Pages - Menu

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

NÂNG CAO TÍNH KHOA HỌC TRONG CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA ĐẢNG

  

Muốn lãnh đạo cách mạng thắng lợi, điều kiện tiên quyết là Đảng phải định ra được đường lối chủ trương, chính sách đúng đắn. Muốn đưa đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn ấy vào cuộc sống phải có tổ chức đảng vững mạnh, có phương pháp cách mạng khoa học, có năng lực tổ chức thực tiễn cao và phải có kiểm tra một cách thường xuyên, kịp thời và hiệu quả Như vậy, để nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi tất yếu phải nâng cao chất lượng từng khâu, từng hoạt động và toàn bộ quy trình lãnh đạo của Đảng. Nghĩa là: “Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng,... phải tổ chức sự thi hành cho đúng,... phải tổ chức sự kiểm soát.”[1] Để làm được điều đó, một trong những vấn đề hết sức quan trọng là Đảng phải thường xuyên nâng cao tính khoa học trong mọi hoạt động lãnh đạo, trong đó có kiểm tra - một chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận cơ bản trong toàn bộ quá trình lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng.

Nói đến lãnh đạo mà không nói đến kiểm tra, hoặc tách kiểm tra ra khỏi lãnh đạo đều là không đúng và sẽ dẫn đến làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta nhấn mạnh: “ Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”  và “Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện. Đó cũng là biện pháp hiệu nghiệm đế khắc phục bệnh quan liêu”. Tầm quan trọng và hữu ích to lớn về nhiều mặt của kiểm tra đã rõ, song để công tác kiểm tra của Đảng thực sự có hiệu quả và phát huy được vai trò tác dụng của nó đòi hỏi quá trình tiến hành phải quán triệt, nâng cao tính khoa học của công tác kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi.”[2]

Nâng cao tính khoa học trong công tác kiểm tra là một biện pháp cơ bản góp phần bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được xác định và được chấp hành triệt để ở các cấp. Có kiểm tra một cách khoa học thì mới nắm chắc được tình hình các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát hiện chính xác những ưu điểm, khuyết điểm trong quán triệt, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Từ đó, có biện pháp cụ thể, phù hợp, thiết thực giúp đỡ cấp dưới, nâng cao trách nhiệm các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Kiểm tra một cách khoa học sẽ phát hiện kịp thời, chính xác sự đúng đắn, phù hợp hoặc sai lầm, khuyết điểm, chưa hợp lý trong đường lối, chủ trương, chính sách để bổ sung, sửa đổi, làm cho đường lối, chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện, sát hợp hơn với thực tiễn. Kiểm tra một cách khoa học sẽ góp phần xây dựng, củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức. Kiểm tra giúp cho cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, đội ngũ đảng viên đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu kém, kịp thời cổ vũ mặt tốt, khắc phục hạn chế, khuyết điểm làm cho các tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ trưởng thành. Kiểm tra còn bảo đảm cho toàn Đảng chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và các chế độ lãnh đạo, sinh hoạt đảng, khắc phục hiện tượng tự do, tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tổ chức, chế độ sinh hoạt đảng. Qua kiểm tra xác định chính xác những trường hợp vi phạm đường lối, nghị quyết chỉ thị, quy định và kỷ luật của Đảng, Điều lệ Đảng, để xử lý, kiên quyết loại trừ ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch vững mạnh: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức.”[3] Thực tế công tác kiểm tra của Đảng thời gian qua đã có bước phát triển, thu được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác kiểm tra: “Việc kiểm tra chấp hành đường lối, chính sách và kỷ luật Đảng kém hiệu quả”. Một trong những nguyên nhân của yếu kém trên đây xuất phát từ công tác kiểm tra còn thiếu tính khoa học. Trong giai đoạn cách mạng mới, để xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi càng cần phải tăng cường công tác kiểm tra và chú trọng nâng cao tính khoa học trong công tác kiểm tra của Đảng.

Để nâng cao tính khoa học trong công tác kiểm tra cần thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

Một là, bảo đảm tính thường xuyên, chủ động, kịp thời trong công tác kiểm tra.

Một trong những nguyên nhân làm cho công tác kiểm tra của tổ chức đảng các cấp vừa qua kém hiệu quả là do chưa tiến hành thường xuyên, chủ động, kịp thời, thậm chí khi xẩy ra vụ việc, hoặc cấp trên nhắc nhở mới kiểm tra. Bên cạnh đó việc nắm và vận dụng nguyên tắc kiểm tra của Đảng vào từng nội đung cụ thể, cũng như việc giải quyết vụ việc còn túng túng. Do vậy mà không nắm chắc được tình hình mọi mặt, không phát hiện uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong chấp hành đường lối và các nghị quyết của Đảng, sự giúp đờ cấp dưới bị hạn chế, thiếu biện pháp tích cực để ngăn ngừa có hiệu quả việc vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên.

Để tiến hành công tác kiểm tra được thường xuyên chủ động, kịp thời, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp nhất thiết phải có chương trình và kế hoạch kiểm tra trong từng thời kỳ, tập trung vào những công tác chủ yếu, những đơn vị trọng điểm; kiểm tra phải xác định rõ mục đích, nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra, phải sử dụng lực lượng và lựa chọn các hình thức biện pháp kiểm tra thích hợp để phát hiện chính xác và giải quyết kịp thời những vấn đề nẩy sinh ở các cấp.

Hai là, phải nâng cao tính chính xác trong công tác kiểm tra.

Tính chính xác là biểu hiện bản chất của tính khoa học trong công tác kiểm tra. Tính chính xác trong công tác kiểm tra đòi hỏi các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp không những phải có tinh thần trách nhiệm cao, mà còn phải hết sức khách quan, trung thực, vô tư. Phải đứng vững trên lập trường, quan điểm của Đảng, luôn luôn vì lợi ích chung của Đảng, xuất phát từ yêu cầu đổi mới chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ và yêu cầu giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Phải có phương pháp tư tưởng đúng đắn và tác phòng làm việc khoa học, phải nghiên cứu, điều tra nắm chắc tình hình, phân tích đánh giá, kết luận, đúng tình hình cả về ưu điểm, khuyết điểm, không thổi phồng ưu điểm, che giấu, giảm nhẹ khuyết điểm.

Ba là, phải bảo đảm tính hiệu quả trong công tác kiểm tra đòi hỏi tổ chức đảng các cấp mỗi khi tiến hành kiểm tra phải xác định đúng đắn, chính xác mục đích của kiểm tra, có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ở từng khâu, từng bước kiểm tra, có như vậy việc kiểm tra mịn đạt kết quả cần đặc biệt nhấn mạnh là sau kiểm tra phải có biện pháp tính cực và cụ thể để khắc phục những mặt thiếu sót, mặt yếu của đơn vị. Nếu sau kiểm tra mà thiếu kế hoạch, biện pháp khắc phục như: Khắc phục dứt điểm cái gì, mặt nào của đơn vị; áp dụng những biện pháp tư tưởng và tổ chức gì để khắc phục những mặt tồn tại, khi đã phát hiện ra và tập trung vào khâu nào; quy rõ trách nhiệm cho ai, cho bộ phận nào; thời gian nào phải chuyển biến hay dứt điểm vấn đề đó thì sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác kiểm tra.

Trong thực tiễn, có nơi tuy tiến hành công tác kiểm tra nhưng sau khi kiểm tra lại thiếu kế hoạch và những biện pháp tích cực, cụ thể, chỉ vạch ra phương hướng chung chung, không quy trách nhiệm rõ ràng nên không phát huy được hiệu lực của công tác kiểm tra, không làm chuyển biến được tình hình đơn vị.

                                                                                           HAT-H1

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr 285

[2] Hồ Chí Minh, sđd,  Tâp 7, tr. 287.

[3] Hồ Chí Minh, sđd, tập 11, tr 300.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét