
trên internet và các trang mạng xã hội. Kịp thời thông tin định hướng tư tưởng
cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trước các thông tin xấu độc đó.
Bốn là, phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng, tăng cường
đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt với dụng ý xấu nhằm chống
phá cách mạng Việt Nam và quân đội của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh tuyên
truyền làm cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ bản chất, truyền
thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông qua các hoạt động huấn luyện,
sẵn sàng chiến đấu và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là chức năng đội quân
công tác của quân đội để tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong
lòng nhân dân, góp phần quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân có thể
“miễn dịch” trước các thông tin xấu độc nhằm vào quân đội.
Để ngăn chặn các thông tin xấu độc nhằm vào Quân đội thì cần
thực hiện đồng bộ các giải pháp trên và cần nâng cao bản lĩnh, nhận định chính
trị đúng đắn, không để kẻ xấu lợi dụng, bịa đặt trên các lĩnh vực của Quân đội
nhân dân.
Nguyễn Tuấn – KNNTV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét