Pages - Menu

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - THẮNG LỢI CỦA KHÁT VỌNG ĐỘC LẬP, HÒA BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Độc lập, hòa bình và phát triển là khát vọng của dân tộc Việt Nam, được đánh dấu bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là mốc son chói lọi của dân tộc, mang tầm vóc quốc tế và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Phát huy tinh thần đó, 77 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, từng bước đổi mới để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám

Các phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo lập trường phong kiến hay dân chủ tư sản, tiểu tư sản đều có mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, nhưng lại sai lầm trong xác định đường lối, con đường phát triển và phương pháp đấu tranh nên lần lượt bị thất bại. Chỉ có xu hướng yêu nước theo lập trường của giai cấp vô sản, gắn giải phóng dân tộc với chủ nghĩa xã hội được khẳng định cả về phương diện khoa học và thực tiễn, được phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam chấp nhận và thực hiện. Sự phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, nhân dân đã giành lại và củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, là cơ sở để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện khát vọng của dân tộc, trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc khảo nghiệm thực tiễn tại nhiều nước tư bản chủ nghĩa, nhưng Người không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, vì cho rằng: con đường đó không mang lại quyền lợi thực sự cho quần chúng lao động và không mở đường cho độc lập của các dân tộc thuộc địa. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã tìm thấy ở lý luận cách mạng đó con đường cứu nước đúng đắn: gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, tức là phải đi tới chủ nghĩa xã hội. Sự gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Mác – Lênin là sự gặp gỡ tất yếu giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của thời đại. Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, gieo hạt giống chủ nghĩa xã hội vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930).

Trên cơ sở mục tiêu được xác định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, qua thực tiễn các cao trào cách mạng (1930 - 1931), (1936 - 1939) và những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng bổ sung, phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Đặc biệt, khi thời cơ đến, Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) của Đảng xác định: “tất cả mọi vấn đề của cách mệnh, kể cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào các mục đích ấy mà giải quyết”1. Đến Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Đảng ta nhấn mạnh: “nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương,... cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”2.

Để thực hiện đường lối đúng đắn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, phát động khởi nghĩa từng phần, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, quân đội Nhật ở Đông Dương hoang mang dao động đến cực độ, chính quyền tay sai suy yếu là lúc thời cơ thuận lợi nhất xuất hiện. Chớp thời cơ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”3.

Thực hiện lời kêu gọi của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên tạo thành cơn bão táp cách mạng lật đổ ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, giành lại quyền độc lập cho dân tộc. Đây là đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân, thể hiện tầm cao trí tuệ dân tộc và sức mạnh của thời đại, mở ra trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất và là một trong những bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”4, đánh dấu sự khởi đầu thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ý nghĩa đó đã khẳng định tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không chỉ với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Đúng như Đảng ta khẳng định, đó còn là sự kiện: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”5.

Khát vọng độc lập, hòa bình và phát triển trong Cách mạng Tháng Tám - động lực tinh thần của 30 năm trường chinh chống các thế lực ngoại xâm và công cuộc đổi mới hiện nay

Thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành động lực và sức mạnh to lớn để nhân dân ta phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để tiến hành cuộc trường chinh 30 năm chống các thế lực ngoại xâm hung bạo của thế giới, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”6. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và niềm tin sắt đá “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”7, dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Trải qua hơn 20 năm chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta; với một phương pháp cách mạng đúng đắn; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, “mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ”; với sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới,... quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược, biện pháp chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”8.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, dưới ngọn cờ của đường lối đổi mới mà Đại hội VI đã xác định, của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và tiếp đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân và toàn quân, vượt lên những khó khăn, thử thách, đất nước ta đã giành được những thành tựu rất đáng tự hào. Nổi bật là, kinh tế tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định; lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được những thành tựu quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi: chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; thế và lực của đất nước được tăng cường; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, như Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”9.

Nhằm phát huy những giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành quả sau 77 năm xây dựng và phát triển đất nước, khắc phục những hạn chế trong quá trình tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng nước ta phát triển toàn diện, bền vững, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”10. Để thực hiện quan điểm này, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam. Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững với ý chí, khát vọng độc lập, hòa bình và phát triển theo tinh thần Cách mạng Tháng Tám.

Lịch sử tuy đã lùi xa nhưng những giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành quả của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc với khát vọng độc lập, hòa bình và phát triển vẫn mãi là động lực to lớn để dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

LTH-NNTV

_______________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 539.

2 - Sđd, Tập 7, tr. 118 - 119.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.

4 - Sđd, Tập 4, tr. 03.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 06.

6 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 410.

7 - Sđd, Tập 15, tr. 618.

8 - ĐCSVN – Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb ST, H. 1977, tr. 05 - 06.

9 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 25.

10 - Sđd, tr. 46.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét