Chiều 5/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh
Chính điện đàm với Thủ tướng Nội các Hàn Quốc Han Duck-soo. Đây là cuộc điện
đàm đầu tiên của Thủ tướng Han Duck-soo với Lãnh đạo nước ngoài kể từ sau khi
nhậm chức.
Trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy và
trong khuôn khổ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc
(1992-2022), hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều nội dung thực chất nhằm thúc đẩy
quan hệ và hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa chúc mừng Ngài Han
Duck-soo được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nội các Hàn Quốc; đánh giá trong bối cảnh
tình hình thế giới và khu vực biến động nhanh chóng, phức tạp, trong đó có tác
động của đại dịch Covid-19, quan hệ hai nước tiếp tục duy trì đà phát triển ổn
định; hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, nhất là
kinh tế, thương mại và đầu tư. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam
nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng
hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng
đồng quốc tế. Trong đó, Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác chiến lược quan
trọng và lâu dài; mong muốn cùng Hàn Quốc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước,
vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác
và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Han Duck-soo chúc mừng những thành tựu quan trọng
của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 và
đạt tăng trưởng kinh tế cao; khẳng định Hàn Quốc coi Việt Nam là một trong những
đối tác quan trọng hàng đầu; mong muốn cùng Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ
bền vững thời gian tới; cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp và
công dân Hàn Quốc nhập cảnh thuận lợi, có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả giúp
doanh nghiệp Hàn Quốc duy trì ổn định sản xuất tại Việt Nam, nhất là trong thời
kỳ dịch Covid-19 vừa qua.
Hai Thủ tướng nhất trí một số biện pháp cụ thể thúc đẩy
phát triển quan hệ hai nước thời gian tới, bao gồm triển khai kết quả hội đàm
trực tuyến cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hàn Quốc
Yoon Suk-yeol ngày 8/6 vừa qua; tiếp tục hợp tác chặt chẽ tổ chức hiệu quả các
hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2022; triển khai hiệu
quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do
Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
nhằm sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào
năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030; cùng giải quyết vấn đề mất cân bằng cán
cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh
của Việt Nam như: nông-thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa vụ vào thị trường
Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam,
trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển
cơ sở hạ tầng..., hướng tới tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao phần
giá trị gia tăng của Việt Nam bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong
hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đồng thời tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận
lợi và an toàn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như các nhà đầu tư nước ngoài
yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam; tiếp tục duy trì và phát triển các cơ chế
hợp tác ODA hiệu quả và mở rộng quy mô cung cấp ODA cho Việt Nam; đẩy mạnh hợp
tác lao động, du lịch, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển
công nghiệp văn hóa-giải trí, tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho kiều dân mỗi nước tại nước kia, nhất là các cô dâu người Việt tại Hàn Quốc
có cuộc sống ổn định, an toàn và được đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp.
Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm,
hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trên các vấn đề quốc tế
và tại các diễn đàn khác nhau. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm nhìn
chung về duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở
Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm
các quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia phù hợp luật pháp quốc tế, trong
đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982./.
NTH-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét