Pages - Menu

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN Ý NGHĨA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 847 CỦA QUÂN UỶ TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI SĨ QUAN TRẺ HIỆN NAY

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, anh hùng giải phóng dân  tộc,  danh  nhân  văn  hoá thế giới, Người đã trọn đời hiến dâng cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân. Cả cuộc đời 79 mùa xuân của Người là bài ca đáng tự hào dân tộc, vì vậy, cùng với việc củng cố, chăm lo, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, Người cũng phê phán, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt với chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh nguy hiểm, kéo người ta xuống dốc không phanh, cần phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi mỗi người, tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đến thành công.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận, thực tiễn, là kim chỉ nam định hướng hành động cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính tri, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 847 của Quân uỷ Trung ương về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân biểu hiện cụ thể ở những khía cạnh sau: Một là, Người chỉ rõ nguồn gốc và tác hại của chủ nghĩa cá nhân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Theo Người chủ nghĩa cá nhân không tự nhiên sinh ra và tồn tại ở mọi xã hội, xuất hiện ở xã hội cũ, còn tồn tại chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, còn tình trạng người bóc lột người, khi giải quyết quan hệ, lợi ích thì tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, không quan tâm đến lợi ích của người khác, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân. Vì vậy, hệ luỵ của chủ nghĩa cá nhân đối với xã hội là vô cùng nguy hại, đó là căn nguyên, nguồn gốc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh, dẫn đến suy thoái, biến chất, làm giảm sút năng lực và uy tín của Đảng. Người khẳng định: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Từ chủ nghĩa cá nhân đẻ ra vô vàn thói hư tật xấu, Người đã ví chủ nghĩa cá nhân như một loại vi trùng vô cùng nguy hiểm, đó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản chân chính cần phải đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Tuy nhiên, theo Người đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không được giày xéo lên cá nhân mỗi người, nếu chủ nghĩa cá nhân đó không có hại cho tập thể.

Căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ và mức độ biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đó như thế nào mà có hình thức, biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Người chỉ rõ: “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách, sở trường, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”.

Hai là, Người chỉ rõ cách thức, biện pháp đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân.

Để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, Người yêu cầu mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải không ngừng giáo dục lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin; nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình; gắn bó mật thiết với Nhân dân, không tham lam, ích kỷ, công thần, hách dịch, gắn mình với tổ chức, với hoạt động cách mạng; ra sức học tập, rèn luyện về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra ngày càng cao ở mỗi giai đoạn, thời điểm cụ thể; Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về bản chất cũng như sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, phải tự sửa mình bằng cách “mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải tự rửa mặt”. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, theo Người là quá trình lâu dài, gian khổ, phức tạp, phải kiên trì, bền bỉ, bởi đó là cuộc đấu tranh bên trong ở mỗi con người cụ thể, không lộ rõ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Người so sánh: “Tư tưởng Cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng Cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”.

Ý nghĩa thực hiện Nghị quyết 847 của Quân uỷ Trung ương đối với sĩ quan trẻ hiện nay

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là với sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở hiện nay. Đây là số sĩ quan trẻ có nhiều triển vọng, tương lai phát triển ở phía trước. Vì vậy, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân uỷ Trung ương về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, đỏi hỏi sĩ quan trẻ phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, lối sống trong tình hình mới, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đó, cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho sĩ quan trẻ về tầm quan trọng thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hình mẫu tuyệt vời về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nội dung, cách thức, phương pháp mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, mang tính thời sự nóng hổi, đặt ra cho sĩ quan trẻ những cách thức, biện pháp rất cụ thể tự mình tu dưỡng, rèn luyện trở thành cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội giao phó. Cấp uỷ, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho sĩ quan trẻ về sự cần thiết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đó là giới thiệu, phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đủ năng lực, uy tín lãnh đạo đất nước; Kết luận số 01 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đa dạng hoá nội  dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị; tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Kết luận, yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quân đội về thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung nhấn mạnh vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của sĩ quan trẻ theo chức trách, nhiệm vụ được phân công; biểu dương, khen thưởng đối với sĩ quan trẻ có tinh thần, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được tập thể tín nhiệm, ủng hộ; phê bình, nhắc nhở, uốn nắn sĩ quan trẻ có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, không thường xuyên phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, kèn cựa, hám danh lợi, thích đánh bóng tên tuổi…

Hai là, chú trọng xây dựng môi trường văn hoá quân sự trong sạch, lành mạnh, giản dị, gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Môi trường văn hoá quân sự là tổng thể các mối quan hệ xã hội và những thiết chế văn hoá, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện về mọi mặt, trong đó, chú trọng đến xây dựng các mối quan hệ trong đơn vị thật sự dân chủ, bình đẳng, tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ nhau giữa các chủ thể và khách thể. Đó là tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ quan trẻ phát triển, nhất là trong làm việc, cuộc sống, sĩ quan trẻ nào có đam mê, khát vọng, tài năng cần được khơi dậy, phát huy, nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực, sở trường và có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời; sĩ quan trẻ nào năng lực không nổi trội, hoàn thành nhiệm vụ ở mức bình thường cần có nhận định, đánh giá đúng; thực sự tôn trọng, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của sĩ quan trẻ, trong phạm vi, quyền hạn có thể thì giải quyết nhu cầu, mong muốn cho sĩ quan trẻ; tạo ra sân chơi lành mạnh, không có sự đố kỵ, ganh đua trong đơn vị; kiên quyết đấu tranh với biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong sĩ quan trẻ, như thiếu tinh thần, trách nhiệm, vi phạm kỷ luật quân đội, xa ngã vào tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến đơn vị; không có động cơ phấn đấu vươn lên, bảo thù, ngồi lê mách lẻo, nói sau lưng đồng chí, đồng đội… Đồng thời, các chủ thể chú trọng xây dựng các thiết chế văn hoá ở đơn vị, đó là cảnh quan đơn vị, hệ thống âm thanh, ánh sáng, các ấn phẩm báo chí, bảo đảm các chế độ, tiêu chuẩn theo đúng quy định của trên cho sĩ quan trẻ, quan tâm đến đời sống, hậu phương gia đình của sĩ quan trẻ.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với sĩ quan trẻ.

Thông qua kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp phát hiện những sai phạm, xử lý kịp thời những biểu hiện không đúng của sĩ quan trẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng phải khách quan, công tâm, không lồng ghép động cơ cá nhân, mục đích không tốt để chèn ép sĩ quan trẻ, không tạo điều kiện cho sĩ quan trẻ phấn đấu vươn lên; xác định có trọng tâm, trọng điểm nội dung kiểm tra, giám sát; quán triệt phương trâm kiểm tra, giám sát của Đảng: Nghiêm minh, chặt chẽ, công bằng, nắm vững thứ tự, thủ tục, trình tự các bước kiểm tra, giám sát; kiểm tra, giám sát mang tính giáo dục, nhân văn, có tình, có lý, vì sự tiến bộ, trưởng thành của sĩ quan trẻ.

Bốn là, từng sĩ quan trẻ phải không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên về đạo đức, lối sống.

Hiện nay, trước cám dỗ của lợi ích vật chất, tiền tài, địa vị ở bên ngoài xã hội rất lớn, Quân đội là một tổ chức chính trị - xã hội, không nằm ngoài sự cám dỗ đó. Để có một “rào chắn”, “màng lọc” vững chắc, từng sĩ quan trẻ phải giữ mình, không ai có thể làm thay, làm hộ tốt hơn bằng chính sự nhận thức và chuyển hoá thành hành động thiết thực, cụ thể của sĩ quan trẻ. Từng sĩ quan trẻ phải tự giác tu dưỡng rèn luyện về mọi mặt, nhận thấy chỗ nào còn yếu, chưa đáp ứng được tự mình nghiên cứu, bổ sung tri thức; không tự bằng lòng với kiến thức hiện có; có lối sống giản dị, khiêm tốn, cầu tiến bộ, đặt mình vào tổ chức, biết mình là ai, mình đang ở đâu; bình tĩnh trong giải quyết, xử lý tình huống, sự việc; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với chính bản thân mình; vượt qua chính mình, nhất là những tác động tiêu cực của xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân mãi là kim chỉ nam định hướng hành động cách mạng của Đảng ta. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị, chức trách nào cũng phải quán triệt và tự mình điều chỉnh hành vi, thái độ phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tự mình chiến thắng chính bản thân mình, đó chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành vết thương, cũng là biện pháp quan trọng đưa Nghị quyết 847 của Quân uỷ Trung ương về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới đi vào thực tiễn cuộc sống, khơi dậy ý chí, khát vọng của sĩ quan trẻ vào sự nghiệp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại vào năm 2025.

 N.X.Đ - K3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét