Pages - Menu

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

QUAN ĐIỂM TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CƯƠNG LĨNH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG

 

Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, xác định cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ là chống đế quốc và chống phong kiến, hai nhiệm vụ này có mối quan hệ khăng khít, nhưng Người khẳng định phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc là nhiệm vụ hàng đầu. Chính điều đó đòi hỏi phải đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, tầng lớp yêu nước, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, không bỏ sót một hạng người nào, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chống đế quốc và phong kiến phản động, tay sai.

Việc kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm dân tộc và quan điểm giai cấp trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trên lập trường vô sản đã định hướng cho cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng dân tộc dân chủ lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ giải phóng dân tộc giữ vị trí hàng đầu. Nhiệm vụ dân chủ được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với mục tiêu giải phóng dân tộc. Và như thế, cách mạng ở Việt Nam không “chỉ lo đến việc phản đế, mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh”

Trong thời gian trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ 1941 – 1945, tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam được hiện thực hóa, mọi lực lượng của cách mạng (lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang…) đã được huy động nhằm mục tiêu trước hết là chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Với lực lượng toàn dân to lớn đó, một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân chưa từng có trong lịch sử đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Và như thế, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chứng tỏ đường lối cứu nước của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, những nhiệm vụ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được đặt ra hoàn toàn phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể của Việt Nam.

Vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa cách mạng dân tộc và cách mạng dân chủ trong Cương lĩnh đầu tiên đã tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam (Đại hội II – 1951) đã động viên được toàn dân đẩy mạnh kháng chiến, đưa đến chiến thắng ở Điện Biên Phủ lịch sử, đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên thế giới, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ phi thực dân hóa.

Những tư tưởng nhất quán về con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong Cương lĩnh đầu tiên một lần nữa lại được thể hiện trong “Hội nghị Diên Hồng thời đại mới” (Hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964) với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, khẳng định sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc. Và tiếp đến, một chân lý của thời đại, ước vọng mong muốn của mọi dân tộc trên thế giới, khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam được Người khẳng định trong “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược năm 1966: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây là lời hiệu triệu của non sông và cũng chính là một sự khẳng định đanh thép mục tiêu, nhiệm vụ của con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn. Chính đó là động lực thúc đẩy cho toàn dân, toàn quân ta quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thực hiện những hành động cách mạng kiên quyết nhất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khẳng định, sự vận động tất yếu của cuộc đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc đã dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam “thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh với phong trào yêu nước và phong trào công nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cùng với Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã tạo nên cơ sở vững chắc về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự phát triển cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do của dân tộc Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối và ngọn cờ lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng cũng đánh dấu quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành đường lối cách mạng và đi vào thực tiễn, được bổ sung và phát triển cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng của dân tộc và đã trở thành nhân tố hàng đầu đưa đến những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của toàn dân tộc ta./.

H2 – Nguyễn Bá Luyện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét