Thuật ngữ phương
pháp có nguồn gốc từ nguyên từ Hi Lạp cổ - Methodos với nghĩa là con đường,
cách thức, thủ đoạn mà chủ thể sử dụng để đạt được mục đích đề ra. Còn theo
nghĩa chặt chẽ, khoa học, phương pháp là hệ thống những nguyên tắc được rút ra
từ tri thức về các qui luật khách quan để điều chỉnh hoạt động nhận thức và thực
tiễn nhằm thực hiện những mục đích nhất định.
Phương pháp
là một đặc trưng tất yếu của hoạt động có mục đích, có ý thức của con người;
nhưng phương pháp không phải là cái gì đó có sẵn hay hình thành một cách chủ
quan, mà nó mang tính khách quan. Ph. Ăngghen viết: “các nguyên lý không phải
là điểm xuất phát của sự nghiên cứu mà là kết quả cuối cùng của nó; những
nguyên lý ấy không phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và vào lịch sử loài người,
mà được trừu tượng hoá từ giới tự nhiên và lịch sử loài người; không phải là giới
tự nhiên và loài người phải phù hợp với các nguyên lý, mà trái lại các nguyên
lý chỉ đúng trong chừng mực chúng phù hợp với giới tự nhiên và lịch sử”1. Trong
thực tiễn ta thấy, sau khi đã xác định được mục tiêu thì phương pháp là yếu tố
góp phần quyết định thành công hay thất bại của mọi hoạt động.
Phương pháp
có nhiều loại và nhiều cấp độ khác nhau, tuỳ theo căn cứ xem xét.
- Căn cứ vào mức
độ phổ biến và phạm vi sử dụng để phân chia ta có:
Phương pháp riêng (áp dụng cho từng môn khoa học
cụ thể, ví dụ như phương pháp toán học, xã hội học, lý học…)
Phương pháp
chung (áp dụng đồng thời trong nhiều ngành khoa học khác nhau, ví dụ như phương
pháp quan sát, thực nghiệm, mô hình hoá…)
Phương pháp phổ biến (áp dụng của mọi lĩnh vực
khoa học và thực tiễn - đó chính là phương pháp biện chứng duy vật trong triết
học Mác - Lênin).
- Căn cứ vào
mục đích, chức năng để phân chia có:
Phương pháp
nhận thức (là cách thức, biện pháp sử dụng các giác quan và các thao tác tư duy
để phản ánh các đối tượng, tìm ra bản chất, qui luật vận động, phát triển của đối
tượng. Chẳng hạn, đó là các phương pháp quan sát, phân tích và tổng hợp, trừu
tượng và cụ thể, lịch sử và lôgíc…) và
Phương pháp
thực tiễn (hình thức, biện pháp sử dụng các phương tiện vật chất tác động làm
biến đổi đối tượng. Ví dụ: phương pháp sản xuất, thực nghiệm, đấu tranh…). Tất
nhiên, việc phân chia các loại phương pháp chỉ có ý nghĩa tương đối. Trong hoạt
động cần phải biết vận dụng tổng hợp các phương pháp và căn cứ vào tình hình cụ
thể và đặc điểm đối tượng mà xác định các phương pháp cho phù hợp, đạt hiệu quả
cao.
Sự phát triển
của thực tiễn và khoa học đã dẫn đến sự ra đời một lĩnh vực đặc thù của tri thức
triết học và khoa học lý thuyết - đó là phương pháp luận
Phương pháp
luận là một hệ thống những quan điểm, những nguyên tắc xuất phát, những cách thức
chung để thực hiện hoạt động nhận thức và thực tiễn cùng với bản thân học thuyết
về hệ thống đó.
Lưu ý: phương
pháp luận không phải là tổng số những qui tắc tuỳ tiện do con người tạo ra, mà
trái lại, nó luôn mang nội dung khách quan, phản ánh trình độ nhận thức và thái
độ con người đối với các qui luật khách quan của hiện thực. Mọi khoa học đều thực
hiện chức năng phương pháp luận nhưng mỗi khoa học, tuỳ theo từng trường hợp cụ
thể, bên cạnh việc sử dụng phương pháp luận đặc trưng của mình lại có thể sử dụng
các phương pháp luận của các khoa học khác trong hệ thống phương pháp luận khoa
học nói chung.
- Phương pháp
luận cũng được chia thành các cấp độ khác nhau:
Phương pháp
luận bộ môn, là phương pháp luận đặc trưng cho một bộ môn khoa học cụ thể, nó
chỉ đạo việc xác định các phương pháp cụ thể của bộ môn khoa học ấy. Ví dụ:
phương pháp luận toán học (bao gồm hệ thống các nguyên tắc về tính chính xác,
tính cân bằng giữa giả thiết và kết luận, tính có thể chứng minh và kiểm tra được
kết quả…), phương pháp luận kinh tế (bao gồm hệ thống các nguyên tắc về tính hiệu
quả, tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh, nguyên tắc về sự tăng trưởng bền vững…).
Phương pháp
luận chung, là phương pháp luận của một ngành (bao gồm nhiều bộ môn) hay một
nhóm ngành (bao gồm nhiều ngành) khoa học có những đặc điểm chung nào đó giống
nhau. Ví dụ, phương pháp luận của các khoa học xã hội, phương pháp luận của các
khoa học tự nhiên, phương pháp luận của các khoa học kỹ thuật - công nghệ.
Phương pháp
luận chung nhất là phương pháp luận triết học. Nó khái quát những quan điểm,
nguyên tắc chung nhất làm xuất phát điểm cho việc xác định các phương pháp luận
khoa học chung, phương pháp luận bộ môn và các phương pháp hoạt động cụ thể của
nhận thức và thực tiễn.
Các loại
phương pháp luận trên đây vừa độc lập tương đối với nhau, vừa bổ sung cho nhau,
thâm nhập vào nhau để hợp thành một hệ thống khoa học về phương pháp, chỉ đạo
chủ thể xác định đúng đắn các phương pháp cụ thể trong nhận thức và thực tiễn.
Trong hệ thống đó, triết học đảm nhận chức năng phương pháp luận chung cho tất
cả các khoa học cụ thể, kể cả khoa học quân sự. Những quan điểm, nguyên tắc xuất
phát tạo thành phương pháp luận triết học sẽ được quán triệt vào các phương
pháp luận còn lại, tạo thành cơ sở triết học của chúng.
ĐHQ-H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét