Lâu nay, các phần tử cơ hội chính trị, chống đối
cho rằng, Việt Nam không có dân chủ vì thực hiện chế độ nhất nguyên, nhất đảng
và vì thế dẫn đến dân chủ hình thức hoặc mất dân chủ. Trong khi đó, các tổ chức
nhân danh dân chủ phương Tây đã và đang tìm cách cổ suý “tiêu chuẩn nhân quyền”
kiểu phương Tây vào Việt Nam, đồng thời tung tin bịa đặt với các luận điệu cho
rằng: “Việt Nam thiếu văn hóa dân chủ, không có dân chủ, hạn chế quyền riêng tư
của công dân”, “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người”, “Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội tức là theo chế độ đảng trị, bằng “đảng
chủ”; “một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến độc tài, độc trị”;
“chế độ một đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”;
“chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam là “vừa đá bóng, vừa
thổi còi” dẫn đến ở Việt Nam không có dân chủ hoặc dân chủ hình thức”.
Đây là những luận điệu phản khoa học, hết sức
nguy hiểm bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ,
phát triển của đất nước, dân tộc. Thực chất luận điệu trên là muốn phủ nhận vai
trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, tiến
tới thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để đi đến xóa bỏ định
hướng XHCN ở nước ta. Vấn đề mấu chốt trong học thuyết “dân chủ, nhân quyền kiểu
phương Tây cần áp dụng đối với Việt Nam” là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng
và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cách mạng Việt Nam. Như vậy,
chiêu bài dân chủ thực chất là các thế lực thù địch nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước
và định hướng XHCN ở nước ta.
Chế độ dân chủ sau Cách mạng Tháng Tám ở Việt
Nam là chế độ dân chủ Nhân dân hướng theo con đường xây dựng xã hội xã hội chủ
nghĩa. Một trong những đặc trưng của chế độ dân chủ ở Việt Nam là do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền. Tuy nhiên, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng
sản Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong
của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của
dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân
lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản
Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của
Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; các tổ
chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013).
Đảng là tổ chức chính trị của giai cấp, mang
tính chất giai cấp, là sự liên kết tự nguyện của những người cùng chí hướng và
cùng quyền lợi. Bản chất của đảng chính trị chính là bản chất giai cấp mà đảng ấy
đại diện. Lịch sử hiện đại đã chứng minh rằng, trình độ dân chủ và sự phát triển
của đất nước không tỷ lệ thuận với sự gia tăng của số lượng đảng phái chính trị.
Trong xã hội có sự phân chia giai cấp, mỗi giai cấp khác nhau có đảng khác
nhau, thậm chí trong cùng một giai cấp cũng có thể có nhiều đảng khác nhau. Những
đảng của cùng một giai cấp sẽ có cùng bản chất của giai cấp, có lợi ích gắn liền
với giai cấp sinh ra nó, chúng chỉ khác nhau về hình thức tổ chức, phương thức
hoạt động và những mục tiêu cụ thể mà không đối lập về bản chất.
Quan điểm một đảng thì mất dân chủ, cản trợ sự
phát triển, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển là luận điệu sai
trái. Cho đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này. Bởi đất nước
có dân chủ hay phát triển không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng mà phụ
thuộc vào đảng cầm quyền đó có mang bản chất cách mạng, tiên phong hay không,
có bảo vệ quyền và lợi ích cho đa số nhân dân lao động hay chỉ cho một bộ phận
thiểu số người trong xã hội đó.
Thực tiễn cho thấy, dân chủ và sự phát triển của
một nước không tỷ lệ thuận với số lượng các đảng mà quốc gia đó có. Vì thực tiễn
nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là những
nước nghèo, kém phát triển. Ngay trong chủ nghĩa tư bản, có những thời kỳ một số
quốc gia và vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền vẫn bảo đảm
dân chủ và phát triển mạnh mẽ. Điển hình như vào cuối những năm 1980,
Singapore, Hàn Quốc... vẫn theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền nhưng đất nước
vẫn phát triển mạnh mẽ và ngược lại, ở một số quốc gia đa đảng vẫn không thực
hiện tốt dân chủ. Đồng thời, trong hệ thống chính trị đa đảng, tại một giai đoạn
chính trị nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền và thậm chí ngay cả
trường hợp khi liên minh đảng cầm quyền để thành lập chính phủ, đảng nào chiếm
số ghế nhiều hơn trong nghị viện sẽ có quyền quyết định trong các chính sách
phát triển của đất nước. Ở một số quốc gia khác (điển hình là Mỹ), mặc dù có
nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền là Đảng Cộng hoà và Đảng
Dân chủ. Những đảng này đại diện cho giai cấp tư sản thì tất yếu phải hướng đến
phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản chứ không thể là một “chính quyền của tất
cả mọi người”.
Trải qua hơn 90 năm ra đời và lãnh đạo, Đảng Cộng
sản Việt Nam đã luôn khẳng định được vị trí, vai trò không thể thay thế đối với
sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn và ý nghĩa lịch sử kết
tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân Việt Nam đã khẳng định con đường đi lên
CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại; khẳng
định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của
cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là minh chứng rõ nét rằng bản chất của một
nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng và đối với Việt Nam
dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ trong xã hội
không những không bị mất đi, không bị hạn chế mà còn được bảo đảm, được phát
huy sâu rộng trong thực tế.
P.T.H.H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét