Quá độ lên CNXH là thời kỳ cải biến
cách mạng sâu sắc, triệt để và toàn diện xã hội cũ thành xã hội mới xã hội chủ
nghĩa (XHCN) diễn ra từ khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, bắt tay
vào xây dựng xã hội mới theo định hướng XHCN và kết thúc khi xây dựng về cơ bản
những cơ sở kinh tế - xã hội XHCN về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ sở
kinh tế và kiến trúc thượng tầng tương ứng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt
Nam khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến
tới chủ nghĩa xã hội” (1).
Việt Nam đi lên CNXH là một tất yếu
khách quan phù hợp với xu thế chung của thời đại, với quy luật khách quan của lịch
sử và khát vọng của dân tộc ta, đồng thời là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta và
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, sự biến đổi
các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên và hình thái kinh
tế - xã hội sau cao hơn hình thái kinh tế - xã hội trước nhưng bao giờ cũng phải
trải qua một quá trình biến đổi lâu dài, khó khăn, phức tạp - đó là thời kỳ quá
độ. Phát triển theo con đường CNXH không chỉ phù hợp với xu thế của thời đại,
mà còn phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân
dân gắn liền với cách mạng XHCN, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, thực hiện mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng ta đã nhận thức
sáng rõ thời kỳ quá độ lên CNXH: “ Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt
để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất
trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời
kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế,
xã hội đan xen” (2).
Thời kỳ quá độ lên CNXH là tất yếu
khách quan đối với các quốc gia đi lên CNXH nhưng do đặc điểm lịch sử - cụ thể
mỗi nước, quá độ đi lên CNXH không diễn ra tuần tự giống nhau. Cách mạng Việt
Nam bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH với đặc điểm lớn nhất là từ một nước nông
nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ
nghĩa. Vì vậy, nước ta đi lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tất yếu phải
trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp để có
thể tạo ra sự biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân vừa phải đẩy mạnh xây dựng nền tảng của chế độ mới XHCN, mặt
khác phải đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ
quốc XHCN. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng đắn những thời cơ và thách thức
trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng cả
về lý luận và thực tiễn, để cách mạng nước ta thực hiện thắng lợi những mục
tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ đặt ra. Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, Văn kiện
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết
tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của
thời đại” (3).
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 69.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 70.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội,
2021, tr.104
PVĐ-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét