Đài Á Châu tự do (hay còn gọi là RFA tiếng Việt) có lẽ không quá xa lạ đối
với người quan tâm chính trị. Tần suất hoạt động tích cực trên MXH với gần 1
triệu lượt người theo dõi trang, tuy nhiên bản chất thực sự của tổ chức này như
thế nào thì không phải ai cũng biết.
Được thành lập từ ngày 12/3/1996 tại Hoa Kỳ, được Chính phủ Hoa Kỳ
tài trợ và hoạt động dưới sự giám sát bởi Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ
– USAGM. Tổ chức này có sứ mệnh phát sóng các chương trình phát thanh, cung cấp
thông tin, tin tức và bình luận trực tuyến cho khán giả tại châu Á với mục tiêu
ban đầu là nhằm đối trọng với các nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc, cũng như
cung cấp các thông tin truyền thông về chính phủ Bắc Triều Tiên. Đến nay, RFA
đã mở rộng với 9 thứ tiếng ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Mọi thứ của tổ
chức này trên giấy tờ đều rất hoành tráng, mục đích thành lập rất cao cả, tôn
chỉ mục đích cao đẹp, tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ “vén màn” được
những bí mật đằng sau của RFA. Tuy là tổ chức tư nhân phi lợi nhuận, thế nhưng
RFA lại được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ và hoạt động dưới sự giám sát bởi một cơ
quan của Hoa Kỳ. Để “phân trần” về việc tài trợ trên, cũng như là để tăng cường
độ “uy tín” của mình, tạo lòng tin đối với những người nhẹ dạ cả tin theo tổ chức
này, RFA đã luôn phủ nhận rằng bản thân không chịu sự quản lý của Chính phủ Hoa
Kỳ, càng không có quan hệ mật thiết với Chính phủ nước này. Từ những điểm trên,
thông tin mà RFA cho là “khách quan” có lẽ cần phải cảnh giác, xem xét và đánh
giá lại về tính chính xác và trung thực của nó.
RFA đã và đang làm “méo mó” đi rất nhiều
tôn chỉ mục đích đã đưa ra bằng cách tường thuật không khách quan, dần dần trở
nên đối lập với thông tin mà Chính phủ các nước đưa ra. Điều đó “lộ liễu” đến mức
chính những con người làm công tác về nhân quyền tại Mỹ cũng phải thốt lên rằng:
“Bất cứ nơi đâu nếu chúng ta cảm thấy như đang có một kẻ thù tư tưởng, chúng ta
sẽ có ngay một Đài gì đó mang tên Tự do”, đó là những lời nói từ bà Catharin
Dalpino, nguyên là phụ tá Phó Bộ trưởng phụ trách về nhân quyền, Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ đã từng chia sẻ. Điều mà bà Catharin Dalpino đưa ra là hoàn toàn có căn
cứ, hãy nhìn cách RFA đưa tin về việc Triều Tiên đang sử dụng một đạo luật ép
buộc sinh viên phải cắt tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, tuy nhiên tìm hiểu
kỹ mới biết rằng Triều Tiên chỉ “khuyến khích” công dân cắt tóc theo một số kiểu
mẫu, trong đó có 10 kiểu tóc cho nam giới và 18 kiểu tóc cho nữ giới, chứ không
hề có đạo luật “ép buộc” như đã nêu. Hay bài đăng của RFA vào hồi tháng 01/2022
vừa qua nói về “cuộc đụng độ” giữa vài người lính Trung Quốc với đơn vị thi
công Việt Nam đang gia cố bờ kè ở đoạn sông biên giới hai nước, khi tìm hiểu kỹ
mới tá hỏa ra rằng những người lính Trung Quốc chỉ ném vài viên đá sang nhằm
ngăn cản đơn vị thi công, ấy vậy mà tổ chức này cường điệu hóa sự việc trở
thành “đụng độ” với mục đích kích động nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều
các tin bài mà RFA đã đưa tin sai sự thật về Việt Nam.
Khi đi sâu
vào hệ thống nhân sự của RFA, sẽ thấy hầu hết nhân sự của ban tiếng Việt tại RFA
đều là người Việt, nếu không phải là người liên quan đến tổ chức khủng bố Việt
Tân thì họ cũng là những người “chống chính quyền Việt Nam triệt để”. Vì vậy,
trong các buổi phát thanh bằng tiếng Việt của RFA, những phát thanh viên luôn
tìm cách làm suy giảm lòng tin của người dân với đất nước qua các bản tin, các
bài đăng với phương thức đưa tin xuyên tạc. Với thủ đoạn này đã khiến không ít
người “sập bẫy”, từ đó tự tạo tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi về chính
quyền và thành tựu phát triển của đất nước.
Không chỉ xuyên
tạc các vấn đề, sự kiện diễn ra trong nước Việt Nam, RFA còn nâng tầm Hoa Kỳ và
các nước đồng minh như một “ngôi sao” trong mọi mặt, nhất là về chính trị. Tuyệt
nhiên, không bao giờ thấy nội dung công tâm nào về việc Hoa Kỳ mang những thứ
được gọi là “tự do”, “dân chủ” và “nhân quyền” đến Việt Nam như vụ thảm sát Mỹ
Lai năm 1968, vụ bắn giết ở thung lũng sông Vệ năm 1969, thảm sát Thạnh Phong
năm 1969, hay xa xôi hơn là vụ bắn rơi máy bay chở khách ở Iran năm 1988 khiến
toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng,…
Xâu chuỗi lại
sự việc, có thể vạch trần bộ mặt của RFA tiếng Việt chỉ là tổ chức có nhiệm vụ
“nhồi nhét” thông tin xuyên tạc, độc hại vào tâm trí người Việt. Mang tiếng là
Đài Á châu tự do nhưng thử hỏi, với những bản tin sai sự thật, vô lý như thế
thì tổ chức này đang mang lại “tự do” cho ai? Bởi lẽ một nửa ổ bánh mỳ mãi mãi
vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì chẳng bao giờ sẽ là sự thật.
K.A.T - K3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét