Chiều 15/11/2022, tại hội trường
Diên Hồng - Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,
Quốc hội khóa XV đã bế mạc Kỳ họp thứ Tư. Tại phiên bế mạc, với 486 đại biểu
Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội,
Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ
Tư, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ
Tư, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau 21 ngày làm
việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ
Tư, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và tiến hành
phiên họp bế mạc.
Tiếp nối và phát huy thành công
tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội
đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối
lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội
phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội
phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận hội trường;
345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22
đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua
6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc
tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều
nội dung quan trọng khác.
Kết quả của Kỳ họp nổi bật những
vấn đề đó là:
Về kinh tế - xã hội và ngân sách
nhà nước, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực
hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư
công năm 2022; đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã
đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh
xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần
nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quốc hội đã hoàn thành khối lượng
lớn công việc lập pháp, thông qua 6 luật, 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật,
cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự
án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và
phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ
quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu
quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị
đại biểu Quốc hội, nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến
khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật,
dự thảo nghị quyết khi Quốc hội thông qua.
Quốc hội đã nghe và thảo luận
sâu sắc, thực chất các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân
dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của
cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của
Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm
và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối
cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
giai đoạn 2016-2021. Báo cáo giám sát đã nêu bật những kết quả quan trọng, khá
toàn diện đã đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, xác
định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với 5 nội
dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí. Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả
về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; qua đó, chính phủ, các bộ,
ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông
tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời ban
hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế
theo kiến nghị của đoàn giám sát.
Với thành công tốt đẹp của Kỳ họp
thứ Tư, Quốc hội khóa XV, cử tri cả nước tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng
đắn, sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của cử tri và Nhân dân cả nước, sự
phối hợp của Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân
dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan,
cùng với Nội quy kỳ họp Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp này, hoạt
động của Quốc hội nhất định sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn,
sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc./.
LĐT-H8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét