Pages - Menu

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU CHỐNG CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN CỦA VÕ VĂN QUẢN

  

Trên trang mạng xã hội (Luatkhoa.org), Võ Văn Quản có “giật tít”: 3 điều cần làm rõ về “chủ nghĩa xã hội” trước khi dán nhãn người khác để câu khách.

Với những lời bình luận cực kỳ gượng gạo, thiên cưỡng Võ Văn Quản đã gây nên sự ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức về những thông tin mà y cắt xén, làm cho một bộ phận cộng đồng mạng thiếu thông tin cả tin vào những điều mà y nêu ra.

Thực chất luận điệu của Võ Văn Quản là, y cố tình xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin không trực tiếp, mà bằng luận điệu gián tiếp - cổ súy một số mô hình mà các nước Bắc Âu đang theo đuổi. Bằng giọng lưỡi lừa lọc: Võ Văn Quản đã nêu 3 vấn đề về “chủ nghĩa xã hội”, “nhà nước”, “nhà nước phúc lợi” và cố dẫn những “thành tựu” của một số nước hiện nay rồi “kết luận” những vấn đề đó không phải do C.Mác đưa ra, từ đó khẳng định mô hình chủ nghĩa xã hội hiện nay không phải là mục tiêu mà “phương Tây hướng tới” .

Tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được các nhà khoa học chứng minh, kể cả các chính khách tư sản cũng thừa nhận. Với những cống hiến lý luận mang ý nghĩa và giá trị vượt thời đại, C.Mác đã xác lập một thế giới quan tiên tiến nhất, thật sự cách mạng và khoa học – thế giới quan duy vật biện chứng, thế giới quan có khả năng đem lại cho nhân loại tiến bộ và giai cấp công nhân cách mạng toàn thế giới một “công cụ nhận thức vĩ đại” để “cải tạo thế giới” trong thời đại ngày nay. Cần hiểu rằng:

Thứ nhất, về công cụ nhận thức thế giới. Một học thuyết được thừa nhận là cách mạng phải xuất phát từ những nhận thức khoa học về thế giới khách quan, tính khoa học càng cao thì tính cách mạng càng triệt để. Khác về cơ bản so với các học thuyết khác, học thuyết của C.Mác, theo V.I.Lênin, đây “là sự kế thừa thẳng và trực tiếp những học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, trong kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học”[1]. Dựa trên những thành tựu của tư tưởng nhân loại, nhất là của triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, áp dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong nghiên cứu, C.Mác và Ph.Ăngghen đã làm cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong tư tưởng, nhận thức của nhân loại, tạo nền móng cho lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành một khoa học, một học thuyết luận chứng một cách toàn diện và sâu sắc về phương diện lý luận cho công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới mà sứ mệnh lịch sử của nó thuộc về giai cấp công nhân cách mạng. Sự ra đời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ phong trào tự phát của giai cấp công nhân trở thành một cuộc đấu tranh tự giác nhằm cải tạo xã hội bằng cách mạng, theo những nguyên lý nền tảng của một học thuyết thật sự khoa học, dưới sự lãnh đạo của các chính đảng cách mạng của nó.

Thứ hai, về công cụ cải tạo thế giới. Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức về mặt xã hội và tạo ra những điều kiện, tiền đề cho một cuộc sống thật sự mang tính người, cho hạnh phúc, cho sự phát triển tự do và toàn diện mọi năng khiếu thể chất và tinh thần của mỗi người. Sự hình thành và phát triển của học thuyết đó không phải là tách rời những trào lưu trước đó của tư tưởng xã hội, không phải ở bên ngoài con đường phát triển của nền văn minh nhân loại. Đó là sự kế thừa tất cả những gì ưu tú nhất mà nhân loại đã sáng tạo ra trong lĩnh vực nhận thức tự nhiên và đời sống xã hội. Những thành tựu mà C.Mác đem lại, đã dựa trên tất cả những thành tựu của tư tưởng xã hội, đặc biệt là trên những thành tựu của triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.

Tất cả những gì hợp lý trong các trào lưu tiên tiến của tư tưởng xã hội đều được C.Mác và Ph.Ăngghen tiếp thu, kế thừa một cách có phê phán và kiểm nghiệm chúng qua phong trào vô sản, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của bản thân mình và xây dựng lại một cách sáng tạo theo lập trường của giai cấp vô sản cách mạng. Đánh giá một cách rõ ràng và sâu sắc ý nghĩa và giá trị trong những phát kiến khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ, V.I.Lênin đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay. Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp vô sản trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa”[2].

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, Võ Văn Quản đã không hiểu hoặc cố tình phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần và đấu tranh loại bỏ./.

THH-H2

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 23, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.49-50.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.57-58.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét