Pages - Menu

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

KHÔNG ĐỔI MỚI THÌ SẼ ĐI VÀO NGÕ CỤT

 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng dài lâu, phong phú và hoàn toàn không đơn giản thuận chiều của mình, đồng chí Trường Chinh (tên thật: Đặng Xuân Khu, bút danh: Sóng Hồng, 9-2-1907-30-9-1988), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn từ tháng 11-1940 tới tháng 10-1956 và nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn tháng 7 tới tháng 12-1986 được đánh giá là bậc thầy về nắm thời cơ.

Không ít những thành tựu của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX có thể được coi như là kết quả trực tiếp từ những quyết định sáng suốt và nhìn xa trông rộng của nhà lãnh đạo kiệt xuất này có tư duy thức thời và luôn biêt cách hành động kịp thời...

Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, cách mạng Việt Nam đã phải ở trong tình thế cực kỳ gian nan và phức tạp. Đất nước “một cổ hai tròng”, vừa phải chịu ách áp bức đã kéo dài tới 8 thập niên của thực dân Pháp lẫn những trò tác oai tác quái của quân đội phát xít Nhật mới tràn vào. Hai lực lượng ngoại xâm này vừa mâu thuẫn với nhau nhưng vừa “đồng điệu” cùng nhau trong những hoạt động bóc lột, đàn áp người Việt Nam, chống phá những người cộng sản và yêu nước. Từ tháng 8-1942 tới tháng 9-1944, Bác Hồ đi công tác vắng, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ trong tù tới 14 tháng. Với cương vị Quyền Tổng Bí thư Đảng, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này nhớ lại, đồng chí Trường Chinh đã đảm trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng với nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên trên hết. Và như thực tế cho thấy, đồng chí Trường Chinh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, sớm nhìn ra những thời cơ thuận lợi có thể tới với cách mạng Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà ngay tại Hội nghị Võng La (Đông Anh, lúc đó còn thuộc Phúc Yên), diễn ra tháng 2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta đã sớm vạch ra một kế hoạch toàn diện chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đất nước. Tới tháng 9-1944, chính đồng chí Trường Chinh cũng đã sớm nhìn ra được kết cục tất yếu sẽ bùng nổ từ những mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật và rung chuông cảnh báo trên báo “Cờ Giải phóng” qua bài báo “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ”. Và ngay từ ngày 8-3-1945, khi nhận được những thông tin đầu tiên về dấu hiệu dường như quân đội Nhật ở Việt Nam đang chuẩn bị chiến đấu, đồng chí Trường Chinh đã nhanh nhạy dự báo về cuộc lật đổ mau lẹ của Nhật đối với lực lượng của Pháp ở Đông Dương và đã ngay lập tức triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bác Ninh để đề ra những hoạt động cụ thể trong tình hình mới. Và cũng chính đồng chí Trường Chinh đã sớm thay mặt Thường vụ Trung ương ngày 12-3-1945 thảo ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và nhiệm vụ của chúng ta”. Theo đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Cùng với Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, bản Chỉ thị ấy đã chỉ rõ thời cơ đang đến, khả năng thời cơ xuất hiện và thái độ của chúng ta như thế nào... Chỉ thị đó có tác dụng quyết định trong việc động viên, hướng dẫn toàn Đảng trong cao trào chống Nhật, cứu nước...”. Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng nhận định: “Chỉ thị này dự kiến những trường hợp làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa có thể mở ra thắng lợi, chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Chỉ thị này là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng trong cao trào này, dẫn tới thắng lợi trực tiếp của Cách mạng tháng Tám”.

Và khi thời cơ đến theo đà phe Đồng Minh tiêu diệt dần các lực lượng phát xít ở châu Âu, cũng chính đồng chí Trường Chinh là người đã chỉ đạo tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, thành lập các khu giải phóng. Khi nước Đức phát xít sụp đổ, Tổng bí thư Đảng đã kêu gọi đồng chí, đồng bào chuẩn bị sẵn sàng Tổng khởi nghĩa giành lại độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra đúng lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhất, không sớm hơn và cũng không muộn hơn. Và vì thế, đã thành công rực rỡ trong vòng hơn 10 ngày, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa đầu tiên trên dải đất hình tia chớp. Trong sự kiện lịch sử vĩ đại này có phần đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh...

Còn nhiều sự kiện lịch sử khác nữa in dấu ấn đậm nét tài dự báo đúng và xử lý đúng cơ hội lịch sử của đồng chí Trường Chinh. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính chiến lược, góp phần đưa cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi. Tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, tập hợp những bài báo đã đăng trên tờ Cứu Quốc, của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chứa đựng những đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận cách mạng. Trong tác phẩm đã từng là “sách gối đầu giường” của nhiều cán bộ ta trong kháng chiến, đồng chí Trường Chinh cũng nhấn mạnh tới việc nắm bắt thời cơ một cách nhạy bén để tạo ra các bước ngoặt trong chiến tranh cách mạng...

Trong sự nghiệp kiến quốc, đồng chí Trường Chinh cũng là người nhạy bén với những đòi hỏi của thực tế, vừa kiên định lập trường cách mạng vừa biết tự thay đổi tư duy cho phù hợp với thực tế. Thậm chí cho tới tuổi đã gần 80, sức khỏe không còn được như trước nữa, khi thêm một lần nhận trọng trách làm Tổng Bí thư Đảng trong bối cảnh đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng chí Trường Chinh vẫn rất minh mẫn trong việc cùng Đảng và Nhà nước ta nhìn thẳng vào sự thật, tiến hành đúng mực và đúng hướng đường lối Đổi Mới. Đi sâu vào thực tế luôn có thể nhìn ra lối thoát hiểm tối ưu. Chính với tư duy đó nên Tổng Bí thư Trường Chinh đã rất tích cực thực hiện những chuyến công tác tới các địa phương trong cả nước để thấy rõ hơn thực trạng nền kinh tế và tình hình xã hội mọi mặt.

Trong một cuộc nói chuyện ở Hà Nội, đồng chí Trường Chinh kết luận: Hiện nay, nhiều báo cáo không đúng sự thật, Đảng ta phải cứu lấy giai cấp công nhân; muốn thế, nhất định phải đổi mới. Đổi mới là yêu cầu bức thiết, đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Anh nhấn mạnh: Nếu không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt”...

Nói cho cùng, cách mạng luôn là một quá trình liên tục đổi mới để đáp ứng được những yêu cầu mới của thời cuộc. Cách mạng cũng là nghệ thuật đưa ra những quyết định hợp thời và thức thời để giành lấy thắng lợi cho dân, cho nước. Nhìn từ góc độ đó, đồng chí Trường Chinh quả thực đã là một tấm gương lớn của những người cộng sản trong mọi hoàn cảnh...

CĐT-H4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét