Tiến bộ xã hội và công bằng xã hội
là một nội dung giảng dạy cơ bản về về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh. Quá trình giảng dạy tập trung làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về khái
niệm tiến bộ xã hội, tiêu chuẩn tiến bộ xã hội, động lực của tiến bộ xã hội và
các kiểu tiến bộ xã hội trong lịch sử. Đề cập đến tiến bộ xã hội là sự thay đổi
hình thái kinh tế - xã hội, đến sự phát triển toàn diện trên tất cả các mặt của
lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, nhà nước, dân chủ, pháp luật, văn hóa,
giáo dục, môi trường sinh thái mà đích cuối cùng là sự phát triển của con
người. Với các quốc gia, dân tộc cụ thể, tiến bộ xã hội là sự phát triển trên
các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, xã hội, quốc
phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường với tính chất tích cực. Tiến bộ xã hội
(xã hội theo nghĩa hẹp) là sự phát triển các mặt của lĩnh vực xã hội. Vấn đề
quan trọng trong giảng dạy tiến bộ xã hội cần làm rõ tính chất của sự phát
triển xã hội. Trong sự phát triển của xã hội, cùng với trình độ của sự phát
triển, tính chất của sự phát triển là yếu tố để đánh giá sự tiến bộ hay không
tiến bộ và tiến bộ là thuật ngữ chỉ gắn với xã hội. Một xã hội thực sự là tiến
bộ khi gắn liền với sự công bằng xã hội.
Công bằng xã hội là một nguyên tắc
phân phối lợi ích, thước đo của nó là sự bình đẳng trong quan hệ giữa cống hiến
và hưởng thụ. Trong mối quan hệ biện chứng giữa tiến bộ xã hội với công bằng xã
hội, thì công bằng xã hội có vai trò quan trọng là động lực của tiến bộ xã hội:
“Phương thức phân phối về căn bản là phụ thuộc vào chỗ số lượng nào của
sản phẩm được phân phối, và số lượng này, dĩ nhiên thay đổi tuỳ theo sự tiến bộ
của sản xuất và của tổ chức xã hội, do đó cả phương thức phân phối ắt phải
thay đổi theo”1. Công bằng xã hội là cơ sở để người lao động (nguồn lực của
mọi nguồn lực) mới ra sức lao động, sáng tạo và cống hiến ngày càng nhiều cho
sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của kinh tế, của lực lượng sản xuất tạo
nên cốt lõi của tiến bộ xã hội, do đó, công bằng xã hội chính là động lực
của tiến bộ xã hội. Từ Đại hội lần thứ VII, phạm trù tiến bộ xã hội luôn đi
cùng công bằng xã hội, coi hình thức phân phối thông qua “nâng cao phúc lợi xã
hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế”1 để bảo đảm công bằng xã hội. Hội
nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01-1994), đã cụ thể hơn
về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển và
công bằng xã hội thể hiện cả ở khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất, lẫn ở
khâu phân phối kết quả sản xuất, cũng như ở điều kiện phát triển năng lực của
mọi thành viên trong cộng đồng và bổ sung hình thức phân phối: “… theo nguồn
vốn đóng góp và sản xuất kinh doanh”2. Đây là nhận thức và phát triển
mới của Đảng ta. Tiến bộ và công bằng xã hội là mục tiêu chung, là ước
vọng tốt đẹp của con người và xã hội loài người. Đó cũng là mục tiêu của chủ
nghĩa xã hội, xây dựng chế độ xã hội công bằng và bình đẳng.
Quán triệt quan điểm của Đảng về thực
hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta chính là: Nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân; hoàn thiện và thực thi hệ thống pháp luật bảo đảm
quyền con người, bảo đảm sự bình đẳng của người dân về quyền và trách nhiệm xã
hội; thực hiện chính sách phân phối bảo đảm cho người lao động, tổ chức, nhóm
người trong xã hội được hưởng thụ tương xứng với sức lao động, nguồn vốn đóng
góp vào quá trình sản xuất, kết hợp các biện pháp hỗ trợ của nhà nước và cộng
đồng, hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cho mọi người dân đều được thụ hưởng
thành tựu phát triển một cách công bằng, hợp lý; không ngừng cải thiện các điều
kiện vật chất và tinh thần của môi trường xã hội để mọi người dân được sống
trong an toàn, khỏe mạnh và tự do phát triển. Gắn lý luận với thực tiễn xã hội,
đất nước; đồng thời, nhận thức sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính
sách và pháp luật của Nhà nước.
PTH-H2
1 C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 37, Nhà xuất bản Chính trị
quốc gia sự thật, Hà Nội 1997, tr. 604.
1 Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2007, tr.160.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII), Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội
1994, tr. 47.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét