C. Mác (Karl Heinrich Marx, sinh ngày 5-5-1818 tại Trier,
Vương quốc Phổ, nay là Cộng hòa Liên bang Đức, mất ngày 14-3-1883) là nhà tư tưởng
vĩ đại, người khai sinh chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự tổng kết khoa học về lịch sử
trên cơ sở hiện thực, thực tiễn nhất định làm cho tư tưởng Các Mác có giá trị
soi đường của một lý luận “mở”, lý luận phát triển. Cùng với tư tưởng Hồ Chí
Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn tổng quát, giá trị tư tưởng Các Mác gắn với giá trị
cách mạng, bởi tư tưởng của ông là kim chỉ nam để hiểu về bản chất, quy luật vận
động và phát triển của thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai, hướng những
người bị nô dịch, bị bóc lột làm cách mạng, “thay cũ đổi mới, thay xấu thành tốt”.
Các Mác đã xây dựng và trang bị một thế giới quan và phương pháp luận khoa học
cho giai cấp vô sản và nhân loại không chỉ để nhận thức thế giới mà còn cải tạo
thế giới; để giai cấp bị áp bức bước lên địa vị làm chủ xã hội mới.
Giá trị tư tưởng Các Mác hợp thành chủ nghĩa mang tên ông
- chủ nghĩa Mác - là sự đúc rút, nghiên cứu, phê phán, tiếp thu, “vượt gộp” các
nguyên lý đi trước; là sự khái quát lý luận và tổng kết thực tiễn cực kỳ sôi động
thông qua một bộ óc sáng tạo thiên tài. Không phải ảo tưởng chủ quan, duy ý
chí, sự tổng kết khoa học về lịch sử trên cơ sở hiện thực, thực tiễn nhất định
làm cho tư tưởng Các Mác có giá trị soi đường của một lý luận “mở”, lý luận
phát triển…
Bằng chủ nghĩa duy vật lịch sử, Các Mác là người đầu tiên
đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người thay cho những quan niệm lộn
xộn, tùy tiện về lịch sử và chính trị. Thay cho nhận thức sự vận động của lịch
sử là nhờ sức mạnh siêu tự nhiên hay ý chí của con người, Các Mác khẳng định quần
chúng nhân dân chính là những người sáng tạo chân chính ra lịch sử, vì chính họ
là người sáng tạo ra của cải vật chất, thúc đẩy sự vận động của lịch sử.
Trong khi xác nhận sức mạnh từ chính quần chúng, Các Mác
đã vạch rõ vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, giai cấp cách
mạng nhất trong tất cả các giai cấp từng tồn tại trong lịch sử. Giai cấp công
nhân đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản không phải vì sự giải phóng của riêng họ
- mặc dầu công cuộc giải phóng đó là trung tâm của sự nghiệp giải phóng con người
- mà còn vì lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là nhân dân lao động,
bằng cách giải phóng họ thoát khỏi mọi sự nô dịch làm tha hóa con người. Học
thuyết Các Mác chứng minh rằng, sự giải phóng nhân loại gắn bó chặt chẽ và thống
nhất với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân; giai cấp công nhân chỉ có thể
thực hiện công cuộc giải phóng mình bằng sự liên minh với những người bị áp bức,
bóc lột để giành chính quyền và tổ chức cuộc sống mới theo con đường cách mạng
chứ không thể bằng con đường cải lương.
Những quan điểm nêu trên của Các Mác gắn liền và đồng
nghĩa với nhận thức về “quá trình lịch sử - tự nhiên”, tức là vai trò quyết định
của lực lượng sản xuất đối với sự phát triển của mọi hình thái kinh tế - xã hội
và sự thay thế các hình thái đó cũng là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Gạt bỏ
chủ nghĩa chủ quan và thái độ tùy tiện, Các Mác nghiên cứu rộng rãi và toàn diện
quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế - xã hội,
bằng cách xem xét toàn bộ các xu hướng mâu thuẫn nhau, tác động lẫn nhau thông
qua các điều kiện sinh hoạt và sản xuất của các giai cấp trong xã hội. Điều đó
có nghĩa là con người có thể khám phá, nhận thức và vận dụng được các quy luật
vận động của lịch sử.
Theo Các Mác, con người nhận thức được quy luật và phải
hành động theo quy luật, không được duy tâm, ảo tưởng, lấy lý tưởng thay cho hiện
thực, bắt hiện thực phải khuôn theo lý tưởng, mà phải dựa vào những tiền đề
khách quan để xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới một cách hiện thực. Hiện thực
hay tiền đề khách quan nói tới ở đây chính là tất cả những lực lượng sản xuất
trong lòng bản thân xã hội cũ phải phát triển chín muồi.
Trên cơ sở tìm thấy mối quan hệ giữa người với người qua
sự trao đổi tiền tệ, dẫn tới sức lao động của con người trở thành hàng hóa của
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giá trị tư tưởng Các Mác còn ở chỗ phát
hiện ra bí mật của phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa làm cho người lao động
bần cùng, cũng là bí mật của lịch sử, đó là học thuyết về giá trị thặng dư.
Theo Các Mác, ngay cả khi nhân loại bước vào kinh tế tri thức, tri thức xã hội
đã chuyển hóa thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì vẫn không thể thiếu được
lao động sống với chất lượng lao động cao hơn, tri thức nhiều hơn của một lực
lượng công nhân tri thức. Gốc rễ của vấn đề là bản chất bóc lột của tư bản chứ
không phải là hình thức bóc lột, bản chất đó xuất phát từ mâu thuẫn kinh tế cơ
bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất của xã hội ngày càng
xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản
xuất. Việc phát hiện ra học thuyết này là công lao lịch sử vĩ đại của Các Mác,
trở thành điểm trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Cần phải khẳng định một giá trị lớn của tư tưởng Các Mác,
đó là tầm nhìn xuyên thế kỷ của ông. Những phát hiện của Các Mác về tính khủng
hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản có rất nhiều mối liên hệ với cuộc khủng hoảng
kinh tế ở nước Mỹ và một số nước tư bản khác trong những năm qua. Một số nhà
chính trị và doanh nhân thế giới đã tìm thấy trong di sản của Các Mác lời giải
thích về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ hệ thống tài chính của thế giới đương đại.
Chính từ sự trải nghiệm, phân tích thực tiễn và tổng kết
lý luận mà những nhà triết học phương Tây như Giăccơ Đêriđa đã khẳng định rằng
“tất cả mọi người trên trái đất này, dù họ muốn, họ biết hay là không, đều là
những người kế thừa Mác và chủ nghĩa Mác với mức độ nhất định". Vì vậy,
luôn luôn sẽ là một sai lầm nếu không đọc đi đọc lại và tranh luận những tác phẩm
của Mác. Phải trung thành với Các Mác trong một tinh thần nhất định của Các Mác
để chống lại cái “trật tự thế giới mới” của thị trường tư bản chủ nghĩa với nhiều
“vết loét”./.
NTH-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét