Dân chủ xã hội chủ nghĩa là chế độ dân chủ cao nhất và là chế độ
dân chủ theo nghĩa đầy đủ nhất. Tăng cường pháp chế là tăng cường quản lý mọi
hoạt động của xã hội, không để một lĩnh vực nào thiếu sự điều chỉnh của pháp luật
hoặc không được pháp luật điều chỉnh; bảo đảm kỷ cương xã hội là thực hiện những
phép tắc nhà nước duy trì trật tự xã hội. Dân chủ dù nghiên cứu ở góc độ nào,
nhìn nhận ở bình diện nào cũng gắn bó chặt chẽ và tự nhiên với pháp luật; còn
pháp luật như là môi sinh, điều kiện không thể thiếu để bảo đảm, bảo vệ dân chủ
được nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên
quyết để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất. Đảng
ta xác định mối quan hệ “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm
kỷ cương xã hội” là vấn đề mang tính
nguyên tắc là cơ sở để đảm bảo thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ
quá độ ở nước ta. Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế đảm bảo kỷ cương
xã hội ở Việt Nam hiện nay xuất phát từ những cơ sở sau:
Thứ nhất, Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra: “Dưới chế độ
dân chủ, không phải con người tồn tại vì pháp luật, mà pháp luật tồn tại vì con
người; ở đây sự tồn tại của con người là pháp luật, trong khi đó thì ở những
hình thức khác nhau của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được bởi quy
định của luật pháp. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”. Từ
đó V.I.Lênin đã diễn đạt một cách khái quát về bản chất của dân chủ
xã hội chủ nghĩa rằng: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản
nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần, chính quyền xô viết, so với các cộng
hòa tư sản dân chủ nhất, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng
nguyên tắc để giữ vững nền dân chủ là phải thực hành chuyên chính, đồng thời thực
hiện dân chủ phải đúng nguyên tắc tập trung, không được vô tổ chức.
Thứ hai, Hiến pháp đầu tiên năm 1946 ở nước ta đã đặt cơ sở pháp lý đầu
tiên cho việc thực hiện quyền lực nhân dân. Ðiều 32 quy định: “Những việc có
quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số
nghị viện đồng ý...”. Khẳng định mối quan hệ giữa hai thành tố này, Hiến pháp
năm 1992 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường
pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Điều 12 ghi: “… các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh
tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh
chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm,
các vi phạm Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp năm 2013, Điều 6 quy định: “Nhân
dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện”.
Thứ ba, Sau chặng đường hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta đều cố gắng “tìm
tòi” các hình thức, phương thức thực hiện dân chủ phù hợp thực tiễn của đất nước.
Trong đó về lý luận và thực tiễn dân chủ chính trị, dân chủ xã hội có một cơ sở
quan trọng bắt nguồn từ dân chủ kinh tế. Các quyền tự do cơ bản của con người
trong xã hội, tự do về chính trị chỉ mang giá trị thực chất khi chúng được nảy
nở và phát triển từ kết quả tất yếu của quá trình tự do hóa kinh tế./.
NVC-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét