Trong cuộc đấu
tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch thì việc nhận diện các loại quan
điểm xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đặc biệt
quan trọng. Qua nghiên cứu có thể thấy các loại quan điểm chống phá sự lãnh đạo
của Đảng hiện nay gồm: Loại tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; loại xuyên
tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; loại xuyên tạc lịch sử
Đảng; loại bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; loại lợi dụng những
hạn chế, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc bản chất Đảng; loại ca ngợi chủ
nghĩa tư bản để phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa
xã hội… Trong đó, loại quan điểm xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của
Đảng rất đa dạng, vừa hằn học trắng trợn vừa giả dối thâm hiểm, tập trung ở những
vấn đề chính sau:
Thứ nhất, đòi
thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam
Cùng với nhiều
văn kiện khác của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt
Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của
nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là đại biểu trung thành lợi ích của
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc... Đảng Cộng sản Việt Nam
là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[1]. Nhằm xuyên tạc, phủ nhận điều
được khẳng định trên trong Cương lĩnh, các thế lực thù địch tập trung tung ra
nhiều luận điệu đòi thực hiện đa đảng đối lập. Chúng phê phán Đảng Cộng sản Việt
Nam không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị,
giữ độc quyền lãnh đạo”; rằng ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không
bao giờ có dân chủ”. Các thế lực thù địch cho rằng, chế độ và thể chế chính trị
một đảng duy nhất cầm quyền là mảnh đất tốt cho sự nảy sinh, dung dưỡng và phát
triển tư tưởng, hành vi chuyên quyền, độc đoán, từ đó dẫn đến sự lộng hành quyền
lực của bản thân đảng cầm quyền, gây mất dân chủ, làm rối loạn chính trị, bế tắc
kinh tế, cản trở quá trình phát triển xã hội. Chúng quy kết “Độc tài, Đảng trị
là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại” và “khuyên” “Đảng chỉ
nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện
và tuyệt đối”. Các thế lực thù địch đòi Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ
Điều 4, hiến định về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước,
lãnh đạo toàn xã hội.
Không chỉ dừng
lại với những luận điệu trên, họ còn thống kê, thổi phồng những hạn chế, thiếu
sót cả về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá
khứ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quản lý xã hội để minh chứng cho sự cần
thiết “chấm dứt vai trò lịch sử của Đảng”. Chúng ra sức khai thác, lợi dụng những
thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham
nhũng, tha hoá, kích động nhằm tạo sự phân hoá sâu sắc trong Đảng, làm suy yếu
sức mạnh đoàn kết trong Đảng và giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Chúng hô
hào, khuyên khích đổi mới “triệt để”, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập. Trắng trợn hơn, chúng đã ra sức xây dựng, nhen nhóm các tổ chức đảng đối lập
phản động như cái gọi là “Đảng Việt Tân”, “Đảng Dân chủ”, “Đảng Dân chủ xã hội”...
Thứ hai, phủ
nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đòi Việt Nam từ bỏ mục tiêu
chủ nghĩa xã hội
Trong cuộc đấu
tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, vấn đề con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng ta xác định trong Cương
lĩnh, đường lối luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất mà các thế lực
thù địch tập trung công kích với những luận điệu ngang trái, giả dối và hằn học.
Chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, nên Việt Nam
kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là “đi theo vết xe đổ của
Liên Xô”. Chúng lập luận thế giới đương đại là thế giới toàn cầu hoá và hội nhập
quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nên
Việt Nam không thể giữ mãi định hướng xã hội chủ nghĩa; Việt Nam lựa chọn đi
lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản là ngược, là trái với quy luật tự nhiên;
không nên đi lên chủ nghĩa xã hội... Chúng tỏ ra “nuối tiếc”: giá như Việt Nam
không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà đi theo con đường tư bản chủ nghĩa
thì đất nước không phải lâm vào mấy chục năm chiến tranh tàn khốc “nồi da xáo
thịt” và kinh tế sẽ phát triển hơn. Do đó, chúng “khuyên” Việt Nam hãy từ bỏ
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa cũng
chưa muộn. Các thế lực thù địch thẳng thừng đòi “Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác
và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa
xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi
thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn
hoà”[2].
Phủ nhận con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và khuyên Việt Nam từ bỏ mục tiêu chủ
nghĩa xã hội, họ lập luận rằng những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mặc
dù có những hạn chế nhất định nhưng tốc độ phát triển kinh tế nhanh, những vấn
đề xã hội, môi trường thường được giải quyết tốt hơn các nước đi theo chủ nghĩa
xã hội. Còn các nước đi theo chủ nghĩa xã hội thường xảy ra tình trạng tham
nhũng, quan liêu, độc đoán và chính tình trạng này đã cản trở xã hội phát triển
lành mạnh. Chúng thường đồng nhất những yếu kém, hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện
thực, hay những sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản để minh chứng Việt
Nam phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, xuyên
tạc, phản bác thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thể chế kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một trong những vấn đề
rất quan trọng để định hướng sự phát triển kinh tế hiện nay ở Việt Nam và được
khẳng định trong Cương lĩnh, đường lối phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Tuy nhiên, các quan điểm sai trái, thù địch lại lập luận kinh tế thị trường
không thể đi cùng định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng cho rằng thể chế kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta nêu
ra và thực hiện là “vẽ rắn thêm chân”, vì đã là kinh tế thị trường thì phải “tự
do tuyệt đối”. Chúng còn cho rằng kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa là sự “kết hợp miễn cưỡng” của thể chế kinh tế và thể chế chính trị, từ
đó kêu gọi xoá bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước...
Thứ tư, bóp
méo, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam
Họ cho rằng,
dân chủ xã hội chủ nghĩa là phi dân chủ, bất chấp những gì Cương lĩnh đã ghi:
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động
lực của phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội
chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế của cuộc sống ở mỗi cấp,
trên tất cả các lĩnh vực.
Họ bóp méo
tính chất dân chủ của Nhà nước ta - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân
dân. Các thế lực thù địch đưa ra quan điểm nhằm phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa, chúng cho rằng đó là bộ máy chuyên chính, với cơ chế quyền lực
thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không thể nào bảo đảm
dân chủ thực sự được. Chúng đòi xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước,
đòi thực hiện cơ chế tam quyền phân lập trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, phủ
nhận Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với
Quân đội và Công an
Trong các văn
kiện nghị quyết và Cương lĩnh của Đảng đều nhất quán khẳng định Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và
Công an nhân dân. Đó là nguyên tắc bất di, bất dịch để bảo đảm cho Quân đội và
Công an luôn luôn là lực lượng “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng,
Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”[3]. Tuy nhiên, các quan điểm sai
trái, thù địch luôn tập trung mũi nhọn đòi “phi chính trị hoá” lực lượng vũ
trang, yêu cầu Quân đội và Công an phải đứng ngoài chính trị; phủ định vai trò
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an.
Chúng lập luận: việc tổ chức ra lực lượng vũ trang chỉ là để bảo vệ lợi ích dân
tộc, lợi ích quốc gia. Bởi thế, Quân đội, Công an phải trung lập, đứng ngoài
chính trị, không phải chịu sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái nào... Từ đó, chúng
“khuyên” Quân đội và Công an chỉ nên đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị của
các đảng phái nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước...
Những quan điểm
sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam rất
đa dạng. Đằng sau tất cả những luận điệu ấy, chúng không ngoài mục đích hàng đầu
và quan trọng nhất là làm suy yếu, đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo và loại bỏ
Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi tiến trình phát triển của dân tộc. Đó chính là
mưu đồ hết sức thâm độc, nham hiểm và trắng trợn của chúng. Vì thế, đòi hỏi
chúng ta cần phải có những giải pháp phù hợp đấu tranh có hiệu quả chống các
quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng./.
PVĐ-H4
[1] Đảng Cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.
[2]Thư ngỏ
ngày 28/7/2014
[3] Đảng Cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.82.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét