Ở Việt Nam, sự lựa chọn con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn khách quan, khoa học, vừa là “ý Đảng” vừa
là “lòng dân”, phù hợp với thực tế đất nước và xu thế của thời đại. Sự đúng đắn
của Đảng ta trong lựa chọn con đường phát triển của đất nước đã góp phần quan
trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Song, với các thế lực thù địch,
cơ hội chính trị lại coi chủ nghĩa xã hội là nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chủ
nghĩa tư bản. Họ tập trung công kích, bài xích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin,
cho rằng đó chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ
thực hiện được; rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể
có chủ nghĩa xã hội! Chủ nghĩa xã hội là học thuyết “lạc đường”, đi ngược lại sự
phát triển của nhân loại!, v.v. Tuy nhiên, con đường phát triển đi lên chủ
nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là khát vọng và tương
lai của xã hội loài người, của dân tộc ta, bởi đó là quy luật tiến hóa của lịch
sử; việc lựa chọn con đường phát triển đất nước của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn,
khoa học.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự kế
thừa có chọn lọc tư tưởng tiến bộ nhân loại về sự phát triển của tự nhiên và xã
hội loài người; sự tổng kết thực tiễn phong trào công nhân; nó chỉ rõ quy luật
phát triển của xã hội loài người; vạch ra con đường, biện pháp đập tan sự thống
trị của giai cấp tư sản; chỉ đường cho giai cấp vô sản đấu tranh tự giải phóng
mình, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp - xã hội xã hội chủ nghĩa; trở thành
kim chỉ nam chỉ đạo nhận thức và hành động của các đảng cộng sản, phong trào
công nhân quốc tế.
Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, sự
phát triển của xã hội loài người là sự phát triển có quy luật, quá trình lịch sử
- tự nhiên, sự thay thế, tiếp nối các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp tới
cao, mà nguyên nhân sâu xa quy định tiến trình phát triển ấy là mối quan hệ biện
chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, mà đỉnh điểm của nó là mâu
thuẫn nội tại không thể điều hòa giữa hai nhân tố này, dẫn đến cuộc cách mạng
xã hội thay thế hình thái kinh tế - xã hội cũ bằng hình thái kinh tế - xã hội mới
cao hơn. Theo đó, sự vận động, phát triển tất yếu từ chủ nghĩa tư bản lên chủ
nghĩa xã hội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đây là quy luật khách quan trong
quá trình tiến hóa của xã hội loài người mà Mác và các cộng sự của ông đã phát
kiến ra, chứ không phải là sự áp đặt chủ quan, phiến diện, một chiều. Cùng với
quá trình đó, nhà nước phục vụ cho giai cấp thống trị trong chế độ tư bản chủ
nghĩa được thay thế bằng nhà nước chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân,
quản lý xã hội và phục vụ cho quyền lợi của mọi công dân theo mục tiêu tốt đẹp
của chủ nghĩa xã hội; con người được giải phóng một cách toàn diện, thủ tiêu mọi
áp bức bóc lột.
Mặc dù đang trong giai đoạn hết
sức khó khăn, song, chủ nghĩa xã hội vẫn là khát vọng, lý tưởng, mục tiêu tốt đẹp
mà loài người đang hướng tới. Bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội đã được thực
tiễn kiểm nghiệm là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với thực hiện
công bằng, an sinh, bình đẳng xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không
có người bóc lột người, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được thụ hưởng thành
tựu của quá trình xây dựng, phát triển.
Hiện nay, do tự điều chỉnh chủ
nghĩa tư bản có sự phát triển nhất định, được các thế lực thù địch khuyếch
trương, ra sức ca ngợi chế độ này là văn minh, “đỉnh cao” của xã hội loài người;
giai cấp tư sản là giai cấp trung tâm của thời đại, có vai trò lịch sử trong tiến
trình phát triển của nhân loại! Một số người nhìn vào điều kiện vật chất, trình
độ phát triển của các nước tư bản nhờ thành tựu của cuộc cách mạng khoa học -
công nghệ và hàng chục năm hòa bình xây dựng, không bị tàn phá bởi chiến tranh
mà đã vội vàng công kích chủ nghĩa xã hội, tung hô chủ nghĩa tư bản! Bề nổi thì
vậy, song, xét về bản chất, thuộc tính cố hữu của chủ nghĩa tư bản là: bóc lột
giá trị thặng dư, lợi nhuận, bất bình đẳng, phân biệt giàu nghèo, chiến tranh,…
là những thứ cần kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ.
Bên cạnh đó, sự tồn tại, phát
triển mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước có xu hướng, nguyện vọng
phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa là thực tiễn sinh động minh chứng chủ
nghĩa xã hội sẽ là tương lai của nhân loại. Với Trung Quốc, nhờ vận dụng sáng tạo
chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng của các nhà lãnh đạo tiền bối, kiên trì và phát
triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, với mục tiêu xây dựng thành công cường
quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi
đẹp; lấy nhân dân làm trung tâm, “coi mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn của
nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đưa sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đạt những thành tựu to lớn,
trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Đối với Cuba, luôn là tâm điểm
chống phá, bao vây, cấm vận hết sức khốc liệt của các thế lực thù địch, đời sống
kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Song, với bản lĩnh của những người chiến
sĩ cộng sản và một tinh thần, quyết tâm đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, nhân dân Cuba đã đứng lên làm cuộc cách mạng,
thực hiện công cuộc đổi mới, thực thi chính sách đối ngoại năng động để phát
triển kinh tế, xây dựng đất nước nhằm “thỏa mãn nhu cầu, ngày càng nâng cao về
vật chất và tinh thần của nhân dân lao động”, nhất là về giáo dục và y tế. Theo
đó, Cuba luôn dành ưu tiên cho chính sách an sinh xã hội thông qua việc phát
triển các ngành y tế, giáo dục, thể thao, trở thành điểm sáng trong khu vực và
trên thế giới. Trên con đường phát triển theo định hướng đã lựa chọn còn nhiều
khó khăn phía trước, nhất là sự công kích, chống phá của các thế lực thù địch,
nhưng đặc trưng ưu việt của chủ nghĩa xã hội đã và đang hiện hữu trên hòn đảo tự
do, tươi đẹp. Điều đó cho thấy, sức sống của chủ nghĩa xã hội mãi mãi trường tồn
cùng thời gian, không có thế lực nào có thể ngăn cản được./.
NMH-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét