Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã
tổng kết lý luận và thực tiễn sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh
năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và vạch ra mục tiêu phát
triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết cũng xác định rõ phương
hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước
đến năm 2045. Nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII đề cập một cách toàn diện về
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và
hội nhập quốc tế. Vì thế, khi nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại
hội XIII cần phải có quan điểm toàn diện để tiếp cận nội hàm của từng quan
điểm, tư tưởng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,
theo đó cần khẳng định rằng: “Văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã được tiến
hành rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn
thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Quán triệt sâu
sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định
và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi,
dự thảo các văn kiện thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta”1.
Mặt khác, nghiên cứu, học tập, quán
triệt Nghị quyết Đại hội XIII phải đi vào trọng điểm, từng vấn đề, từng nội
dung trong văn kiện để thấy bức tranh chung trong Nghị quyết, đồng thời, thấy
được những điểm nhấn, trọng tâm trong một chỉnh thể thống nhất mà bản chất nội
tại của toàn bộ Nghị quyết là phản ánh thực tiễn đất nước ta và có tính dự báo
sâu sắc. Vì vậy, chỉ có quan điểm toàn diện mới thấy hết được giá trị, tầm vóc
của Nghị quyết Đại hội XIII và ở đó là những luận điểm lý luận sâu sắc được
tổng kết từ thực tiễn đất nước trong mối quan hệ với tình hình thế giới, khu
vực với những diễn biến tác động trực tiếp đến tình hình nước ta.
Quan điểm toàn diện trong nghiên
cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII giúp chúng ta có phương pháp
tiếp cận khoa học, thấy được tính chỉnh thể hệ thống của Văn kiện nhưng không
dàn đều và cần nghiên cứu phát hiện những nội dung mới, những vấn đề trọng điểm
của từng quan điểm của Đảng. Chẳng hạn, khi luận bàn toàn diện các mặt, các
lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc
phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế thì Đảng ta đi đến một
khái quát sâu sắc rằng “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết
chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế xã hội
là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh
thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên”2. Để
lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng ta xác định hệ thống các
nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, với điều kiện, yêu cầu mới, Đảng xác định
“Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII”3 gồm 6
nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế…,
phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…, xây dựng hệ
thống kết cấu hạ tầng đồng bộ… đã kế thừa Nghị quyết Đại hội XI, XII và bổ sung
nội hàm cho phù hợp tình hình mới.
Vì thế, đặt ra khi nghiên cứu, học
tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII cần phải toàn diện nhưng có trọng tâm,
trọng điểm để vừa tránh sự chung chung, hời hợt, phiến diện vừa tránh sự dàn
đều, không thấy hết những nội dung cơ bản, căn cốt, những điểm mấu chốt; nhất
là những vấn đề liên quan đến chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhận thức mới và tư
duy mới về quốc phòng, an ninh, những quan điểm, chủ trương về xây dựng lực
lượng vũ trang, xây dựng quân đội nhân dân trong những năm tới. Đồng thời,
nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII phải tra cứu, tìm tòi
sâu sắc từng quan điểm, tư tưởng, đặc biệt là những luận cứ, luận chứng, cơ sở
lý luận và thực tiễn để làm rõ từng quan điểm, chủ trương, giải pháp cho sâu
sắc, thấy rõ tính kế thừa và phát triển, thể hiện tư duy và tầm nhìn của Đảng
trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội. Như vậy mới thấy rõ cơ sở lý luận, thực tiễn
của từng quan điểm, chủ trương một kênh quan trọng trong công tác tuyên truyền
nhằm thống nhất nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm thực hiện
thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
NTL-H2
1
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội 2021, tr.19.
2
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội 2021, tr.110.
3
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội 2021, tr.199.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét