Những ngày này, bầu trời Quảng Trị dường như cao xanh
hơn, trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây đều rạng ngời hạnh phúc, ngập tràn niềm
vui về thành quả đạt được của quê hương sau 50 năm giải phóng. Quảng Trị, “vùng
đất lửa”, vùng quê cách mạng ngày nào chất chứa đau thương bởi sự chia cắt hai
miền, chìm trong khói lửa chiến tranh, giờ đây đang khởi sắc từng ngày.
Cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
ngập tràn sắc đỏ của cờ Tổ quốc cùng những băng rôn, khẩu hiệu; từng dòng người
nối bước nhau về thăm vùng đất giàu truyền thống cách mạng và tham gia các hoạt
động nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1-5-1972/1-5-2022). Trên
các trục đường tấp nập những đoàn xe chở các cựu chiến binh trở lại thăm chiến
trường xưa và du khách về thăm mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Dưới ánh nắng ban
mai, những dãy nhà cao tầng soi bóng xuống dòng Bến Hải cùng những cánh đồng
lúa vàng trĩu bông trải dài bừng lên sức sống mới.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị trở thành
tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là nơi đối đầu ác liệt
của cuộc chiến tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Theo số liệu thống kê trong
những năm chiến tranh, trung bình mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu hơn 7
tấn bom đạn, chiến tranh kết thúc, có những cao điểm trở thành bãi hoang xơ
xác, thế mà giờ đây ngút ngàn màu xanh của các loại cây công nghiệp như hồ
tiêu, cao su... Và ngày nay, những địa danh dốc Miếu - Cồn Tiên, địa đạo Vĩnh Mốc,
Thành cổ Quảng Trị... trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn. Người dân nơi
đây không chỉ phát triển kinh tế bằng nuôi trồng các giống cây, con cho thu nhập
cao mà nguồn lợi từ kinh doanh du lịch đã trở thành nguồn thu chính đối với nhiều
gia đình.
Cùng đoàn công tác do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn
đầu, theo tuyến đường ven biển về huyện Triệu Phong dự lễ khởi công dự án đường
ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi chứng kiến
sức sống mới nơi đây. Trên những triền cát nham nhở hố bom đạn ngày nào giờ đây
san sát những vuông tôm, khu nuôi trồng thủy sản của bà con. Xen kẽ khu rừng
phòng hộ là những ngôi làng san sát nhà cao tầng và vườn cây ăn quả. Trên cảng
cá xã Triệu An, từng đoàn tàu công suất lớn nhộn nhịp vào ra. Những khoang tàu
ăm ắp cá tôm, trên gương mặt rám nắng của ngư dân rạng rỡ niềm vui về thành quả
sau chuyến đi biển trở về.
Về các xã Hải Lệ, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong… những
năm trước đây bà con thường bị thiếu đói do phụ thuộc vào nông nghiệp, rồi ảnh
hưởng bởi mưa bão, lụt lội. Vậy nhưng, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ
thống kênh mương được bê tông hóa, bà con đã chuyển đổi cây trồng vật nuôi và tạo
nên bộ mặt mới, tràn đầy sức sống. Theo ông Lê Cảnh Tương, Bí thư Đảng ủy xã
Triệu Thành, nhờ phát huy truyền thống quê hương cách mạng với đức tính chịu
thương, chịu khó nên cuộc sống bà con nhân dân không ngừng đi lên. Đặc biệt nhờ
chuyển đổi ngành nghề sang các lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bà
con không phụ thuộc vào nông nghiệp nên đã có sự đổi thay mạnh mẽ.
Ngược tuyến Quốc lộ 9, chúng tôi đến với vùng đất Khe
Sanh, huyện Hướng Hóa, nơi đây những năm tháng chống Mỹ, cứu nước là tọa độ lửa,
điểm giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Không còn cảnh tiêu điều, xơ xác như
trước đây, bây giờ trên vùng quê cách mạng Khe Sanh đã trở thành trung tâm phát
triển kinh tế - xã hội của các huyện vùng cao tỉnh Quảng Trị. Những triền đồi
trước đây nham nhở vết cày xới của bom đạn kẻ thù, giờ đây ngút ngàn màu xanh
các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su, cà phê… Cùng với đó, là dự án điện
gió và các công trình kinh tế - xã hội mới đưa vào khai thác khiến “vùng đất chết”
ngày nào trở nên hết sức năng động, phát triển.
Được biết, trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng, tỉnh
Quảng Trị đã cắt băng khánh thành nhiều công trình và khởi công nhiều dự án trọng
điểm. Nổi bật như: Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu được đầu tư 500 tỉ đồng;
công trình Trường THCS Triệu Thành, huyện Triệu Phong; khởi động dự án khu công
nghiệp Quảng Trị - VSIP… Sau 50 năm Ngày quê hương giải phóng, trên tinh thần
phát huy mọi tiềm năng, nội lực, Đảng bộ, chính quyền và mọi người dân, Quảng
Trị đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng rất
đáng tự hào. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình
quân đạt 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; quy mô nền kinh tế
tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách
địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn
chung do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của
tỉnh Quảng Trị đạt 6,5%, xếp thứ 3 trong 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và
Duyên hải miền Trung và thứ 18 trong cả nước. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới,
phát triển, quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội luôn
đảm bảo; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận trong xã hội
thường xuyên được củng cố.
Đúng như lời đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định trong diễn văn trình
bày tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị: “50 năm sau ngày giải
phóng, mảnh đất Quảng Trị hôm nay rộn rã niềm vui. Người dân nơi “vùng đất lửa”
Quảng Trị dường như đang cảm nhận một cách trọn vẹn sắc đỏ của màu cờ chiến thắng
đang rực lên từ mọi nẻo đường đất nước và từ chính trong thẳm sâu trái tim
mình. Trong âm vang của bản hùng ca chiến thắng, mỗi người con Quảng Trị tự nhắc
nhở mình phải nỗ lực phát triển kinh tế, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp,
văn minh”./.
NTH-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét