Pages - Menu

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

CHỮ “ĐỒNG” TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều tổ chức và đảng phái chính trị phản động chống phá cách mạng quyết liệt. Nổi bật nhất là các đảng Việt Quốc, Việt Cách dựa thế của Tưởng Giới Thạch chống Việt Minh, chống Đảng Cộng sản, hòng lật đổ Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập ngày 1-1-1946 và cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã lập nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội Khóa I đã dành cho Việt Quốc, Việt Cách 70 ghế đại biểu không qua bầu cử. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I, theo đề nghị của Hồ Chủ tịch, Quốc hội đã chấp nhận thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, trong đó, Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) giữ chức Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế - Cứu tế và Lao động; đảm nhiệm cố vấn tối cao là Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc) giữ chức Phó chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội. Nhìn lại cơ cấu Hội đồng Chính phủ lâm thời, những chức vụ quan trọng đều do hai đảng Việt Quốc và Việt Cách nắm giữ. Điều đó cho thấy sách lược thỏa hiệp của Hồ Chí Minh thật là cao tay, sáng suốt, ít nhất tạm thời cũng giữ được hòa khí, làm dịu đi âm mưu phá phách, chống đối của bọn chân tay Tưởng Giới Thạch.

Về việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Người nói: “Trong giờ phút nghiêm trọng một mất một còn, quốc gia dân tộc phải đứng trên hết mọi sự… Trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến tính mạng cũng không tiếc. Hơn nữa, còn phải làm thế nào cho tất cả các tầng lớp nhân dân đều chung đúc tâm trí và lợi ích của dân tộc mà phấn đấu. Những lời nói đầy tâm huyết của Người đã thuyết phục được Quốc hội và Hội đồng Chính phủ chấp nhận việc Người đã ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và đã nhận được sự nhất trí cao. Nghiêm Kế Tố - người thuộc Đảng Việt Quốc, một trong số 70 đại biểu Quốc hội không qua bầu cử - đã nhận xét: “Mọi phản ứng, mọi bất mãn của các lực lượng đối lập đều bị dẹp sau khi Hồ Chí Minh đã thực hiện các chủ trương sách lược nhân nhượng, hòa giải. Đang từ tư tưởng phản đối hoàn toàn, các đảng phái đối lập bỗng nhiên chịu nửa phần trách nhiệm về việc ký với người Pháp... chính trị khôn khéo của Việt Minh thật là vô bờ bến khiến cho đang phản đối chuyển sang đồng tình”.

Người quan tâm đến chữ “đồng” tìm ra cái chung, cái đồng nhất để chân thành hợp tác, cố kết họ lại vì lợi ích đại cục. Trong thư gửi đồng bào Nam bộ, tháng 6-1946, Bác Hồ viết như sau: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”. Đây quyết không phải là một sách lược “khôn khéo” nói cho dễ nghe, mà chính là tư tưởng lớn ở tầm chiến lược của Hồ Chí Minh.

Chữ Đồng mà Bác Hồ đã vận dụng để giải quyết thành công vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tập hợp quần chúng lại thành những tổ chức cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ, những tổ chức hoạt động tích cực, tự giác, với nhận thức rõ ràng về mục đích chiến đấu của mình và được giáo dục theo tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

OCEAN-KBC

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét