Pages - Menu

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

SỰ LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG TA TRÊN CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

 

Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Công cuộc đổi mới, kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cùng các nguồn lực khác, như phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực tăng cường hợp tác, mở rộng hội nhập quốc tế đã đem lại những thay đổi to lớn, thành tựu có ý nghĩa lịch sử cho đất nước trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Đặc biệt, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt 8,83%, đây là tốc độ tăng trưởng rất cao trong điều kiện kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và gặp rất nhiều khó khăn.

Việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực và quốc tế.

Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển. Nhờ đó, người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế hơn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân… Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận...; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có Covid-19.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Đến nay, diện thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

35 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Đến nay, đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…

Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, có thể khẳng định: “Xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây”.

Mặc dù, vẫn còn những hạn chế, thách thức trong giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chính đáng của từng cá nhân, nhưng với những kết quả đạt được trên thực tế trong những năm qua ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn tin tưởng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội hướng tới các giá trị đích thực vì con người, sẽ không “có sự cạnh tranh chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”, không có “vì lợi nhuận mà bóc lột chà đạp lên phẩm giá con người”, không có kiểu “cạnh tranh bất công”, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số cá nhân và các phe nhóm…”.

Những thành tựu qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.

LĐT-H8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét