Đứng chân ở địa
bàn biên giới, thời gian qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác biên
phòng, các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh cũng đã triển khai
hiệu quả mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Sự chăm sóc và vòng tay dang rộng
yêu thương của những người “bố nuôi” Biên phòng đã giúp nâng bước nhiều em nhỏ
có hoàn cảnh khó khăn nơi biên cương tiếp tục duy trì ước mơ đến trường. Khi những
người lính làm “bố nuôi”
Những ngày hè
giữa tháng 7, đội cái nắng chói chang trên những cánh rừng và từng cung đường
miền biên cương Đông Bắc của Tổ quốc, chúng tôi có dịp đến với CBCS Đồn Biên
phòng cửa khẩu (BPCK) Hoành Mô và bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện
Bình Liêu để được tận mắt chứng kiến câu chuyện về những người chiến sĩ Biên
phòng làm “bố nuôi”, nâng bước các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tới trường.
Đồn BPCK
Hoành Mô có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường biên giới dài hơn 43km với 41 mốc giới,
68 cột mốc, Cửa khẩu Hoành Mô, Điểm thông quan Đồng Văn, nhiều đường mòn, lối mở...
Những người lính Biên phòng ở đây đang ngày đêm vững chắc tay súng, sẵn sàng
chiến đấu trong mọi tình huống, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới
quốc gia.
Cùng với thực
hiện các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, CBCS Đồn BPCK Hoành Mô còn quan tâm
triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” và chương trình “Nâng bước
em tới trường”. Các chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây đã dành sự yêu thương, chăm
sóc con em những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới như
chính con ruột của mình.
Đi cùng cán bộ
Đội Vận động quần chúng của Đồn, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Trần Tiến
Hưng (9 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, thôn Pắc Pộc, xã Hoành Mô), một trong những cháu
được Đồn BPCK Hoành Mô hỗ trợ, nhận làm “Con nuôi đồn biên phòng”.
Trên đường
đi, Thiếu tá Bùi Văn Đông, người được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ trực tiếp
chăm sóc cháu Hưng tâm sự: Gia đình cháu Hưng có 4 anh chị em. Bố mẹ cháu Hưng
không có việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà
nước dành cho hộ nghèo nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Hiểu được hoàn cảnh gia
đình cháu Hưng, tháng 9/2019, Đồn BPCK Hoành Mô đã làm hồ sơ nhận chăm sóc Hưng
theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Theo đó, hằng tháng, đơn vị hỗ trợ cháu
Hưng 500.000 đồng để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập. Từ sự giúp đỡ này
đã giúp cậu bé Hưng tiếp tục niềm vui đến trường và hy vọng về tương lai tươi
sáng.
Vừa đi vừa
trò chuyện chẳng mấy chốc chúng tôi cũng đã đến được nhà của cháu Trần Tiến Hưng.
Biết “bố nuôi” đến thăm, cậu bé Trần Tiến Hưng mừng rỡ chạy ùa ra sân đón và
lao vào vòng tay của người “bố nuôi” mang quân hàm xanh.
Ôm cậu bé vào
lòng, Thiếu tá Đông vui vẻ khoe: “Cháu Hưng trước đây nhút nhát, tự ti, ngại
giao tiếp với những người mới gặp. Hiểu được điều đó, các bố nuôi đã thường
xuyên đến gặp gỡ, trò chuyện, quan tâm, động viên, để tạo sự gần gũi, gắn bó với
con. Do nhà cháu Hưng cách Đồn không xa, nên CBCS đơn vị thường xuyên đón Hưng
về đơn vị, tạo điều kiện cho cháu cùng tham gia sinh hoạt, học tập, rèn cho
cách sinh hoạt nền nếp, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, rèn luyện võ thuật nâng cao
sức khoẻ"...
Sự ân cần, gần
gũi của các bố nuôi trong đơn vị đã giúp Hưng nhanh chóng hoà đồng với mọi người
và tiến bộ về mọi mặt. Hưng ngày càng chăm chỉ rèn luyện, phụ giúp công việc tưới
rau trong khu vườn tăng gia của Đồn vào cuối mỗi buổi chiều... Đặc biệt, nhờ sự
quan tâm động viên, giúp đỡ, kèm cặp của các bố nuôi biên phòng, năm học vừa
qua Hưng đã vươn lên trở thành học sinh khá.
Rời Hoành Mô,
men theo đường vành đai biên giới chúng tôi đến thăm CBCS Đồn Biên phòng Quảng
Đức. Tình cờ hôm đó cũng đúng là ngày CBCS của Đồn đón cháu Chìu Quang Đại (14
tuổi, ở thôn Cấu Lìm, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà) con nuôi của Đồn đến đơn vị để
kèm cặp thêm.
Trò chuyện với
chúng tôi, Thiếu tá Ngô Viết Bình, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên
phòng Quảng Đức, người trực tiếp được phân công kèm cặp, giúp đỡ cháu Đại chia
sẻ: Cháu Đại có hoàn cảnh rất đặc biệt. Bố mất sớm, mẹ đi làm công nhân ở Khu
công nghiệp Texhong Hải Hà, mỗi tháng chỉ về nhà thăm các con vài lần. 3 anh em
Đại ở nhà tự chăm sóc nhau. Cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất, nên em
luôn tự ti, mặc cảm, thường ngày ít giao tiếp, chuyện trò với mọi người. Lúc đầu,
được nhận làm “Con nuôi đồn biên phòng”, khi các chú bộ đội biên phòng đến
thăm, động viên, Đại thường lầm lì, cả ngày không nói một lời”.
Để tạo sự gần
gũi, các “bố nuôi” đã thường xuyên đến trường trò chuyện với Đại. Những ngày cuối
tuần, các chú BĐBP đã thường xuyên đến tận nhà Đại đón cháu về đơn vị để có
thêm thời gian hướng dẫn, kèm cặp em học tập... Dần dần, cháu đã cảm nhận được
sự gần gũi, gắn bó và mở lòng hơn với các “bố nuôi” biên phòng. Cũng từ đó, mỗi
lần được các bố nuôi đón về Đồn tham gia sinh hoạt với các chú bộ đội biên
phòng, Đại đều rất vui và tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị.
Thiếu tá Ngô
Viết Bình cho biết thêm: Thấy Đại có hoàn cảnh thiệt thòi, bố mất sớm nên chúng
tôi luôn cố gắng quan tâm, chăm sóc để bù đắp cho con. Chúng tôi cũng thường
xuyên động viên con tự tin vượt qua hoàn cảnh, bởi “sẩy cha thì còn chú”. Các
chú BĐBP sẽ luôn ở bên để chở che và bảo ban để các con nuôi lớn khôn, trưởng
thành. Đến nay, mỗi lần cậu bé đến đơn vị đều gọi các chú bộ đội là “bố” với
ánh mắt tràn ngập yêu thương, tin tưởng. Lúc ấy, tôi hiểu rằng: Chúng tôi đã trở
thành những người bố thực thụ trong trái tim của con rồi!”.
Bắt chuyện với
Chìu Quang Đại, khi được CBCS trong đơn vị dẫn đi tìm hiểu cột mốc biên giới, Đại
chia sẻ: “Sự quan tâm, giúp đỡ của CBCS biên phòng chính là nguồn động viên
giúp cháu vững tin phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân có ích
cho xã hội”.
Thời gian
qua, cùng với hoạt động giúp đỡ người dân vùng biên giới phát triển kinh tế, đảm
bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn biên giới, các Đồn Biên
phòng thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh còn thực hiện hiệu quả mô hình “Con nuôi
đồn biên phòng” và chương trình “Nâng bước em đến trường”. Hoạt động này đã góp
phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa CBCS với
đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.
Đại tá Nguyễn
Thanh Hải, Chính ủy BĐBP tỉnh, khẳng định: “Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Bộ
Tư lệnh BĐBP về triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình
“Con nuôi đồn biên phòng”, từ năm 2016, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo
các đồn biên phòng phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn các cháu là
người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; con các gia đình chính
sách, người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới có hoàn cảnh
khó khăn... để nhận đỡ đầu. Thời gian đỡ đầu tính từ thời điểm đơn vị nhận đến
khi học xong lớp 12, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/cháu/tháng. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy
BĐBP tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi phòng, ban, đồn, trạm, mỗi đơn vị nhận đỡ
đầu ít nhất 2 cháu.
Các đồn biên
phòng còn phối hợp với gia đình, nhà trường, địa phương định kỳ tổ chức hoạt động
gặp mặt, tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn
vượt khó đạt thành tích cao trong học tập. Nhân dịp khai giảng năm học mới,
Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Nguyên đán... các đơn vị đều tổ chức thăm, tặng
quà, đồ dùng học tập, quần áo... trị giá hàng trăm triệu đồng.
Với tình yêu
thương, trách nhiệm của người lính mang quân hàm xanh với đồng bào các dân tộc
khu vực biên giới, sau 6 năm triển khai chương trình, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu
gần 100 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Qua đó,
góp phần hỗ trợ thiết thực cho nhiều cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn
lên, hiện thực những ước mơ của mình./.
BVL-BS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét