Pages - Menu

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC BỆNH “TÔ HỒNG”, “THỔI PHỒNG” THÀNH TÍCH, “ĐÁNH BÓNG” TÊN TUỔI Ở MỘT SỐ CẤP ỦY ĐẢNG HIỆN NAY

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; trong đó có 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị... Điều đáng nói, nhiều cá nhân, tập thể trước đó đều được ngợi ca là những “tấm gương sáng” trong lao động, công tác.

Điều đó cho thấy, Đảng ta rất thẳng thắn khi nhận khuyết điểm trước nhân dân, nhưng cũng rất cương quyết trong công cuộc chống lại các căn bệnh suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, đúng như tâm tư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”,“với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.

Điều 11 Trong Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm nêu rất rõ: “Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác”.

Điều này có nghĩa rằng, nơi nào có bệnh thành tích, tệ “tô hồng” báo cáo, báo cáo không trung thực thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc tổ chức đảng và đoàn thể nơi đó, đặc biệt là xử lý người đứng đầu. Cần phải coi những báo cáo không trung thực là những văn bản nhằm dối trên, lừa dưới rất đáng xấu hổ trước nhân dân, trước lương tri và chân lý.

Rõ ràng, quyết tâm của Đảng ta rất cao và đi vào những mục tiêu, biện pháp cụ thể. Thế nhưng, để phát hiện ra những “cái kim”, những “bàn tay nhung” ẩn giấu, đòi hỏi sự kiên trì với nhiều “phương thuốc” hữu hiệu trong từng giai đoạn với những bước đi phù hợp, lâu dài, không thể một sớm một chiều.

Rõ ràng trong công cuộc phòng, chống bệnh suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chúng ta đã có cơ chế và không ngừng hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Nhưng vì sao tệ báo cáo được “tô hồng”, bệnh “hữu danh vô thực”, giấu giếm khuyết điểm vẫn diễn ra như căn bệnh di căn, khó chữa trong nếp nghĩ của nhiều cán bộ

Thực tế, không phải ai cũng nhận thức được căn bệnh này, điều này đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là người đứng đầu phải thay đổi nhận thức, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, xem tệ báo cáo không trung thực, giấu giếm khuyết điểm là trái với đạo đức người cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần suy ngẫm nâng cao lòng tự trọng, gột rửa tâm lý háo danh, kèn cựa, thay vào đó là nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng tài năng, đức độ của mình.

Làm được điều này, không chỉ giúp cán bộ, đảng viên tiến bộ chân chính mà còn góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các anh hùng, chiến sĩ thi đua: “Thành tích là thành tích của tập thể, tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm gì được, cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn, tuyệt đối chớ tự mãn, tự túc”.

Như đã đề cập ở trên, bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm, “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” tên tuổi một phần là do công tác thi đua ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực chất, nặng về hình thức. Việc tổ chức đánh giá, kiểm soát về chất lượng còn hời hợt, không kỹ càng đã tạo kẽ hở và điều kiện cho hành vi “làm láo, báo cáo hay”, “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu”.

Để góp phần khắc phục bệnh “tô hồng”, “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, cấp ủy đảng các cấp cần thực hiện một số biên pháp sau:

Cấp ủy và chính quyền các cấp cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng có cái nhìn sâu sắc về bản chất, biểu hiện thiếu lành mạnh, hệ lụy do “thổi phồng” thành tích gây ra.

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần giữ vững những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời mở rộng dân chủ, phát huy quyền giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng trong mọi công việc. Bởi việc mở rộng dân chủ sẽ giúp phát hiện ra những cán bộ, đảng viên cơ hội, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Hai là, đề cao vai trò, trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, bởi tất cả mọi công việc báo cáo, tổng kết đều gắn liền với người đứng đầu. Vì vậy, người đứng đầu cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiệt huyết, làm việc đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình; luôn đặt lợi ích tập thể và lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt cần kiên quyết loại bỏ những biểu hiện gian dối, “chạy” thi đua. Bên cạnh đó, cần phải siết chặt các lỗ hổng về phong tặng danh hiệu để mọi cá nhân, tổ chức không có cơ hội “chạy” thành tích, khen thưởng và danh hiệu. Mặt khác, thanh tra, kiểm tra phải dựa vào “tai, mắt” của nhân dân, bởi nhân dân ta có “hàng triệu đôi tai, đôi mắt để nghe thấy, nhìn thấy mọi sự ở đời”, từ những góp ý của nhân dân mà có những biện pháp phù hợp.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thi đua tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, lên án cái xấu, cái tiêu cực, những biểu hiện phô trương hình thức, sáo rỗng, không thiết thực, sùng bái cá nhân, thích khen hơn chê; biểu dương và bảo vệ những cán bộ “4 dám”: Dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan đơn vị theo tinh thần của Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.Nhận thức đúng và phát hiện bệnh “tô hồng”, “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, để kịp thời ngăn ngừa, không lây lan trầm trọng hơn là điều cấp thiết, cần kíp lúc này của Đảng ta. Đó là công việc quan trọng, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng hiện nay./. H2-NBL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét