Phát triển lý
luận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một cống hiến trong bảo
vệ, phát triển học thuyết kinh tế chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Trước những tín
hiệu bắt buộc phải đổi mới từ cuộc sống, Đảng ta bắt đầu thay đổi tư duy, khởi
xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm
1986) đánh dấu bước đột phá về tư duy lãnh đạo, quản lý kinh tế với đột phá là
khơi thông mọi động lực của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội VI xác định: phát triển
kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Với khâu đột phá là
đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, công tác lý luận đã tập trung kiến
giải, xác lập và thực thi chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều
thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đến Đại
hội Đảng lần thứ IX (tháng 4/2001) Đảng ta khẳng định: nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước
ta. Đó là một hình thái vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa
dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc thể hiện bản chất của
CNXH nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đại
hội Đảng lần thứ XII của Đảng cũng khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của
kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn
phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc
tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”.
Đại hội XIII tiếp
tục khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng
quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền kinh tế thị trường hiện
đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế
thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Tư duy lãnh đạo
xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ là vấn
đề mang tính tất yếu của công cuộc đổi mới mà còn là sự đúng đắn về nguyên tắc,
quan điểm của Đảng, đồng thời là đòi hỏi của thực tiễn đất nước với điểm xuất
phát thấp đi lên CNXH như Việt Nam. Tư duy đó không chỉ là nền móng bảo đảm độc
lập, tự chủ về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh mà còn là điều
kiện căn bản, là môi trường rộng mở tối ưu bảo đảm cho sự phát triển năng động,
mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế gắn chặt với công bằng xã hội, vì mục tiêu
tiến bộ xã hội. Đó cũng là sự thể hiện ưu thế tuyệt đối của chế độ xã hội ta
khi xem kinh tế thị trường chỉ là phương tiện, công cụ hữu hiệu để xây dựng
CNXH nhằm phục vụ nhân dân so với các chế độ xã hội khác cũng phát triển kinh tế
thị trường.
Qua thực tiễn
35 năm đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng XHCN là hoàn toàn đúng đắn, là sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta và
là con đường, phương thức để xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đây còn là sự cống hiến
về mặt lý luận trong bảo vệ, phát triển học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Mác -
Lênin trong điều kiện một quốc gia đi lên CNXH từ một nền nông nghiệp lạc hậu,
bị chiến tranh tàn phá, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN với tư cách là quan hệ
sản xuất giữ vai trò thống trị. Dựa trên cơ sở nội dung, cách thức phát triển
kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa
học để khẳng định rằng: kinh tế thị trường không đối lập với CNXH, nhất là
trong thời kỳ quá độ.
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng khẳng định: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ
theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội
chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế
thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế
thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản
chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và
phân phối.
Hồ Dung -
KNN-TV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét