Chủ nghĩa cơ hội vốn không xa lạ. Nó
thường che giấu bộ mặt thật của mình. Bản chất của những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội
là khi cách mạng gặp thuận lợi, phát triển thì luôn tỏ ra cấp tiến, nhưng khi
cách mạng gặp khó khăn thì dao động, ngả nghiêng, sẵn sàng thỏa hiệp với các đối
tượng phản động và phần tử xấu để chống phá cách mạng hoặc lợi dụng những kẽ hở
của chính sách, pháp luật để làm nhiều điều mờ ám, gây tổn hại đến sự nghiệp
chung.
Trong quá trình đấu tranh không khoan
nhượng với chủ nghĩa cơ hội. V.I.Lênin đã chỉ ra các biểu hiện của chủ nghĩa cơ
hội trong Đảng đó là:
Một là, những kẻ cái gì cũng cho là
đúng, cũng tán thưởng, không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng,
dao động, không kiên định nguyên tắc dẫn đến gây bè cánh trong Đảng; những kẻ sẵn
sàng quỳ gối, uốn lưỡi cho vừa lòng và phù hợp với quan điểm của cấp trên và quần
chúng, hòng tăng phiếu ủng hộ trong các dịp bầu cử, nhất là luôn “hy sinh lợi
ích căn bản của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số hết sức ít công
nhân, nói cách khác tức là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp
tư sản để chống lại quần chúng vô sản”.
Hai là, những kẻ luôn biểu hiện, thể hiện
bản thân rất vững vàng về lập trường chính trị, luôn phát biểu và tỏ ra thông
suốt lý luận chủ nghĩa Mác, nhưng thực tế thì không phải vậy: chúng không vì lý
tưởng cách mạng mà vì động cơ quyền lực, không vì Đảng, vì dân để phấn đấu mà
vì lợi ích cá nhân của mình; những kẻ “tìm mọi cách” chui vào Đảng, xâm nhập vào
bộ máy quyền lực, tìm mọi cách để giành được vị thế (quyền lực), để từ vị trí
đó và dùng quyền lực đó thực hiện mục đích của cá nhân, rồi kết bè, kéo cánh
cùng những phần tử cơ hội cũ, tạo thành một thế lực đáng kể trong Đảng, làm giảm
sức mạnh, uy tín và thanh danh của Đảng; những kẻ không nhận thức đúng con đường
đi lên của sự nghiệp cách mạng vô sản, sợ khó khăn trong việc kiến thiết xã hội
chủ nghĩa, để những khó khăn đó làm cho khiếp đảm và tỏ ra tuyệt vọng hay hoang
mang hèn nhát, người đó không phải là một người xã hội chủ nghĩa.
Ba là, biểu hiện của “những kẻ gian giảo,
những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược, và những
người mensêvích, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn
thì vẫn là mensêvích”.
Chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm thời lâm
vào thoái trào. Chế độ XHCN chỉ còn lại ở một số nước. Nhưng thời nào cũng có,
thời gian gần đây, chủ nghĩa cơ hội hiện đại đã xuất hiện những biểu hiện mới
không thể xem thường, cụ thể là ở Việt Nam hiện nay là một minh chứng cho điều
đó.
Thứ nhất, một số ít người từng giữ
cương vị lãnh đạo, quản lý lâu năm trong hệ thống chính trị các cấp, nhưng ít
nhiều có biểu hiện “trở cờ” sau khi về hưu. Khi còn làm việc trong bộ máy công
quyền, họ ít kêu ca, than phiền và cũng cố gắng làm tròn chức phận để vừa “giữ
ghế”, vừa tận dụng cơ hội để có chức vụ cao hơn. Nhưng trong quá trình công
tác, có thể có những điều gì đó làm họ không hài lòng và không đạt được mục
đích như tham vọng cá nhân. Thế nên, khi trở về đời thường không còn liên quan
đến việc công, họ đã giải tỏa những ức chế tâm lý và sự bức xúc cá nhân thông
qua những phát ngôn trái chiều, những bài viết chủ yếu khoét sâu vào những mặt
trái, tiêu cực xã hội, phê phán đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước rồi
đưa lên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang, phân tâm.
Thứ hai, một số người lợi dụng các đợt
đóng góp ý kiến vào các dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước để đưa ra những quan niệm “mập mờ đánh lận con đen”. Số người này bề
ngoài thì tỏ ra am tường, minh triết, học cao, hiểu rộng, nhưng khi viết bài,
đóng góp ý kiến lại có những lời lẽ, ý tứ ngụy biện được bọc trong một cái lớp
vỏ phản biện trên tinh thần khoa học. Không những thế, có ý kiến còn vẽ ra con
đường này, lối dẫn nọ của nước khác để khuyến cáo, thậm chí đòi hỏi Việt Nam phải
áp dụng. Thế nhưng, những “bức vẽ, lối đi” đó không màu sắc, không đường nét rõ
ràng, bởi thực chất đấy chỉ là một thứ học đòi, học lỏm hay dung hòa, trộn lẫn
hỗn độn bởi đủ thứ lý thuyết, học thuyết rối rắm, xa lạ, không phù hợp với hoàn
cảnh, điều kiện thực tế ở nước ta.
Thứ ba, một số người từng là cán bộ, đảng
viên lâu năm đã mắc bệnh công thần chủ nghĩa, tuyệt đối hóa vai trò, cống hiến
của mình trong quá khứ để phê phán quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước và đề xuất những ý kiến lệch lạc. Mặc dù có ý kiến đã được
cơ quan chức năng và người có trách nhiệm tiếp thu, giải trình một cách nghiêm
túc, cầu thị, nhưng họ vẫn không đồng ý. Lợi dụng mạng xã hội, những người này
công khai bày tỏ quan điểm thiếu thiện chí, cực đoan nhằm hạ thấp vai trò lãnh
đạo của Đảng, xuyên tạc và phủ nhận con đường dân tộc ta đang đi.
Thứ tư, một số ít trí thức, văn nghệ sĩ
vốn là đảng viên cộng sản có những đóng góp nhất định trong lịch sử và có những
công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học nghệ thuật được khá nhiều công chúng biết
đến, nhưng nay lại bày tỏ sự sám hối của mình. Trên các mạng xã hội, ngoài việc
công khai “hối hận”, “mặc cảm” và cố ý chối bỏ quá khứ cống hiến đáng quý của
mình, những người này còn có những ý kiến hết sức chủ quan, thiên lệch về tình
hình đất nước, xã hội và đời sống nhân dân. Đáng nói hơn, có người đã liên lạc,
kết nối với các phần tử thù địch ở hải ngoại để "tiền hô hậu ủng", tạo
thêm bệ đỡ cho các thế lực đó thường xuyên công kích, chống phá Đảng, Nhà nước
và chế độ XHCN.
Thứ năm, một bộ phận cán bộ, đảng viên
cố tình lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống chính sách, luật pháp để làm những
việc sai pháp luật, trái đạo lý. Có những người triệt để lạm dụng lúc
"tranh tối tranh sáng” để thu vén lợi ích cá nhân. Xuất phát từ chủ nghĩa
cơ hội mà sinh ra bao thứ phiền toái: Nịnh hót, tâng bốc nhau một tấc lên trời,
lôi bè kéo cánh, cục bộ địa phương, thấy sai trái không dám đấu tranh, thấy cái
đúng không biết bảo vệ, bao che khuyết điểm, dung dưỡng cái xấu, thậm chí tiếp
tay cho cả cái ác... Cái thứ cơ hội này tuy không dễ “bắt tận tay, day tận mặt”,
nhưng cũng là kẻ thù bên trong không kém phần nguy hiểm./.
NVC-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét