“...Kịp thời
phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến (ĐHTT), gương người tốt, việc
tốt...” là một trong những quan điểm được Quân ủy Trung ương xác định tại Nghị
quyết số 847-NQ/QUTW. Phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng ĐHTT, gương
người tốt, việc tốt không những làm cho giá trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lan
tỏa, thấm sâu vào đời sống cán bộ, chiến sĩ mà còn là giải pháp thiết thực,
hiệu quả để chống chủ nghĩa cá nhân ở các cơ quan, đơn vị hiện nay.
Chú trọng bồi dưỡng, xây dựng ĐHTTSinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng ĐHTT, gương người tốt, việc tốt. Bác từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Người tốt, việc tốt nhiều lắm, ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”; “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Vì vậy, "lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Để khích lệ, nhân rộng ĐHTT, gương người tốt, việc tốt, Bác thường xuyên quan tâm đến những việc nhỏ, việc bình thường nhưng ích nước, lợi dân. Người nói: “Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt, thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra một chút cho đúng sự thật, là Bác có thể thưởng huy hiệu”.
Thấm nhuần
lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua các giai đoạn xây dựng, chiến đấu và
phát triển, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội đã triển khai thực hiện có
hiệu quả công tác thi đua-khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước. Từ Phong
trào thi đua “Giết giặc lập công” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thi
đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đến Phong trào Thi đua Quyết thắng
trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã có hàng vạn đơn vị anh hùng, đơn vị quyết
thắng, cùng các anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua... làm cho phẩm chất Bộ đội
Cụ Hồ trở thành một biểu tượng sáng đẹp của dân tộc. Đặc biệt, Phong trào Thi đua
Quyết thắng hiện nay đang được cấp ủy, chỉ huy các cấp tổ chức thường xuyên,
liên tục với nhiều hình thức phong phú, có chiều sâu và sức lan tỏa rộng. Gắn
kết chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với các đợt thi đua cao điểm, đột kích,
các phong trào, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, tạo thành phong trào
hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong toàn quân. Càng khó khăn, gian khó
phong trào thi đua càng được phát huy, khơi dậy mạnh mẽ phẩm chất cao đẹp Bộ
đội Cụ Hồ trong từng tập thể, cá nhân. Đại dịch Covid-19 một lần nữa như “lửa
thử vàng”. Trước khó khăn, gian nguy của hàng vạn đồng bào, Quân ủy Trung ương,
Bộ Quốc phòng phát động phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề “Quân đội cùng
cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch
Covid-19”; những tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân đội quên mình trên tuyến đầu
chống dịch, tự giác nhận việc khó, việc nguy hiểm để nhân dân có cuộc sống bình
yên, hạnh phúc đã chạm đến trái tim của mọi người dân.
Nghị quyết số
847-NQ/QUTW xác định: Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ
nghĩa cá nhân phải gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy
định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung
ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống
hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” và các phong trào thi đua
yêu nước, các cuộc vận động của các cấp, các ngành và địa phương; “...Kịp thời
phát hiện, nhân rộng các ĐHTT, gương người tốt, việc tốt...”.
Thực chất, ĐHTT, gương người tốt, việc tốt là biểu hiện cao nhất, sinh động nhất phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Càng phát hiện, nhân rộng được nhiều điển hình, gương người tốt, việc tốt thì phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng lan tỏa, tạo hiệu ứng sâu rộng, lôi cuốn, cổ vũ để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở, phát triển, hòa quyện với thực tiễn hoạt động của cán bộ, chiến sĩ; làm cho chủ nghĩa cá nhân không còn “đất” tồn tại trong quân đội.
ĐHTT có vai
trò quan trọng đối với sự phát triển của phong trào thi đua và lan tỏa phẩm
chất Bộ đội Cụ Hồ, song vẫn còn những đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc
phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình, gương người tốt, việc tốt..., làm
cho phong trào thi đua mất sức sống, thiếu động lực và đi vào lối mòn, hình
thức. Nguyên nhân là do vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chỉ huy
chưa được phát huy; phương pháp, hình thức phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng ĐHTT
còn cứng nhắc và có biểu hiện hạ thấp tiêu chí nên điển hình chưa thực sự rõ
nét, tính thuyết phục, sức lan tỏa hạn chế.
Phát hiện
ĐHTT là việc làm hết sức công phu, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải đi
sâu, đi sát phong trào thi đua, tìm hiểu kỹ kinh nghiệm, thành tích của từng
tập thể, cá nhân; phải thông qua phong trào thi đua thực hiện những việc khó,
việc mới để phát hiện và tạo điều kiện cho điển hình sớm xuất hiện. Để có cơ sở
phát hiện, lựa chọn điển hình, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung giáo dục
cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc rằng: ĐHTT là những tập thể, cá nhân có
ý chí quyết tâm cao, có hành động tích cực, có thành tích tiêu biểu, sáng kiến
hay, kinh nghiệm tốt trên một mặt hoặc nhiều mặt, có thể nêu gương cho mọi
người và đơn vị học tập, áp dụng, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát
triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, cơ sở và tiêu chí được đặt lên hàng đầu là trách
nhiệm chính trị và động cơ phấn đấu. Cũng có thể chọn điển hình về một mặt, một
lĩnh vực mà đơn vị đang cần nhân rộng... Mặt khác, điển hình phải được rèn
luyện, kiểm nghiệm trong thực tiễn và được soi chiếu với 5 đặc trưng cơ bản của
phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ theo Nghị quyết 847, nhằm loại bỏ tình trạng "hiện
tượng đánh lừa bản chất"; những kẻ cơ hội hoặc bè phái, cục bộ trong lựa
chọn...
Phát hiện
ĐHTT phải căn cứ vào những cá nhân, tập thể có khả năng hoàn thành sớm, hoàn
thành tốt các chỉ tiêu thi đua, hoặc một mặt nổi trội so với cá nhân, tập thể
khác trong đơn vị thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ: Trực sẵn sàng chiến
đấu, huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, hoạt động phong trào
văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác...
Do đó, trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy và
cơ quan chính trị phải thường xuyên yêu cầu cấp dưới, cán bộ chủ trì, các tổ,
ban, hội đồng thi đua bám sát thực tiễn với phương châm “cơ quan bám đơn vị, cán
bộ bám thao trường”. Tiến hành chấm điểm, nhận xét và thông báo thi đua chặt
chẽ, làm cơ sở phát hiện, đánh giá, nhận xét đúng thực trạng, khả năng phát
triển của từng tổ chức, từng con người cụ thể trong thực hiện các mục tiêu, chỉ
tiêu thi đua, trên cơ sở đó tìm ra ĐHTT. Việc bồi dưỡng, xây dựng ĐHTT có ý
nghĩa quyết định đến phát huy, lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Cấp ủy, chỉ huy
các cấp phải căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ và những mặt tích cực của điển hình
để xác định nội dung bồi dưỡng phù hợp, có hiệu quả đối với từng tập thể, cá
nhân. Nội dung bồi dưỡng có thể toàn diện hoặc một mặt. Song, chủ yếu tập trung
vào bồi dưỡng động cơ, thái độ, ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tương
trợ giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ; bồi dưỡng những kinh nghiệm, những
cách làm hay để ĐHTT khắc phục khó khăn, phấn đấu, rèn luyện, trở thành điển
hình toàn diện hơn, xứng đáng với sự tôn vinh của tập thể.
Nhân rộng,
phát huy tác dụng của ĐHTT là một yêu cầu trong tổ chức phong trào thi đua, là
nghệ thuật lấy phong trào chỉ đạo phong trào. Nhân rộng ĐHTT cần tiến hành đồng
bộ các biện pháp như: Sử dụng các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa, văn
nghệ, diễn đàn, tọa đàm để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những kết quả, thành
tích, kinh nghiệm, cách làm hay của điển hình. Tổ chức phát động Phong trào
“Học tập, làm theo, đuổi kịp và đuổi vượt các ĐHTT” trong toàn đơn vị để động
viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ học tập, làm theo. Hằng tháng, quý, năm và kết
thúc một phong trào, một đợt thi đua, cấp ủy, chỉ huy các cấp đánh giá kết quả
lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng
ĐHTT một cách nghiêm túc, thực chất. Tôn vinh, khen thưởng bằng những chính
sách, phần thưởng tương xứng nhằm khích lệ và tạo hiệu ứng, dư luận tích cực trong
đơn vị...
Phát hiện,
bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng ĐHTT là trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng
và cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, trước hết là của cấp ủy, chính ủy, chính
trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp; là một trong những biện pháp
để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 847; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu
đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc,
phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,
hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin
tưởng, giao phó./.
HVG-BS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét