Pages - Menu

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

NGƯỜI CHỈ HUY CẦN PHẢI GƯƠNG MẪU VỀ MỌI MẶT

 

Làm lãnh đạo, chỉ huy ở cấp nào cũng phải luôn xác định làm tròn trách nhiệm của mình với nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đặt nhiệm vụ xây dựng đơn vị lên hàng đầu, lên trên hết; luôn chăm lo xây dựng đơn vị về mọi mặt và có quyết tâm, kế hoạch, tìm mọi biện pháp để tổ chức thực hiện.

Người chỉ huy phải gương mẫu về mọi mặt. Không gương mẫu thì nói không ai nghe, hoặc có thể cấp dưới sợ nhưng không phục, nhất định hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy không cao. Cần quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, tạo mọi điều kiện cho anh em học tập, công tác, phát triển; không đẩy người kém đi chỗ khác. Quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, hậu phương, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ để anh em yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ. Phải tạo sự bình đẳng, công bằng trong đơn vị, không thiên vị, kể cả trong xử lý vi phạm kỷ luật; nếu con em cán bộ được ưu tiên, châm trước sẽ tác động rất xấu đến cán bộ, chiến sĩ, càng tạo nên sự cách biệt giữa cấp trên với cấp dưới.

Người chỉ huy cần luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không chia rẽ bè phái, tôn trọng lẫn nhau, trao đổi thẳng thắn với tinh thần xây dựng; công bằng và không thiên vị, định kiến; tránh hiện tượng đồng hương tụ tập bè cánh kích bác nhau. Thường xuyên kiểm tra nơi ăn, ngủ, huấn luyện, chấn chỉnh kịp thời những việc chưa tốt, sai phạm. Lúc tôi còn làm việc, mỗi khi đi công tác về đều xuống đơn vị nắm tình hình, kiểm tra cơ quan cấp dưới và đôn đốc, nhắc nhở, xử lý giải quyết những gì tồn đọng, vướng mắc xong mới về nhà. Khi bộ đội có đơn thư kiến nghị phải xem xét, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kịp thời, công minh, tạo niềm tin cho anh em; bảo đảm dân chủ, công bằng trên các mặt, không để tham ô, lãng phí xảy ra trong đơn vị, qua đó tạo niềm tin, gần gũi, gắn bó giữa người chỉ huy với cấp dưới.

Ngoài ra, ở bất cứ cương vị nào, người chỉ huy đều phải hiểu sâu về lĩnh vực mình phụ trách, nghiên cứu, học tập, nắm chắc về chuyên môn, vì có biết thì nói mới đúng, có giỏi nói mới sâu. Qua đó quản lý được công việc mình phụ trách, hướng dẫn cấp dưới, nhận xét đánh giá đúng mới có tác động tích cực đến hoạt động của đơn vị. Đã là người chỉ huy thì cần phải biết toàn diện các mặt công tác của đơn vị. Nhiều kiến thức không có trong các nhà trường mà phải tự học, tự nghiên cứu khi đảm nhiệm cương vị cao hơn, rộng hơn, nhất là lĩnh vực tài chính trong quân đội, nếu không biết sẽ không nắm được và quản lý không chặt chẽ... Xây dựng mối đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ huy; trong đơn vị, với các đơn vị bạn, với cấp dưới, với cấp trên nhằm tạo môi trường hòa thuận cho thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phải đấu tranh với những sai trái bằng phương pháp hợp lý để đoàn kết. Ở vị trí nào, người chỉ huy cũng phải nắm vững điều lệnh, điều lệ, quy chế, quy định để thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng, làm việc đúng chức trách, không lấn sân, không để ai lấn sân, hỗ trợ nhau cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng đơn vị.

Để xây dựng mối đoàn kết và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, rất cần cán bộ, chiến sĩ đều trên dưới một lòng. Nhưng trước hết, người chỉ huy phải duy trì điều lệnh, điều lệ, các chế độ quy định nghiêm túc. Tăng cường công tác giáo dục, duy trì kỷ luật nghiêm minh, không để xảy ra vi phạm kỷ luật, nhất là kỷ luật nghiêm trọng. Người chỉ huy cần gương mẫu về mọi mặt trong đơn vị để cấp dưới noi theo; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền; bảo đảm tiêu chuẩn, chế độ của bộ đội đầy đủ theo đúng quy định.

 

ĐTT-KBS

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét